I. Thông tin chung
1. Nhóm tác giả
TS. Phạm Văn Linh, ThS. Nguyễn Quang Huy, ThS. Trần Thị Duyên, ThS. Phạm Duy Trình, ThS. Nguyễn Đức Anh, ThS. Lê Thị Thơm, ThS. Lê Văn Quốc, ThS. Dương Thị Khánh Ly, ThS. Đào Thị Minh Hiền.
2. Cơ quan tác giả
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ.
3. Nguồn gốc xuất xứ
Quy trình công nghệ sản xuất giống sắn STB1 là kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống sắn và khoai lang cho vùng Bắc Trung Bộ” giai đoạn 2017 - 2021.
4. Phạm vi áp dụng
Quy trình kỹ thuật sản xuất giống sắn STB1 trong điều kiện của vùng Bắc Trung bộ.
5. Đối tượng áp dụng
Áp dụng cho các nông hộ, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sắn, các cơ quan chuyển giao và quản lý.
6. Tài liệu viện dẫn
Quy chuẩn quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng các giống sắn (QCVN01-61: 2011/BNNPTNT).
II. Nội dung quy trình
1. Đặc điểm của giống
Giống sắn STB1 (HL2004-32) là con lai của tổ hợp lai KM444 (thụ phấn tự do) lai tạo năm 2003 tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc; từ năm 2004-2011, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ chọn lọc, đánh giá và khảo nghiệm ở các vùng sinh thái thuộc Trung du miền núi phía Bắc; từ năm 2012, giống sắn STB1 được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ giới thiệu cho Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ đánh giá và phát triển.
Giống STB1 có dạng cây thẳng, ít phân cành, đường kính thân to, khả năng chống gãy đổ tốt, nhiễm nhẹ với một số sâu bệnh hại chính, có khả năng thích ứng trên đất đỏ bazan, đất sỏi nhựa và cát bạc màu. Hàm lượng tinh bột của giống sắn STB1 đạt 30,92% đến 33,82%. Năng suất củ tươi trung bình của giống sắn STB1 đạt 38,7 – 52,3 tấn/ha.
2. Kỹ thuật canh tác
2.1. Chuẩn bị đất
Do nhu cầu để hình thành và phát triển rễ củ, cây sắn cần đất tơi xốp thông thoáng và không bị ngập úng. Vì vậy, đất trồng sắn nhất thiết phải được chuẩn bị kỹ trước khi trồng, các công việc bao gồm: thu dọn rễ cây và tàn dư thực vật, cày - bừa (1 - 2 lần) và san lấp mặt bằng. Ở những diện tích đất có độ dốc lớn (> 30%) như đất đồi núi thì không cần cày bừa mà cuốc hốc trồng trực tiếp.
2.2. Chuẩn bị giống
Cây sắn dùng làm giống phải khỏe mạnh, không bị nhiễm sâu bệnh, nhặt mắt, không buông lóng, khi chuẩn bị hom giống nên loại bỏ những cây giống bị khô (không có nhựa mủ) và bị trầy, xước trong quá trình vận chuyển, tuổi của cây sắn trong các ruộng này đạt từ 8 tháng trở lên.
- Thời gian bảo quản cây giống không quá 60 ngày (tính từ khi thu hoạch), sau khi thu hoạch vận chuyển và bảo quản ngay tại những nơi khô ráo và có bóng mát. Có nhiều cách để bảo quản khác nhau như: Bó từng bó dựng đứng cây giống trong bóng râm, hoặc có thể cắm thẳng từng cây xuống đất theo từng cụm từ 500 - 1000 cây/cụm. Trong thời gian bảo quản cây giống có thể bị rệp sáp hoặc các loại côn trùng tấn công, vì thế có thể sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng để phòng trừ.
