Giống đậu tương ĐT35

1. Nguồn gốc

Giống đậu tương ĐT35 được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo từ các dòng lai của tổ hợp (ĐT26/D08.12).

2. Tác giả

Trần Thị Trường, Lê Thị Kim Huế, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Ngọc Quất, Vũ Kim Dung, Trần Thị Thanh Thủy, Lê Thị Thoa, Nguyễn Đạt Thuần, Nguyễn Ngọc An, Hoàng Thị Hòa, Phạm Thị Xuân, Nguyễn Văn Chinh

Cơ quan công tác của tác giả: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

3. Đặc điểm chính

Giống có thời gian sinh trưởng 90 - 104 ngày. Trong đó, vụ Xuân: 95-104 ngày, vụ Đông: 90-95 ngày, vụ Hè thu: 102-103 ngày. Chiều cao 62 - 78cm, phân cành khá (2-5 cành). Số đốt trên thân chính đạt khá cao 15 - 16 đốt. Vỏ hạt vàng, rốn hạt nâu đẹp. Số quả chắc/cây là 40 - 60 quả/cây. Giống ĐT35 kháng bệnh phấn trắng (cấp 2) và nhiễm nhẹ đến trung bình với bệnh hại chính. Giống có tính chống đổ khá. Năng suất đạt 2,6 - 2,88 tấn/ha tuỳ thuộc vào mùa vụ và điều kiện thâm canh. Hàm lượng protein cao, đạt 42,7%, hàm lượng lipit là 17,8%.

4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

4.1. Chuẩn bị đất trồng

- Đối với đất chuyên màu: Chọn đất cát pha, thịt nhẹ, chủ động tưới, tiêu nước. Đất được cày bừa kỹ và nhặt cỏ dại trước khi lên luống, giữa 2 luống để rãnh tưới tiêu nước, đi lại chăm sóc là 35 cm. Rạch hàng với khoảng cách giữa 2 hàng là 40 cm.

- Đất sau thu hoạch lúa mùa (vụ Đông): Đối với ruộng, đất còn ướt nên áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu hoặc không làm đất. Cày luống rộng 1,5-2,0m, rãnh tưới và thoát nước rộng 35 cm, san phẳng mặt luống. Nếu gieo theo hàng cần phải rạch hàng với khoảng cách hàng là 40cm. Nếu gieo theo gốc rạ và không phải làm đất.

4.2. Thời vụ gieo trồng

Thời vụ trồng vụ thích hợp cho giống ĐT35: Vụ Đông từ 14/9 đến 25/9; Vụ Xuân từ 17/2 đến 3/3; Vụ Hè Thu từ 8/6 đến 24/6.

4.3. Kỹ thuật trồng

Mật độ trồng trên đất màu:

Vụ xuân: 25 cây/m2, hàng-hàng: 40 cm, gieo 2 hạt/hốc, hốc-hốc: 13-14 cm.

Vụ Đông: 35 cây/m2, hàng-hàng: 40 cm, gieo 2 hạt/hốc, hốc-hốc: 10-12 cm.

Vụ Hè thu: 20 cây/m2, hàng-hàng: 40 cm, gieo 2 hạt/hốc, hốc-hốc: 15-16 cm.

Lượng hạt gieo: 60 kg/ha.

Mật độ trồng trong vụ đông trên đất sau lúa mùa:

Phương pháp gieo theo hàng với biện pháp làm đất tối thiểu trên đất ướt: Mật độ là 40-45 cây/m2, lượng hạt là 65-70 kg/ha, hàng cách hàng 35 - 40 cm, gieo hốc cách hốc 10 cm, 2-3 hạt/hốc. Phủ kín hạt bằng đất hoặc rơm, rạ.

Phương pháp gieo theo gốc rạ: Không làm đất trên đất đã bị khô, gieo ngay sau gặt lúa. Gieo 2 hạt ở mỗi hốc và bỏ cách một hàng rạ không gieo. Lượng giống là 60 kg/ha.

Phương pháp gieo vãi bằng tay hoặc máy trên ướt, nhiều bùn: Lượng giống gieo là 75 kg/ha.

4.4. Kỹ thuật bón phân

Lượng phân nguyên chất:

- Vụ Xuân: Mật độ trồng thích hợp là 25 cây/ m2 và nền phân là 30kg N:60 kg P2O5:60 kg K2O + 0,8 tấn phân hữu cơ vi sinh SG.

- Vụ Hè Thu: Mật độ trồng thích hợp là 20 cây/m2 và phân bón là 40 kg N:80 kg P2O5:80 kg K2O + 0,8 tấn phân hữu cơ vi sinh SG.

- Vụ Đông: Mật độ trồng thích hợp là 35 cây/m2 và phân bón là 30 kg N:60 kg P2O5:60 kg K2O + 0,8 tấn phân hữu cơ vi sinh SG.

Cách bón: Bón lót toàn bộ lân, phân hữu cơ. Trước khi gieo hạt cần phủ đất lên phân lót tránh để hạt tiếp xúc với phân. Bón thúc lần 1 với 1/2 đạm, 1/2 kali, khi  cây có 2-3 lá thật. Bón thúc lần 2 với lượng đạm, kali còn lại, khi cây có 4-5 lá thật.

4.5. Kỹ thuật chăm sóc

Chăm sóc lần 1: Khi cây có 2-3 lá thật. Làm cỏ, xới nhẹ kết hợp với bón phân thúc lần 1, sau 3 - 4 ngày bón phân thì phun phòng thuốc trừ sâu.

Chăm sóc lần 2: Làm cỏ đợt 2, bón phân thúc lần 2, vun gốc khi cây có 4-5 lá thật. Đảm bảo độ ẩm đất trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây (60-65%).

4.6. Phòng trừ sâu bệnh hại chính

Phòng trừ  sâu: Chú ý phun thuốc trừ giòi đục thân ngay khi cây xoè 2 lá mầm. Phun phòng trừ giòi đục lá, đục quả, ruồi đục thân, sâu cuốn lá, sâu khoang, rệp bằng thuốc Padan 95SP; Angun 5ME; Golnitor 50WDG; Ammate 150SC; Kuraba 3.6EC, Movento 150 OD 240ml....

Phòng trừ bệnh: Bệnh lở cổ rễ nên dùng thuốc Daconil 75W; Validacin 5FP, nồng độ phun 0,1-0,2%. Phun thuốc tiến hành vào lúc trời nắng nhẹ (chiều mát, sáng sớm), không nên phun thuốc vào lúc trời nắng gắt, gây xoăn lá, cháy lá hoặc trước mưa 3-4 giờ.

5. Thu hoạch và bảo quản

Khi 2/3 quả chuyển từ màu xanh sang màu nâu. Chọn thời tiết nắng ráo để thu hoạch, phơi, đập lấy hạt. Hạt giống không được phơi trực tiếp trên sân gạch, xi măng. Phơi hạt khô (độ ẩm 12% ) để nguội mới cho vào bao 2 lớp (nilon và dứa) hoặc chum vại để bảo quản.

6. Địa chỉ liên hệ giống

ThS. Trịnh Xuân Thu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

Số điện thoại liên hệ: 0912268186.

 

Một số hình ảnh giống đậu tương ĐT35

 

 

Tin liên quan