1. Nguồn gốc
Giống khoai tây Jelly có nguồn gốc nhập nội từ Đức. Giống khoai tây Jelly được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thực hiện khảo nghiệm diện hẹp, khảo nghiệm diện rộng tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
2. Tác giả
TS. Trịnh Văn Mỵ, ThS. Nguyễn Thị Nhung, KTV. Phạm Thị Tú, KS. Nguyễn Đình Khang, ThS. Ngô Thị Huệ, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương và các cộng tác viên.
Cơ quan công tác của tác giả: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.
3. Đặc điểm chính
Giống khoai tây Jelly có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt (điểm 7), thời gian sinh trưởng khoảng 85-90 ngày, dạng cây nửa đứng, chiều cao cây trung bình 60-70cm, độ đồng đều cao, hoa trắng; nhiễm nhẹ một số sâu bệnh hại chính (rệp, nhện, bọ trĩ gây hại ở mức nhẹ (điểm 1), bệnh mốc sương (điểm 1-3). Giống khoai tây Jelly có dạng củ hình oval, mắt nông, vỏ củ màu vàng sáng bóng đẹp, ruột củ vàng, số lượng củ/cây trung bình từ 6-8 củ, năng suất đạt cao từ 23-25 tấn/ha, ổn định, cao hơn so với giống đối chứng Marabel từ 10-15%, tỷ lệ củ thương phẩm đạt >50%, tỷ lệ hao hụt sau bảo quản thấp. Giống khoai tây Jelly có chất lượng tốt, chất lượng thử nếm sau luộc đạt điểm 2 (ngon), độ bở sau luộc điểm 1 (bở). Hàm lượng chất khô đạt từ 18-20%, hàm lượng tinh bột > 16%, hàm lượng đường khử > 0,5%, thích hợp cho ăn tươi.
Bảng 1. Một số đặc điểm nông sinh học chính của giống khoai tây Jelly
TT |
Đặc điểm |
Giống Jelly |
1 |
Thời gian sinh trưởng (ngày) |
85-90 |
2 |
Độ đồng đều giữa các khóm (3-5-7) |
7 |
3 |
Sức sinh trưởng của cây (3-5-7) |
7 |
4 |
Chiều cao cây trung bình (cm) |
60-70 |
5 |
Dạng cây |
Nửa đứng |
6 |
Màu sắc lá |
Xanh |
7 |
Màu hoa |
Trắng |
8 |
Mức độ ra hoa (1-9) |
5 |
9 |
Mức độ ra quả (1-9) |
5 |
10 |
Diện tích che phủ luống (%) |
90-100 |
11 |
Bệnh mốc sương (điểm 1-9) |
1-3 |
12 |
Bệnh đốm lá (điểm 1-9) |
1 |
13 |
Số củ/khóm (củ) |
6-8 |
14 |
Năng suất (tấn/ha) |
24-27 |
15 |
Hình dạng củ |
Oval |
16 |
Độ sâu mắt củ |
Nông |
17 |
Màu sắc vỏ củ |
Vàng |
18 |
Màu sắc thịt củ |
Vàng |
19 |
Độ dài tia củ |
Trung bình |
4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
4.1. Chuẩn bị giống, đất trồng
- Củ giống: nên trồng để nguyên củ là tốt nhất, giống trẻ sinh lý và sạch sâu bệnh. Sử dụng cỡ củ giống từ 25-40 củ/kg hoặc củ giống có đường kính từ trên 25-50mm.
- Đất trồng: Chọn loại đất tơi xốp, chân đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa có tầng canh tác dày, độ màu mỡ cao, thuận tiện tưới tiêu nước.
4.2. Thời vụ gieo trồng
- Vụ Đông trồng từ 15 tháng 10 đến 30 tháng 11.
