Ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp tại Đắk R’lấp (Đắk Nông) mang lại những kết quả vượt trội, nhất là năng suất, giá trị sản phẩm.
Năm 2021, ông Vũ Công Phố, thôn 8, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp đầu tư xây dựng 1.000m² nhà màng cùng hệ thống tưới để sản xuất dưa lưới. Theo ông Phố, dưa lưới mỗi năm sản xuất được 4 vụ, mỗi vụ thu hoạch từ 2,5 - 3 tấn quả.
Ông Vũ Công Phố, thôn 8, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp, đầu tư xây dựng 1.000m² nhà màng cùng hệ thống tưới để sản xuất dưa lưới
Ông Phố cho biết chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại ổn định và cao hơn so với các cây trồng khác, cả về thời gian, công chăm sóc và chi phí đầu tư.
Lợi nhuận trung bình mỗi vụ dưa lưới đạt từ 40 triệu đồng trở lên. "Việc ứng dụng công nghệ giúp tôi giảm bớt công sức chăm sóc rất nhiều", ông Phố chia sẻ.
Ông Vũ Công Nhớ, thôn 8, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp đầu tư 2.000m² nhà màng và hệ thống tưới để sản xuất dưa lưới từ năm 2021. Ông Nhớ chia sẻ rằng, mỗi năm sản xuất 4 vụ dưa lưới, lợi nhuận phụ thuộc vào giá thu mua của thị trường. Trung bình, 1.000m² cho thu nhập 65 triệu đồng/vụ.
Nông nghiệp CNC tạo ra những sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao ở Đắk R'lấp (Đắk Nông)
Trong thời gian qua, nông dân huyện Đắk R’lấp đã chú trọng ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện hiện có khoảng 10ha nhà màng, nhà kính sản xuất rau, củ, quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, để thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng hiệu quả sản xuất, nông dân trong huyện đã áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, nhỏ giọt vào canh tác. Hiện tại, toàn huyện có 8.879ha đất áp dụng phương pháp tưới này.
Nông dân cũng đẩy mạnh ứng dụng CNC trong chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Các trang trại chăn nuôi được đầu tư, nâng cấp theo hướng tự động, khép kín, thân thiện với môi trường, chăn nuôi theo mô hình hữu cơ, VietGAP.
Huyện đưa vào sản xuất các giống heo ngoại cao sản hoặc lai tạo giống, đạt tỷ lệ 93% tổng đàn heo. Nhiều doanh nghiệp, HTX quan tâm đẩy mạnh sản xuất giống heo ngoại để cung cấp ra thị trường.
Toàn huyện hiện có 34 trang trại chăn nuôi heo. Một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã ứng dụng CNC, hướng đến tự động hóa, khép kín, thân thiện với môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông nghiệp ứng dụng CNC giúp người sản xuất ở Đắk R'lấp giảm thiểu công lao động
Ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp cho biết, những năm qua, nông dân Đắk R'lấp đã tích cực đầu tư xây dựng nhà màng, nhà kính và hệ thống tưới nhỏ giọt để sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp mà còn giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu lên cây trồng.
Với lợi thế và tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, cùng các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất CNC, huyện đã triển khai hướng dẫn người dân sản xuất theo hướng CNC, tạo ra chuyển biến rõ rệt.
Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, nông dân Đắk R’lấp đang dần thích ứng với các điều kiện thời tiết bất lợi, bảo đảm sản xuất bền vững và tăng thu nhập.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn trên địa bàn đã mang lại hiệu quả cao, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và đạt các tiêu chuẩn chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đắk R'lấp có 8.879ha đất sản xuất nông nghiệp áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tưới nhỏ giọt
Cũng theo ông Nên, trong thời gian tới, huyện Đắk R’lấp tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp CNC, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Huyện đẩy mạnh quy trình sản xuất theo GAP, VietGAP, hữu cơ; chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, xây dựng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản và mã số vùng trồng.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp CNC, xây dựng và phát triển các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực này, hướng đến xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng CNC của huyện.