1. Giống cây trồng mới, tiến bộ kỹ thuật và mô hình trình diễn
1.1. Công nhận lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng mới
Năm 2022, các đơn vị thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã được công nhận lưu hành và tự công bố lưu hành 35 giống cây trồng mới, gồm:
- 20 giống cây lương thực và cây thực phẩm: 03 giống lúa (ĐBR57, ĐBR999), 11 giống ngô (Max 7379, LCH88, TC14-1, VN556, LVN26, NT98, ĐH17-5, TM181, VN116, VN559, Waxy 8/TG10), 01 giống sắn (HN1), 01 giống khoai tây (KT7), 01 giống khoai sọ (KS5), 02 giống lạc (L32, L33), 01 giống đậu xanh (ĐXĐB.07), 02 giống vừng (BĐ.01, HLVĐ.78).
- 05 giống cây công nghiệp: bông (NH01-152, NH02-97), mía (VN12-23, VN08-259, VNN01)
- 02 giống cây ăn quả: xoài vỏ dày (LĐ12), thanh long (DF02).
- 08 giống cây trồng khác: 05 giống hoa (Hoa cúc C15, C19; hoa đồng tiền CF.22.01, CF.22.02; lan hoàng thảo CF.22.03), 01 giống rau (cà chua NT9), 02 giống dâu tây (PS8.07; PS8.10).
1.2. Đăng kí bảo hộ giống cây trồng
03 giống cây trồng mới đã được cấp bằng bảo hộ (Dưa lê vàng lai, nhãn Ánh Vàng 205, lúa OM22).
03 tổ hợp gốc ghép cây có múi được công nhận để được đưa vào sản xuất (Tổ hợp gốc ghép Sảnh chịu mặn/mắt ghép Bưởi da xanh; Tổ hợp gốc ghép Bưởi Đường da láng chịu mặn/mắt ghép Bưởi da xanh; Tổ hợp gốc ghép Chanh tàu chịu mặn/ mắt ghép cam Sành không hạt); bình tuyển được 09 cây đầu dòng cam Nam Đông và bưởi đỏ Hương Hồ; xác định được 08 cây Hồng xiêm nhót đầu dòng.
1.3. Quy trình kĩ thuật (QTKT)
Năm 2022, toàn VAAS có 08 QTKT được công nhận cấp Bộ (04 quy trình quản lý côn trùng, 04 quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp); 26 QTKT về kĩ thuật canh tác, thâm canh giống, canh tác giống, sản xuất hạt giống, nhân giống, sản xuất chế phẩm, sử dụng chế phẩm, phòng chống dịch hại…được công nhận cấp Viện; 02 QTKT được công nhận cấp địa phương (Sở) và 16 QTKT đã được thông qua HĐKH cơ sở. Phần lớn các quy trình kĩ thuật hiện mới được triển khai ở các mô hình trình diễn (quy mô từ 1 ha đến 100 ha; giá trị làm lợi cho sản xuất từ 15-180 triệu đồng/ha), có tiềm năng áp dụng rộng rãi trong sản xuất, tạo sản phẩm an toàn, góp phần hình thành nền nông nghiệp sản xuất bền vững, hiệu quả.
1.4. Mô hình trình diễn
Năm 2022, VAAS đã xây dựng đã xây dựng được trên 300 mô hình trình diễn với diện tích trên 1.500 ha, tiêu biểu như: Mô hình sản xuất lúa bản địa phục vụ phát triển sản phẩm OCOP tại 03 tỉnh miền núi phía Bắc (Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu); mô hình trình diễn các giống lúa mới (BĐR27, BĐR57, BĐR17, BĐR999, BĐR79 và An Sinh 1399) tại 07 tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Gia Lai); mô hình sản xuất giống ngô sinh khối tại 06 tỉnh (Sơn La, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên); mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại 04 tỉnh (Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An); mô hình trồng thâm canh và chế biến cỏ, tạo nguồn thức ăn thô xanh quanh năm cho trâu bò tại 04 tỉnh (Phú Thọ; Lào Cai; Hà Giang và Sơn La); mô hình trồng cây ăn quả (cây nho, táo, xoài, mãng cầu, mít…) tại các tỉnh Nam Trung bộ; mô hình sử dụng gốc ghép cây có múi chống chịu mặn đối tại các tỉnh ĐBSCL; mô hình thâm canh chuối, xoài, nhãn, sầu riêng tại các tỉnh ĐBSCL; mô hình ghép cải tạo giống vải thiều chính vụ bằng giống vải chín sớm; mô hình chế biến cho các sản phẩm chè xanh đặc sản, chè xanh thơm, chè xanh; mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ăn trái, cây công nghiệp; mô hình sản xuất chế phẩm vi sinh, mô hình xử lý rác thải sinh hoạt, mô hình xử lý phế thải nông nghiệp…
2. Nguồn gen sinh vật và nghiên cứu cơ bản
