
Nguồn: CC0 Public Domain.
Việc làm đất ở các trang trại có thể làm giảm đáng kể lượng ergothioneine (ERGO) trong cây trồng, một loại axit amin được tạo ra bởi một số loại nấm và vi khuẩn sống trong đất được gọi là "vitamin trường thọ" do đặc tính chống oxy hóa mạnh của nó (theo nghiên cứu mới của nhóm nghiên cứu liên ngành tại Penn State). Nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu đầu tiên chứng minh rằng sự xáo trộn trong đất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ ăn uống liên quan đến sức khỏe lâu dài của con người.
Robert Beelman, chuyên gia khoa học thực phẩm cho biết: “Nghiên cứu cho thấy rằng thiếu ergothioneine trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính về lão hóa, chẳng hạn như bệnh Parkinson và Alzheimer và giảm tuổi thọ”.
Beelman lưu ý rằng ERGO được tạo ra bởi nấm, đó là lý do tại sao nấm là một trong những nguồn thực phẩm hàng đầu của axit amin này. Tuy nhiên, ERGO được tạo ra bởi nấm trong đất cũng xâm nhập vào thực vật.
Sjoerd Duiker, chuyên gia về quản lý đất và vật lý đất ứng dụng cho biết: “Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc làm đất nông nghiệp có thể phá vỡ quần thể nấm trong đất và làm ảnh hưởng đến sự sẵn có của axit amin quan trọng này. Điều này khiến chúng tôi suy đoán rằng việc làm đất tối thiểu hoặc không làm đất có thể có mức độ nấm cao hơn và do đó, cây trồng trên những loại đất này có thể có lượng ERGO cao hơn so với cây trồng phát triển trên nền đất được cày bừa kỹ".
Để nghiên cứu ảnh hưởng của việc làm đất lên hàm lượng ERGO của cây trồng, nhóm nghiên cứu đã chuyển sang nghiên cứu việc làm đất liên tục bắt đầu vào năm 1978 tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Russell E. Larson tại Rock Springs ở trung tâm Pennsylvania. Nghiên cứu bao gồm một thiết kế khối đầy đủ ngẫu nhiên với ba phương pháp xử lý làm đất - cày / xới / bừa bằng ván khuôn (MB), đại diện cho việc làm đất cường độ cao nhất; cày / xới / bừa bằng đục (CD), thể hiện lượng đất vừa phải; và không làm đất (NT) — mỗi công thức được lặp lại 4 lần. Các loại cây trồng trong nghiên cứu bao gồm ngô, đậu tương và yến mạch. Nhóm nghiên cứu đã thu thập các mẫu ngũ cốc từ mỗi phương pháp xử lý, nghiền chúng thành bột và sử dụng phương pháp sắc ký lỏng và quang phổ khối để phân tích hàm lượng ERGO.
Kết quả cho thấy rằng nồng độ ERGO giảm khi cường độ làm đất tăng lên. Cụ thể, từ NT đến MB, hàm lượng ERGO giảm 32% đối với ngô, 33% đối với đậu nành và 28% đối với yến mạch. Ngoài việc giảm nồng độ ERGO, việc tăng mức độ làm đất cũng liên quan đến việc giảm năng suất cây trồng.
Kết quả của nhóm nghiên cứu được đăng trên tạp chí Agronomy.
Beelman cho biết: “Gần đây, ngày càng có nhiều sự quan tâm đến việc thay thế các phương pháp nông nghiệp thông thường bằng nông nghiệp tái sinh, bao gồm việc không làm đất hoặc làm đất tối thiểu, để phục hồi sức khỏe của đất. Điều này rất quan trọng, không chỉ đối với môi trường mà còn đối với sức khỏe con người, vì nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng đất khỏe mạnh tạo ra thực phẩm lành mạnh hơn, điều này có lợi cho người dân".
Đỗ Thị Thanh Trúc theo Phys.org