Kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2016

1. Kết quả nghiên cứu cơ bản

Trong năm 2016, các đơn vị nghiên cứu đã giải mã hệ gen của 72 dòng/giống lúa bản địa bổ sung vào cơ sở dữ liệu hệ gen cây lúa Việt Nam, tiếp tục phân tích, khai thác trình tự hệ gen của 36 giống lúa ưu tú và ứng dụng trong công tác chọn tạo giống lúa kháng bệnh bạc lá và thích ứng với biến đổi khí hậu (chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập...). Xác định được vùng đệm của gen chỉ thị Hyg trong cấu trúc mang gen ZmDreb2A mã hóa yếu tố phiên mã tham gia quy định tính chịu hạn trên cây ngô. Xác định được trình tự và đặc tính gen GmMSRA6 đáp ứng với điều kiện bất lợi trên đậu tương; xây dựng được cấu trúc mang gen chịu hạn thuộc họ gen GmNAC và biến nạp thành công gen này vào giống đậu tương ĐT22, thu được 108 cây chuyển gen; phân lập và biến nạp được các gen chịu mặn AtAVP1, AtNHX1AtSOS1 vào giống đậu tương ĐT26.

Tiếp tục bảo tồn, lưu giữ gần 27.000 nguồn gen cây trồng và 657 mẫu cây sinh sản vô tính; thu thập 120 mẫu giống cây ăn quả bổ sung vào danh mục trên 6.000 nguồn gen cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm đang được lưu giữ trong toàn mạng lưới; quản lý thống nhất và cập nhật cơ sở dữ liệu cho 16.000 nguồn gen đang lưu giữ; cấp phát 800 lượt nguồn gen cùng các thông tin liên quan của 382 nguồn gen lúa và cây ngũ cốc, 57 nguồn gen rau các loại, 408 nguồn gen cây họ đậu… phục vụ công tác nghiên cứu.

Phân lập và tuyển chọn được 7 chủng vi sinh vật có ích (2 chủng Bacillus subtilis, 1 chủng Bacillus cereus và 1 chủng nấm Issatchenkia orientalis có khả năng đối kháng mạnh với vi khuẩn héo xanh và nấm gây bệnh héo vàng ớt và khoai tây, 3 chủng có khả năng đối kháng với bệnh héo rũ ớt); duy trì, lưu giữ, bảo quản tốt ngân hàng 970 nguồn vi sinh vật gây bệnh có ích phục vụ công tác nghiên cứu; thu thập và lập tiêu bản hơn 140 nguồn gen côn trùng gây hại trên một số loại cây ăn quả (chuối, chanh leo, nhãn, vải, cây có múi…) phục vụ công tác giám định và quản lý bệnh hại. 

2. Kết quả nghiên cứu ứng dụng.

Chọn tạo được 53 giống cây trồng mới, trong đó có 11 giống được công nhận chính thức: 4 giống lúa (OM6932, Gia lộc 105, P9 và Sơn Lâm 2), 4 giống ngô (Ngô nếp lai số 9, Ngô lai MN1, Ngô lai LVN152, Ngô lai AVA3668), 1 giống sắn (SA06) và 2 giống đậu tương (DT2008 và Đ8); 42 giống được công nhận cho sản xuất thử: 9 giống lúa, 5 giống ngô, 5 giống cây có củ, 2 giống cây đậu đỗ, 4 giống rau-hoa, 2 giống cây ăn quả và 15 giống cây công nghiệp; công nhận chính thứ 2 giống tằm, giống tằm BT1218 cho vụ xuân thu và giống tằm VNT1 cho vụ hè.

Hoàn thiện và triển khai cơ sở dữ liệu môi trường nông nghiệp nông thôn cùng với phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý và điều hành trong lĩnh vực đất-môi trường; bước đầu đề xuất giải pháp hạn chế, phục hồi môi trường đất trồng lúa bị suy thoái vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng khung đo phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực trồng trọt, ban hành sổ tay hướng dẫn đo phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa.

Phát triển và thử nghiệm thành công một số chế phẩm phục vụ quản lý sâu bệnh hại (chế phẩm Phyto-M phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm hồ tiêu; chế phẩm SOFRI-Trichoderma và SOFRI- Streptomyces quản lý bệnh thối trái nhãn; chế phẩm SOFRI- Protein phòng trừ ruồi đục quả xoài), cải thiện chất lượng đất (phân khoáng nhả chậm thế hệ mới từ vật liệu nano, phân bón than sinh học) và xử lý môi trường. Xây dựng và chuyển giao cho sản xuất 3 tiến bộ kỹ thuật: Quy trình đánh giá tính kháng thuốc của nhện đỏ hại cây ăn quả có múi, chè với các hoạt chất trừ nhện chủ yếu phù hợp với điều kiện Việt Nam; Quy trình quản lý cây trồng tổng hợp trên cây dâu cho vùng đồng bằng sông Hồng; Quy trình quản lý tổng hợp bệnh đạo ôn trên lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng và hoàn thiện 58 quy trình kỹ thuật khác, trong đó có 36 quy trình kỹ thuật canh tác cho lúa, ngô, đậu đỗ, cây ăn quả, cây công nghiệp, 3 quy trình kỹ thuật nhân giống cây ăn quả, 15 quy trình kỹ thuật bảo vệ thực vật quản lý sâu bệnh hại và 4 quy trình kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch; triển khai các mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích hợp với từng vùng sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao: 24 mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô trên cả nước; 3 mô hình sản xuất lúa - thủy sản chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho vùng chiêm trũng đồng bằng sông Hồng; 1 mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lạc theo hướng cánh đồng mẫu lớn tại Nghệ An; 1 mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho vùng đất phèn Đồng Tháp Mười.

3. Thương mại hóa các sản phẩm khoa học

Tổng giá trị các hợp đồng chuyển nhượng bản quyền, ủy quyền sản xuất và kinh doanh các giống cây trồng đạt hơn 23,52 tỉ đồng, trong đó bản quyền các giống lúa đạt 17,23 tỉ đồng, bản quyền 1 giống ngô đạt 3,95 tỉ đồng, bản quyền một số loại rau (bí xanh, cà chua, ớt) đạt 2,34 tỉ đồng. Ngoài ra, hợp đồng chuyển nhượng bản quyền sản xuất kinh doanh của 6 giống ngô lai cho 4 đơn vị trong và ngoài nước cũng đã được ký kết, chuyển giao cho sản xuất 3.000 cây mía giống gốc từ nuôi cấy mô, 4.000 cây mía giống lai VN15;14,2 tấn hạt giống cà phê vối TRS1; 1,2 triệu cây giống và 99.000 chồi cà phê; 300 ngàn bầu giống hồ tiêu; 70.000 cây giống bơ và 160.000 chồi bơ và hàng triệu cây giống rau, hoa, quả (như cà chua ghép, chuối nuôi cấy mô, cam CS1, chanh ta, chanh đào, bưởi Diễn, bưởi Đỏ, quýt Đường Canh).

Tin liên quan