Lễ bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp Viện của Nghiên cứu sinh Phạm Thị Thu Hà

Ngày 31/5/2022 Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp viện chuyên ngành Khoa học cây trồng (mã số: 9 62 01 10) cho nghiên cứu sinh (NCS) Phạm Thị Thu Hà - với đề tài luận án “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác sắn bền vững tại vùng Trung du tỉnh Nghệ An”, Người hướng dẫn khoa học là PGS.TS. Nguyễn Viết Hưng và TS. Nguyễn Quang Tin.

Tham dự buổi bảo vệ luận án có đại diện cơ sở đào tạo, đơn vị sinh hoạt chuyên môn và cơ quan công tác của NCS.

Hội đồng đã thông qua hồ sơ và điều kiện bảo vệ luận án TS cấp Viện, các thành viên Hội đồng nhất trí về kết quả học tập và các điều kiện để bảo vệ luận án của NCS.

Sau khi NCS trình bày tóm tắt kết quả luận án, các phản biện, thành viên Hội đồng đã nhận xét đánh giá, thảo luận về các kết quả nghiên cứu của luận án. Trong phiên họp kín, Hội đồng đã thống nhất kết luận:  Luận án là một công trình khoa học nghiêm túc, các kết quả thu được là mới, mang giá trị khoa học và có ý nghĩa thực tiễn, trong đó ghi nhận các kết quả có tính mới gồm: (i) Đã phân vùng sản xuất sắn ở tỉnh Nghệ An thành: vùng Đồng bằng, vùng Trung du và vùng Núi; Xác định được những thuận lợi, khó khăn cho phát triển cây sắn ở tỉnh Nghệ An; đặc biệt là vùng Trung du, vùng trồng sắn chủ lực của tỉnh. (ii) Xác định được giống sắn 13Sa05 thích hợp với điều kiện sinh thái của vùng Trung du tỉnh Nghệ An, đạt năng suất 48,2- 52,1 tấn/ha, vượt giống đối chứng KM94 từ 18,6 – 46,3%; hàm lượng tinh bột cao (28,78- 28,98%), tương đương giống đối chứng KM94 (29,01- 29,41%); sinh trưởng phát triển tốt, ít nhiễm các loại sâu bệnh hại chính. Giống 13Sa05 được tự công bố lưu hành theo thông báo số: 745/TB-TT-CLT của Cục Trồng trọt ngày 22/6/2020. (iii) Xác định được một số biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững cho giống sắn 13Sa05 ở vùng Trung du tỉnh Nghệ An gồm: Thời vụ trồng đầu tháng 2 và trồng xen với lạc thích hợp nhất. (iv) Chẩn đoán được tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng trong lá của giống sắn 13Sa05 tại Thanh Chương (vùng Trung Du) Nghệ An: N ở mức rất thiếu, P hơi thiếu, K ở mức thiếu; Hàm lượng dinh dưỡng trong lá có tương quan chặt với năng suất củ tươi; Xây dựng được các công thức phân bón thử nghiệm thông qua chẩn đoán dinh dưỡng của lá. (v) Xác định được tổ hợp phân bón thích hợp cho giống sắn 13Sa05 ở vùng Trung du tỉnh Nghệ An là: 90 kg N + 50 kg P2O5 + 100 kg K2O kết hợp 1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh + 500 kg vôi bột, với mật độ trồng 10.000 cây/ha cho năng suất củ tươi và năng suất tinh bột cao nhất, tương ứng 49,9 - 53,3 tấn/ha và 14,3- 15,8 tấn/ha

Hội đồng thông qua nghị quyết và bỏ phiếu đánh giá, biểu quyết công khai kết quả. Hội đồng đã nhất trí cao (7/7 thành viên) đồng ý đề nghị Cơ sở đào tạo công nhận học vị TS cho NCS Phạm Thị Thu Hà.

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện thay mặt cơ sở đào tạo phát biểu ghi nhận những cố gắng nỗ lực của NCS trong thời gian tham gia đào tạo và đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của luận án.

Trong sự vui mừng và xúc động, NCS. Phạm Thị Thu Hà chân thành cảm ơn thành viên Hội đồng chấm luận án đã đóng góp ý kiến thẳng thắn và sâu sắc về chuyên môn để NCS tiếp tục hoàn thiện bản luận án. NCS gửi lời cảm ơn và tri ân sự định hướng và giúp đỡ tận tình của tập thể giáo viên hướng dẫn, sự ủng hộ tạo điều kiện của lãnh đạo Viện KHNNVN, Ban Thông tin và Đào tạo, cơ quan công tác, đơn vị sinh hoạt chuyên môn, đồng nghiệp, bạn bè và gia đình để NCS có thể hoàn thành chương trình đào tạo và bảo vệ thành công luận án.

Một số hình ảnh của lễ bảo vệ

''

 

''

 

''

 

''

 

Tin liên quan