2.1. Nguồn gen sinh vật
Bảo tồn lưu giữ an toàn 28.923 nguồn gen hạt trong kho lạnh, 6.735 nguồn gen trên đồng ruộng, 904 nguồn gen lưu giữ in-vitro; cấp phát được 457 nguồn gen cho người sử dụng; lưu giữ thường xuyên 691 chủng vi sinh vật trồng trọt gồm vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm men, nấm sợi phục vụ công tác nghiên cứu; bảo quản lâu dài 682 nguồn gen vi sinh vật gây bệnh và có ích; thu thập bổ sung 02 nguồn gen VSV có ích bao gồm 01 chủng Bacillus velezensis phòng trừ bệnh vàng lá (Fusarium oxysporum) và bệnh sương mai (Phytophthora infestans) trên cà chua, 01 chủng Lecanicillium lecanii phòng trừ rệp hại cải xanh, đánh giá ban đầu và chi tiết chủng Bacillus velezensis phòng trừ bệnh vàng lá (Fusarium oxysporum) và bệnh sương mai (Phytophthora infestans); đánh giá chi tiết 50 nguồn gen được bảo quản trong ngân hàng gen bao gồm 34 nguồn gen VSV gây bệnh (23 nguồn gen nấm Pyricularia oryzea, 7 nguồn gen Ralstonia solanacearum, 2 nguồn vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzicola và 2 nguồn vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae) và 16 nguồn nấm có ích Metarhizium anisopliae; xác định tên loài của 30 nguồn gen VSV vật bằng giải trình tự gen ITS/16S/28S. Phân lập và tuyển chọn được bộ chủng giống vi sinh vật, bao gồm: 3 chủng nấm lục cương (có ký hiệu AS2, Me1. Me2); 2 chủng nấm bạch cương (có ký hiệu AS1, Be1); 3 chủng Bacillus (có ký hiệu Ba1, Ba2 và Ba3). Đánh giá chi tiết 25 chủng VSV trong ngân hàng gen bao gồm 16 chủng Metarhizium anisopliae với hoạt tính chitinase từ 1,2-2,2cm và 9 chủng VSV gây bệnh với tỷ lệ bệnh đạt 56,67-82,4%; đã chiết tách DNA của 20 chủng VSV để xác định tên loài bằng công nghệ sinh học.
2.2. Nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu
- Xác định được vai trò của 03 gen mã hóa yếu tố phiên mã TF (OsDof5, OsRoc4 và OsbHLH044) và 02 gen mã hóa yếu tố phiên mã cảm ứng auxin ARF (OsARF5 và OsARF21) có chức năng tham gia vào sự phát triển bộ rễ lúa giúp tăng cường sinh trưởng của cây. Đã phân tích dữ liệu của các tính trạng kích thước hạt, hàm lượng amylose, độ hóa hồ, độ bền gel và mùi thơm của bộ 184 giống lúa địa phương. Đánh giá và chọn lọc được 60-90 dòng lúa đột biến ở thế hệ M5 trong điều kiện tự nhiên mang các tính trạng đột biến khác biệt so với giống gốc ban đầu.
- Chọn lọc được 157 dòng/giống cà phê vối làm vật liệu nghiên cứu; đã tách chiết, tinh sạch DNA của 35 giống cà phê đã chọn lọc được và gửi đi giải trình tự toàn bộ genome; đánh giá đặc điểm hình thái về thân, lá, hoa, quả, hạt, khả năng chịu hạn, kháng tuyến trùng của 100 dòng/giống cà phê vối; thiết kế được 96 mồi KASP đặc hiệu cho phản ứng PCR phục vụ đánh giá đa dạng di truyền cà phê.
- Chiếu xạ bằng tia gamma các giống lạc, đậu tương ở giai đoạn hạt khô (5 liều lượng chiếu xạ) và hạt nảy mầm (5 liều lượng chiếu xạ) và đang được tiến hành đánh giá ở thế hệ M1. Đang tiến hành nghiên cứu phương pháp nhân nhanh chồi in vitro cho giống dứa MD2 thông qua cảm ứng tạo protocorm-like bodies (PLB)
- Nghiên cứu quy luật phát sinh, phát triển và yếu tố ảnh hưởng tới số lượng sâu keo mùa thu trên ngô. Đã xác định được một số đặc điểm sinh học của bọ xít bắt mồi và nhện bắt mồi; tiến hành bố trí thí nghiệm về khả năng khống chế của nhện nhỏ bắt mồi N. longispinosus đối với nhện đỏ hai chấm và nhện bắt mồi: nhện vật mồi. Đã xác định nguyên nhân chính gây vàng lá thối rễ tác động của một số loài nấm hại kết hợp với tuyến trùng. Đã xác định được nguyên nhân chủ yếu gây bệnh héo vàng lá chuối là do nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense chủng 1 gây hại trên cả giống chuối tây và chuối tiêu trổng phổ biến nhất.
