Hà Nội đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo vùng chuyên canh, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho khoảng 10 triệu dân sinh sống trên địa bàn Thủ đô; một phần cung cấp cho các địa phương khác và hướng đến xuất khẩu.
Không những vậy, thành phố Hà Nội còn tăng cường xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chế biến sâu, lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đây, càng "đánh thức" những lợi thế vùng chuyên canh, nâng cao hơn giá trị sản phẩm.
Sản phẩm bưởi của hộ gia đình anh Nguyễn Tiến Luyện (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) đã được chứng nhận OCOP 3 sao.
Sản phẩm nông sản OCOP đến từ vùng chuyên canh
Các xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), Tráng Việt (huyện Mê Linh), Vân Nội (huyện Đông Anh)… là “vựa” rau, củ, quả truyền thống của Hà Nội. Diện tích trung bình các vùng trồng rau của các địa phương này từ 10 đến 15ha, có vùng diện tích hơn 100ha. Hiện các vùng chuyên canh này đều ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác, như: Sử dụng giống chất lượng cao, cơ giới hóa, hệ thống nhà màng, nhà lưới…, nên chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.
Phó Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Đinh Thị Luyến cho biết, cả xã có 285ha sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng rau gần 200ha. Mỗi năm, vùng rau Văn Đức cung cấp khoảng 35.000 tấn rau xanh cho các siêu thị và chợ đầu mối. Để nâng cao giá trị sản xuất, từ năm 2019, hợp tác xã đã chọn sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng OCOP và đã có 17 sản phẩm được chứng nhận. “Từ hiệu quả của Chương trình OCOP, năm 2024, hợp tác xã đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để thi đánh giá, phân hạng lại với các sản phẩm hết thời hạn công nhận”, bà Đinh Thị Luyến cho biết thêm.
Huyện Chương Mỹ cũng là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn. Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, người dân trên địa bàn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, nhất là cây ăn quả. Anh Nguyễn Tiến Luyện ở xã Lam Điền có 20.000m2 trồng 100 cây bưởi Phúc Trạch và 300 cây bưởi Diễn. Vườn bưởi của gia đình đã được 22 năm, trung bình mỗi cây bưởi cho thu hoạch từ 60 đến 120 quả, tổng sản lượng đạt khoảng 32.000 quả/năm. Anh Luyện chia sẻ, sản phẩm bưởi Phúc Trạch của gia đình anh đã được phân hạng OCOP 3 sao vào năm 2021 và tiếp tục được đánh giá, phân hạng lại năm 2024, giúp khẳng định thương hiệu, chất lượng của sản phẩm. Hiện tại, toàn bộ 100 gốc bưởi Phúc Trạch của gia đình đã cho thu hoạch và bán với giá trung bình 35-40 nghìn đồng/quả.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến nay, thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.924 sản phẩm; trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 51 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 1.382 sản phẩm 3 sao. Phần lớn sản phẩm OCOP là nông sản, sản phẩm chế biến đến từ các vùng chuyên canh.
Phấn đấu có thêm ít nhất 2.000 sản phẩm
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện thành phố có diện tích gieo trồng cây hằng năm khoảng 224,5 nghìn héc ta và sản lượng lương thực có hạt ước đạt 1 triệu tấn/năm. Tổng diện tích cây lâu năm khoảng 24,027 nghìn héc ta; trong đó nhóm cây ăn quả 20,359 nghìn héc ta, cây chè 2.000ha và còn lại là nhóm cây lâu năm khác.
Thành phố có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 262 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, tập trung ở các huyện: Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng... Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội. Thành phố cũng phát triển và duy trì được 159 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân hợp tác xây dựng chuỗi.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội là đô thị lớn thứ hai cả nước, với quy mô dân số khoảng 10 triệu người. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh, bảo đảm cho lĩnh vực nông nghiệp phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững, thành phố cần đầu tư mạnh hơn nữa cho lĩnh vực này, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế... Hà Nội cũng đặt mục tiêu có thêm ít nhất 2.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng chuyên canh đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tạo nên các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tạo ra nhiều sản phẩm nông sản, hàng hóa chất lượng cao cho thị trường và xã hội, góp phần thúc đẩy và làm sôi động các hoạt động kinh tế khu vực nông thôn.