4.3. Kỹ thuật trồng
- Làm đất: Cày bừa bằng máy, làm đất nhỏ tơi xốp là thích hợp với khoai tây, kết hợp với thu gom rơm rạ, cỏ, rác để hạn chế sâu bệnh truyền sang khoai tây và thuận tiện tưới tiêu nước.
- Lên luống: Luống đơn trồng 1 hàng, luống rộng khoảng 70-90cm, cây cách cây 25-30 cm, luống cao 25-30 cm; Luống đôi trồng 2 hàng, luống rộng từ 120-140cm, hàng cách hàng 35-40cm, cây cách cây 25-30cm, luống cao 25-30 cm.
- Mật độ: Trồng 5-6 củ/m2, tương ứng 1.600-2.000 kg/ha.
- Cách trồng: Sau khi rạch hàng trồng, bón lót toàn bộ phân chuồng hoặc phân vi sinh, phân lân và 1/3 lượng đạm vào rạch rồi lấp một lớp đất mỏng lên phân, sau đó mới tiến hành đặt củ giống. Không đặt trực tiếp vào phân, đặt mầm hướng lên trên, rồi phủ kín mầm bằng 1 lớp đất dày từ 3 - 4 cm, không được để hở mầm, sau đó vét rãnh lên luống.
4.4. Kỹ thuật bón phân
- Lượng phân bón (cho 1 ha): Phân chuồng loại mục: 10-15 tấn hoặc phân bón vi sinh 2 tấn; Đạm urê: 325-390 kg; Lân supe: 937-1.125 kg; Kali clorua: 250-300 kg. Chú ý: tùy thuộc vào chất đất có thể điều chỉnh lượng phân bón cao lên hoặc thấp đi. (NPK cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì và quy đổi về dạng phân đơn để điều chỉnh lượng bón cho phù hợp và cân đối).
- Phương pháp bón:
+ Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ hoai mục, phân lân và 1/3 phân đạm.
+ Bón thúc lần 1: 1/3 phân đạm, 1/2 phân kali.
+ Bón thúc lần 2: 1/3 phân đạm, 1/2 phân kali.
Không để phân bón tiếp xúc trực tiếp với củ giống và gốc cây.
4.5. Kỹ thuật chăm sóc
- Đợt 1: Khi cây cao khoảng 15 - 20cm thì xới nhẹ, làm sạch cỏ, bón phân thúc đợt 1 với lượng bón trên rồi vun cao luống.
- Đợt 2: Sau khi chăm sóc đợt 1 khoảng 10-15 ngày, lúc này cây khoai tây được khoảng 40-45 ngày tuổi, tiến hành xới nhẹ làm cỏ, bón thúc đợt 2 với lượng bón như trên rồi vun to vồng, cao luống lần cuối.
- Tưới nước: Thời gian sinh trưởng của cây khoai tây trên dưới 90 ngày, trong đó 60-70 ngày đầu cây khoai tây rất cần nước. Phương pháp tưới rãnh cho khoai tây phổ biến hiện nay, tưới nước phải kết hợp liên hoàn với việc chăm sóc xới xáo, làm cỏ, bón phân thúc. Trong một vụ trồng khoai tây thường có 2-3 lần tưới nước tùy vào thời tiết.
4.6. Phòng trừ sâu bệnh hại chính
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (sử dụng giống kháng bệnh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, kỹ thuật làm đất, bón phân, luân xen canh cây trồng hợp lý, vệ sinh đồng ruộng...).
Chú ý các loại sâu chính hại khoai tây là sâu xám, sâu ăn lá, nhện trắng, bọ trĩ và rệp; các bệnh chính hại khoai tây như: bệnh vi rút xoăn lùn, bệnh vi rút khảm, bệnh vi rút cuốn lá (PLRV), bệnh héo xanh, bệnh mốc sương. Dùng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ theo đúng hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất mỗi thuốc. Chú ý cách sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng nồng độ, liều lượng).