- Chọn lọc và đánh giá 3.800 dòng vật liệu phục vụ công tác chọn tạo giống lúa phù hợp cho chế biến. Lai tạo 50 tổ hợp, xử lý đột biến 30 mẫu giống tạo nguồn biến dị cho chọn lọc phục vụ nghiên cứu, chọn tạo giống lúa chất lượng, ngắn ngày. Chọn lọc và đánh giá 3.300 dòng, giống lúa nếp thơm ngắn ngày phía Bắc. Đánh giá kiểu hình 1.550 mẫu dòng từ phương pháp lai MAGIC 8 bố mẹ và chọn được 7 dòng triển vọng ở thế hệ F5. Ứng dụng chỉ thị phân tử chọn lọc được 5 cá thể có kiểu gen theo mục tiêu chất lượng cao mang đa gen kháng sâu bệnh, phù hợp với điều kiện bất thuận tại Việt Nam. Duy trì hơn 500 nguồn, dòng ngô tẻ, ngô nếp, ngô đường, tạo mới trên 100 dòng ngô các loại trong đó có hơn 20 dòng từ nuôi cấy bao phấn. Lai tạo mới 30 tổ hợp, phát triển 30 quần thể phân ly, đánh giá 400 dòng lai, so sánh 25 dòng lạc ưu tú và khảo nghiệm 15 dòng/giống lạc triển vọng phục vụ nghiên cứu chọn tạo giống lạc chịu hạn, kháng bệnh héo xanh; đánh giá 200 mẫu giống đậu tương làm vật liệu khởi đầu; Lai tạo 50 tổ hợp theo mục tiêu chọn tạo giống đậu tượng chịu hạn, năng suất cao. Lai tạo 60 tổ hợp lai khoai tây theo mục tiêu năng suất, chất lượng và chống chịu bệnh mốc sương, virus; nhân nhanh bằng nuôi cấy in vitro được 3.500 cây của các dòng/giống khoai tây triển vọng để tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh.
Năm 2022, VAAS đã công bố 51 bài báo trên các tạp chí quốc tế và 172 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước.
3. Hợp tác với doanh nghiệp, địa phương
Năm 2022, VAAS và các đơn vị trực thuộc đã phối hợp với công ty giống cây trồng các tỉnh sản xuất và cung ứng khoảng 60.000-70.000 ha giống lúa thuần, 2.000-2.500 ha lúa lai; 1.020 tấn giống lúa các cấp, 4.000 ha cây đậu đỗ; hơn 04 tấn giống lạc; 2.500 - 3.000 ha cây có củ và rau màu các loại, phục vụ cho sản xuất tại các tỉnh phía Bắc, trên 6.000 cây ăn quả các loại. Đã chuyển giao cho sản xuất hơn 6,8 tấn hạt giống ngô bố mẹ và trên 545 tấn hạt giống F1 các loại, chủ yếu cho các tỉnh Phía Bắc và Tây Nguyên; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ khoảng 300-350 tấn hạt giống ngô các loại; Chuyển giao quyền khai thác, kinh doanh 01 giống xoài vỏ dày LĐ12 vào với tên thương mại được công bố là “xoài Cát Lộc”; 03 giống thanh long (DF2, DF14, DF16) cũng đã được đàm phán và ký kết chuyển giao quyền khai thác, kinh doanh cho Venturefruit Global Limited; Chuyển giao 5.500 gói thuốc sát trùng nhà cửa và dụng cụ nuôi, 6.100 gói thuốc rắc mình tằm con, 5250 gói thuốc rắc mình tằm lớn, 3500 gói thuốc phòng bệnh tằm, 16.000 hộp thuốc KS4, cho các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Đắc Nông, Quảng Nam, Bình Định Khánh Hòa, Thái Bình, Hải Dương, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Trong năm 2022 VAAS đã làm việc với một số địa phương (TP Hà Nội, các tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa, Ninh Thuân, Đồng Tháp, An Giang...), trao đổi, thảo luận và phối hợp xây dựng danh mục các nhiệm vụ KHCN cấp bách của địa phương đưa vào thực hiện năm 2023 và các năm tiếp theo, mở ra cơ hội và điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác nghiên cứu và phát triển kết quả, sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất.