Canh tác nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, trong đó có An Giang. Do đó, việc hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp canh tác thích ứng với BĐKH đang là nhiệm vụ thiết yếu, nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững, tiếp tục khẳng định vai trò của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Từ thay đổi tư duy…

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Phan Tùng Lâm, canh tác thích ứng BĐKH là nhu cầu thiết yếu, giúp người nông dân hạn chế tác hại từ hiện tượng bất lợi của thời tiết, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Do đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân đóng vai trò then chốt, giúp họ hiểu đúng, hiểu đủ về lợi ích từ việc tuân thủ các giải pháp canh tác thích ứng BĐKH.

Thời gian qua, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị. Tích cực tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản và đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn. Đặc biệt, các cấp hội tham gia vận động nông dân liên kết tiêu thụ hơn 40.000ha nông sản các loại, thông qua các mô hình liên kết “Mặt ruộng không dấu chân”; “Sản xuất lúa thân thiện với môi trường”; kinh tế tuần hoàn (bắp - bò - trùn); tận dụng rơm rạ sản xuất nấm… góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Tại TX. Tịnh Biên, Hội Nông dân thị xã đã tổ chức hơn 600 buổi tuyên truyền, thu hút hơn 26.000 nông dân tham gia. Các buổi tuyên truyền tập trung các nội dung: Bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH. Đồng thời, tham gia cùng ngành chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn nông dân không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục; giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; tái sử dụng rơm rạ sau thu hoạch lúa; chế biến, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón hữu cơ… từng bước thay đổi nhận thức của nông dân.

''

Canh tác thích ứng biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả bền vững

Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân trong canh tác thích ứng BĐKH, hội nông dân các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp ngành nông nghiệp vận động nông dân áp dụng cơ giới hóa đồng bộ; nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước - giảm khí thải, áp dụng công nghệ sinh thái; vận động hội viên, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp tham gia các mô hình, các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại An Giang…

…đến biện pháp canh tác

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Hiệp, nằm trong mục tiêu giúp nông dân canh tác thích ứng BĐKH, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại tỉnh An Giang. Cụ thể, sẽ phát triển 152.198ha lúa theo tiêu chuẩn lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, giúp hình thành, phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa.

“Đề án 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao là cơ hội để tỉnh An Giang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa theo hướng thân thiện với môi trường, giảm dần các vật tư đầu vào, tăng hiệu quả trong sản xuất, thúc đẩy tư duy, tập quán sản xuất của người nông dân. Đồng thời, giúp cho ngành hàng lúa gạo của An Giang được ổn định, đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh và cả nước. “- ông Trần Thanh Hiệp cho biết.

Ngoài ra, đề án còn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển, giúp người nông dân tận dụng được các phế phẩm từ sản xuất lúa. Điển hình như, việc tận dụng khoảng 4 triệu tấn rơm, hơn 3 triệu tấn rạ và tro trấu sau thu hoạch lúa để phát triển các ngành kinh tế khác, như: Trồng nấm, làm vật dụng đồ thủ công mỹ nghệ, làm giá thể hữu cơ, sử dụng trong biogas... góp phần giảm lượng rơm rạ đốt trực tiếp tại ruộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh việc tập trung vào Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, tỉnh An Giang còn đẩy mạnh hỗ trợ nông dân canh tác các loại cây trồng khác theo hướng bền vững. Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ đã đầu tư vào nhiều dự án nhằm chuyển giao công nghệ mới, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, với tổng kinh phí hơn 130,7 tỷ đồng, theo Chương trình hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang. Các dự án này tập trung vào lĩnh vực: Sản xuất nấm, cây giống rau, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp… Từ đó, nông dân trong tỉnh có cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh tăng cường phối hợp, tích cực triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan lĩnh vực canh tác thích ứng với BĐKH. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật, nguồn vốn… giúp nông dân ý thức được tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp bền vững, vì lợi ích cho chính họ và thế hệ tương lai.

Nguồn
https://baomoi.com/

Tin liên quan