Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Long An

''

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới tại phường 7, thành phố Tân An (Long An) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau hơn một năm Long An thực hiện "Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025" bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Nhiều địa phương đã chuyển đổi phương thức sản xuất, hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, chuyên canh gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị gia tăng.

Long An là địa phương đứng thứ 4 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm; trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao trong năm 2021 chiếm trên 55,76%, tăng 180.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh đã phát triển được 502 cánh đồng lớn, với 12.840 hộ tham gia sản xuất trên diện tích 46.000 ha/233.000 ha đất trồng lúa, tăng 32.100 ha so với năm trước. Hiện tại, các địa phương nằm trên Ðồng Tháp Mười tỉnh Long An đã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời lựa chọn và thực hiện bảy vùng lúa công nghệ cao, với diện tích 1.700 ha. Tỉnh đã duy trì hơn 1.800 ha trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên kế hoạch 2.000 ha, đạt 90,7% so với kế hoạch phát triển đến năm 2025; cây chanh đã phát triển được 300 ha trên kế hoạch 3.000 ha đến năm 2025; cây thanh long hơn 3.000 ha trên kế hoạch 6.000 ha đến năm 2025. Ðối với chăn nuôi, đã hỗ trợ gieo tinh nhân tạo 1.000 bò cái sinh sản tại huyện Ðức Hòa và đang xây dựng mô hình điểm để nhân rộng, chuyển đổi giống và công tác thụ tinh nhân tạo.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đã xây dựng và phát triển 47 tổ hợp tác, hợp tác xã trong vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ðã hỗ trợ, hướng dẫn Công ty Vina Hoàn Hảo được công nhận doanh nghiệp công nghệ cao; xây dựng ba chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 51 cơ sở và đã công nhận 31 sản phẩm OCOP (19 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 12 sản phẩm đạt hạng 3 sao).

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa Nguyễn Kinh Kha cho biết, nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện đã thực hiện 100% cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Ðịa phương đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, cây chanh,... đạt nhiều kết quả tích cực. Trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tăng năng suất từ 10-20% trên một đơn vị diện tích, giảm chi phí từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Resfuot Tân Thạnh (xã Tân Lập, Tân Thạnh, Long An) Lê Văn Tại chia sẻ, hợp tác xã đang hướng cho nhà vườn ứng dụng công nghệ cao trong canh tác cây bưởi, cây chanh sử dụng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP để bán sang thị trường châu Âu. Chỉ có hữu cơ mới mang lại giá trị kinh tế cao nhất để nâng cao giá trị gia tăng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đang hỗ trợ hợp tác xã xây dựng kho 5.000 m2 để thu mua, tiêu thụ trái chín của nông dân.

Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh (Long An) Bùi Quốc Bảo cho biết, nông dân Tân Thạnh đã chuyển đổi hơn 1.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái chuyên canh như: sầu riêng cơm vàng hạt lép, bưởi da xanh, chanh không hạt, mít thái… ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Huyện đang quy hoạch vùng cây ăn trái Tân Lập là vùng cây ăn trái đặc sản ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch miệt vườn gắn với liên kết bốn nhà. Bước đầu đã có 5/14 hợp tác xã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP… Về cây ăn quả, hiện có Hợp tác xã FreshFruit Tân Thạnh liên kết với Công ty The Fruit Republic Cần Thơ sản xuất và tiêu thụ chanh không hạt.

Ðể nâng cao thu nhập trên từng đơn vị đất sản xuất nông nghiệp, Long An đang rà soát, bổ sung quy hoạch chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn GAP; liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị gia tăng. Ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai chuyển đổi số như: Ứng dụng phần mềm trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn; quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; quản lý các chỉ dẫn địa lý; áp dụng thiết bị bay không người lái; ứng dụng công nghệ số để thực hiện quan trắc tự động, theo dõi giám sát tự động mực nước, độ mặn; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất chăn nuôi.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Ðinh Thị Phương Khanh chia sẻ, để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản, các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân phải nhìn về một hướng, cùng một mục tiêu, đồng hành chia sẻ lợi ích và khó khăn; cùng xây dựng vùng nguyên liệu để đạt chuẩn xuất khẩu, đẩy mạnh liên kết và đặt chữ tín lên hàng đầu. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Cần tập hợp các nhà vựa, nhà sản xuất, doanh nghiệp vào câu lạc bộ hay hiệp hội và tổ chức lại hệ thống khuyến nông cộng đồng. Có như thế tình hình tiêu thụ nông sản trong thời gian tới mới phát triển ổn định và bền vững.

THANH PHONG

Nguồn
nhandan.vn

Tin liên quan