- Trừ sâu xám, sâu ăn lá: phun thuốc như Billaden 50WG, Wellof 330EC, Map-Jono 700WP, Enasin 32WP, Dibamec 5WG hoặc các loại thuốc đặc trị theo thị trường, lượng phun thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Trừ rệp, nhện và bọ trĩ: Phun thuốc như: Super-Gasrice 15EC, Abatimec 3.6EC, Bassa 50EC có Hoạt chất: Fenobucarb (lượng phun thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất).
- Bệnh mốc sương: Do nấm gây nên, là bệnh nghiêm trọng nhất ở hầu khắp các vùng trồng khoai tây. Nấm bệnh mốc sương phát triển rất nhanh. Sử dụng củ giống sạch bệnh để trồng. Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên và phun thuốc phòng trừ khi thấy thời tiết thay đổi. Thực hiện phun phòng trừ bệnh mốc sương trước khi cây khoai tây khép tán (thuốc Aliette 800WG có hoạt chất Fosetyl Aluminium: 800 g/kg; Curzate M8 72WP có hai hoạt chất Mancozeb + Cymoxanil). Lượng thuốc phun theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Bệnh héo xanh: Hay còn gọi là héo rũ, do vi khuẩn gây nên, rất nghiêm trọng và phổ biến ở vùng nhiệt đới nóng ẩm làm cho cây chết đột ngột và thối củ. Củ giống bị nhiễm khuẩn từ khi thu hoạch, do nguồn nước tưới bị nhiễm vi khuẩn, do đất trồng và do bón phân chuồng tươi. Sử dụng củ giống sạch bệnh để trồng, luân canh khoai tây với lúa nước, không bón phân tươi, nhổ bỏ toàn bộ cây bệnh và tiêu huỷ.
- Bệnh vi rút: Dùng củ giống sạch bệnh, kiểm tra trên đồng ruộng khi cây cao 15-20 cm nếu phát hiện thì tiến hành nhổ bỏ cả cây, củ bị bệnh đem đi tiêu huỷ, nên phun phòng trừ rệp đào để ngăn chặn môi giới truyền bệnh vi rút.
5. Thu hoạch và bảo quản
-Thu hoạch: Thu hoạch là khâu quan trọng cuối cùng trên đồng ruộng. Để có sản lượng cao, mã củ đẹp cần phải để cho khoai già, đủ thời gian sinh trưởng, thời gian cuối phình to củ rất nhanh. Khi thấy lá vàng, cây rạc dần là khoai đã già và có thể thu hoạch được. Thu hoạch khoai còn non, sản lượng giảm nhiều, tinh bột trong củ thấp, vỏ củ dễ bị xây xát, mã xấu. Thường khi khoai trồng được 60-70 ngày tuổi là giai đoạn đang lớn nhanh củ. Chỉ 20-25 ngày sau, sản lượng sẽ tăng lên tới 25-30%. Vì vậy sau khi được 60-70 ngày tuổi cần phải: Tuyệt đối không cho nước vào ruộng khoai, nếu trời mưa phải tháo kiệt nước. Thu hoạch khoai vào ngày khô ráo. Phân loại cỡ củ ngay trên ruộng, để hạn chế việc đảo khoai nhiều lần, tránh va chạm làm xây xát vỏ củ ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã củ khoai tây thương phẩm.
- Bảo quản: Trong trường hợp chưa thể tiêu thụ ngay, phải lưu giữ, cần bảo quản khoai trong điều kiện thoáng mát và tối để tránh lục hóa và thối củ. Trong thời gian dài, tốt nhất là bảo quản khoai thương phẩm trong kho lạnh ở nhiệt độ 12-14oC. Bảo quản khoai giống trong kho lạnh ở nhiệt độ 4oC.
6. Địa chỉ liên hệ giống
TS.Trịnh Văn Mỵ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.
Điện thoại liên hệ: 0912768587.
Một số hình ảnh giống khoai tây Jelly