Khởi nghiệp xanh - Hướng đi của nền kinh tế tương lai

Tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu tiêu dùng bền vững toàn cầu đã đặt ra những thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp tỉnh nhà và toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, từ góc nhìn sáng tạo đã mở ra cơ hội cho các startup Đất Sen hồng. Theo đó, khởi nghiệp xanh đang được kỳ vọng là giải pháp đột phá, giúp Đồng Tháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và tạo ra một tương lai xanh bền vững cho thế hệ mai sau.

Áp dụng giải pháp máy bay không người lái trong phun xịt thuốc, giúp nhà nông giảm chi phí, tăng lợi nhuận và giảm thiểu ô nhiểm môi trường

''

Startup viết tiếp câu chuyện nông nghiệp Đồng Tháp

Những năm gần đây, chương trình khởi nghiệp tại Đồng Tháp trở thành “làn gió mới” góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, các mô hình khởi nghiệp dựa trên nền tảng nông nghiệp chứng minh được hiệu quả thiết thực, giải quyết nhiều khó khăn, “điểm nghẽn” trong chuỗi sản xuất nông nghiệp và nâng cao giá trị nông sản.

Lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng thế mạnh của tỉnh, thời gian qua, Đồng Tháp dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy ngành hàng này tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh các giải pháp trực tiếp hỗ trợ nông dân về thay đổi phương thức canh tác, tỉnh còn quan tâm thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp ở ngành hàng thế mạnh này.

Đáng chú ý, Mô hình đưa máy bay không người lái tham gia trực tiếp vào quy trình canh tác lúa của Hợp tác xã Nông nghiệp số Đồng Tháp (huyện Tam Nông) là giải pháp mang tính đột phá, giúp ngành nông nghiệp của Đồng Tháp giải quyết được nhiều “điểm nghẽn” trong chuỗi sản xuất lúa gạo tại địa phương. Ông Lê Quốc Trung - Giám đốc Công ty TNHH Xag Mekong, Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp số Đồng Tháp, cho biết: “Máy bay không người lái trở thành “cuộc cách mạng” trong sản xuất lúa tại Đồng Tháp. Nhờ công nghệ này, nông dân giải quyết được hiệu quả “bài toán” thiếu nhân lực trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đơn vị đang hướng tới việc xây dựng những cánh đồng thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đưa nông nghiệp Đồng Tháp trở thành một trong những trung tâm sản xuất lúa gạo lớn và hiện đại của khu vực với chất lượng và năng suất cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

Bên cạnh các mô hình khởi nghiệp về nông nghiệp, thời gian qua, các startup Đồng Tháp còn bắt tay tham gia sâu vào vào khâu chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Đây được xem là bước tiến đáng kể giúp nâng cao giá trị cho nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như: xoài, sen... Đặc biệt xuất hiện nhiều sản phẩm chế biến mang hàm lượng khoa học công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng nhiều hơn cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), đến cuối năm 2023, Đồng Tháp có 453 sản phẩm OCOP, trong đó có 88 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao, khẳng định vị thế trong lĩnh vực chế biến nông sản. Thành công này có sự đóng góp không nhỏ của các startup, những người đã mang đến nhiều ý tưởng sáng tạo và giải pháp hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bày tỏ: “Nông nghiệp Đồng Tháp đang đối mặt với nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu, khan hiếm nước ngọt, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và xử lý chất thải. Vì vậy, trong bối cảnh nhiều thách thức và cơ hội đan xen như hiện nay, Đồng Tháp rất kỳ vọng vào sự sáng tạo và đổi mới của các startup tạo ra giải pháp đột phá cho nông nghiệp địa phương. Thông qua Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - lần II năm 2024, Đồng Tháp hy vọng diễn đàn sẽ trở thành cầu nối để kết nối các startup, doanh nghiệp và nhà khoa học, cùng nhau xây dựng nền nông nghiệp Đồng Tháp bền vững...”.

''

Anh Nguyễn Trung Tính - Giám đốc Công ty TNHH SXTM Alpha Amin (thứ 2 từ trái sang) cùng các nhân viên bên sản phẩm chế phẩm sinh học Bio Gen 2 sử dụng trong chăn nuôi thủy sản

Bứt phá từ những dự án khởi nghiệp xanh

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm thiểu tác động môi trường, năm 2023, Công ty TNHH SXTM Alpha Amin (huyện Cao Lãnh) tiên phong nghiên cứu và phát triển Dự án chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành thủy sản Alpha Amin nhằm giảm các khí gây hiệu ứng nhà kính như nitơ và methane (CH4), phát sinh từ hoạt động nuôi trồng và chất thải từ động vật thủy sản. Các chế phẩm từ vi sinh vật bản địa kết hợp công nghệ sinh học hiện đại để phân hủy chất hữu cơ và nitơ dư thừa trong ao nuôi, từ đó giúp cân bằng hệ sinh thái và giảm thiểu việc sử dụng hóa chất.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH SXTM Alpha Amin còn tạo ra một số dòng chế phẩm sinh học giúp cho vật nuôi tăng sức đề kháng tự nhiên, giảm tỷ lệ hao hụt và không cần sử dụng kháng sinh. Từ đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hướng đến xây dựng chuỗi giá trị gia tăng cho ngành hàng ếch, Công ty TNHH SXTM Alpha Amin còn đẩy mạnh chế biến sâu, phát triển thêm dòng sản phẩm “Lạp xưởng ếch”. Sản phẩm này vừa đạt chứng nhận OCOP 3 sao của huyện Cao Lãnh. Đây cũng là 1 trong 10 dự án nổi bật được có mặt tại Vòng Chung kết Cuộc thi Sáng kiến Mekong năm 2024 do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức.

Chia sẻ về giải pháp này, anh Nguyễn Trung Tính - Giám đốc Công ty TNHH SXTM Alpha Amin, bày tỏ: “Sinh ra và lớn lên tại vùng đất có thế mạnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, tôi luôn trăn trở làm sao để nghề truyền thống này phát triển bền vững. Những khó khăn của người nông dân phải đối mặt là ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Vì vậy, các chế phẩm sinh học của công ty ra đời với mong muốn mang đến cho người nông dân giải pháp tối ưu trong nuôi trồng thủy sản, giúp tăng cường sức khỏe vật nuôi và nâng cao chất lượng đầu ra sản phẩm, hướng đến nền chăn nuôi xanh và bền vững hơn”.

Có thể thấy, thời gian gần đây, tại Đồng Tháp xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp độc đáo tập trung vào việc giải quyết một số vướng mắc trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, từ đó góp phần giúp chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương dần hoàn thiện hơn. Qua đó nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản của tỉnh nhà và góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Bằng góc nhìn sáng tạo và việc áp dụng đồng bộ một số giải pháp công nghệ mới, Công ty TNHH Công nghệ Endota tại TP Cao Lãnh phát triển thành công nhiều dòng sản phẩm xanh như: than sinh học không khói, chế phẩm sinh học từ ấu trùng ruồi lính đen, phân hữu cơ ruồi lính đen... Các sản phẩm mới được sản xuất dựa trên nguồn phế phụ phẩm từ ngành công nghiệp chế biến xoài xuất khẩu tại địa phương. Hiện bộ sản phẩm xanh Endota sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp cũng là 1 trong 10 dự án nổi bật có mặt tại Vòng Chung kết Cuộc thi Sáng kiến Mekong năm 2024.

''

Công ty TNHH Công nghệ Endota sử dụng cùi xoài làm thức ăn nuôi ấu trùng ruồi lính đen

Anh Trần Văn Nam - Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Endota, chia sẻ: “Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do lượng lớn phụ phẩm từ chế biến xoài, công ty quyết định biến thách thức thành cơ hội. Công ty TNHH Công nghệ Endota đã nghiên cứu và phát triển thành công chuỗi sản phẩm xanh từ vỏ xoài và cùi xoài sau chế biến. Với công suất xử lý 30 tấn phế phẩm từ chế biến xoài/ngày, công ty không chỉ giảm thiểu 7.200 tấn rác thải/năm mà còn thu hồi 504 tấn carbon, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Mô hình kinh doanh của Công ty TNHH Công nghệ Endota đã mang lại lợi ích kinh tế và góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, hướng tới tương lai xanh”.

Ông Mai Thanh Nghị - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp Đồng Tháp, chia sẻ: “Thông qua Cuộc thi Sáng kiến Mekong, Đồng Tháp mong muốn các startup không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm mới mà còn hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Đồng thời kỳ vọng các bạn trẻ nắm bắt xu hướng phát triển của thế giới, tạo ra những giải pháp sáng tạo, phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa khoa học công nghệ và các giá trị truyền thống sẽ giúp sản phẩm của các bạn có sức cạnh tranh cao hơn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...”.

Khởi nghiệp xanh không chỉ là một xu hướng mà còn vì tương lai của nông nghiệp Đồng Tháp. Với sự sáng tạo và nhiệt huyết của các startup, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tin rằng, Đồng Tháp hoàn toàn có thể xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Nguồn
https://baomoi.com/

Tin liên quan