- Hom sắn để trồng lấy từ đoạn giữa thân cây sắn, chiều dài của hom sắn trồng sản xuất là 15 - 20cm, đạt tối thiểu là 6 - 8 đốt, không nên chặt hom quá ngắn hoặc quá dài, những hom sắn mầm ngủ thể hiện không rõ phải loại bỏ. Khi chặt hom dùng các loại dụng cụ sắc - bén để chặt và tránh làm cho hom bị thương tổn về mặt cơ giới như trầy vỏ hoặc dập phần thân gỗ của hom.
- Để tránh cho hom giống bị sâu bệnh phá hoại nên xử lý hom giống trước khi trồng bằng cách nhúng vào các hỗn hợp thuốc diệt nấm và côn trùng thông dụng hoặc rải thuốc trừ côn trùng theo hàng và hốc trước khi đặt hom sắn.
2.3. Thời vụ trồng
Thời vụ trồng sắn thích hợp nhất ở Bắc Trung Bộ là vào tháng 1-2 hàng năm, tập trung chủ yếu vụ Xuân. Nên tranh thủ trồng sớm khi đất đủ ẩm độ, không nên trồng vào các thời điểm có mưa nhiều hoặc khô hạn làm giảm khả năng mọc mầm của hom sắn (do ẩm độ đất cao hoặc thấp, nhiệt độ thấp dẫn đến hom sắn nảy mầm kém, rễ sắn hô hấp kém, các tác nhân nấm - bệnh và côn trùng dễ tấn công và gây hại cho hom sắn).
2.4. Phương pháp trồng
Trồng hom nằm ngang trên những diện tích đất tương đối bằng phẳng, ở những diện tích đất có mưa nhiều thoát nước kém có thể kéo luống hoặc lên líp để trồng với các phương pháp hom xiên hoặc hom đứng. Ngoài ra, nếu trồng vào vụ cuối mưa ẩm độ đất thấp thì nên trồng hom đứng hoặc xiên.
2.5. Khoảng cách và mật độ trồng
- Đất tốt và trung bình trồng với khoảng cách 1,0 m x 1,0 m, tương đương với 10.000 cây/ha.
- Đất xấu trồng với khoảng cách 1 m x 0,8 m (tương đương với 12.500 cây).
2.6. Bón phân
- Tùy theo các loại đất mà bón với các công thức khác nhau, có thể kết hợp giữa bón phân vô cơ với phân hữu cơ như: phân chuồng, phân xanh.
- Công thức phân bón NPK: 90kgN + 60kgP2O5 + 90kgK2O/ha; kết hợp với 15 tấn phân chuồng hoặc phân xanh. Trong quá trình trồng tùy thuộc vào tình hình sinh trưởng phát triển của cây để bổ sung, điều chỉnh thêm lượng phân bón.
- Thời gian bón: bón lót toàn bộ phân lân và phân hữu cơ. Bón thúc lần 1 vào giai đoạn từ 25 - 30 ngày sau khi mọc mầm: 1/2 phân đạm + 1/2 phân kali, bón thúc lần 2 vào giai đoạn sau khi mọc mầm từ 50 - 60 ngày: 1/2 phân đạm + 1/2 phân kali còn lại.
- Thời điểm bón: Bón khi đất có đủ ẩm độ, tránh bón phân vào lúc trời nắng hoặc đang mưa lớn.
- Phương pháp và kỹ thuật bón: phân lân và phân hữu cơ bón lót khi cày bừa hoặc bón theo hàng hay hốc trước khi trồng; phân đạm và phân kali bón theo hốc (cuốc hốc cách gốc hoặc hom sắn 15cm rải đều phân xuống và lấp lại).
2.7. Phòng trừ cỏ dại
- Phun thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm Dual với lượng dùng là 2,5L/ha, hoặc Antaco… phun ngay sau khi trồng, đảm bảo lượng nước phun và ẩm độ đất đủ cho thuốc có thể thấm xuống đất từ 2 - 3cm.
- Có thể kết hợp giữa làm cỏ bằng tay và phun thuốc: Làm cỏ bằng tay 1 lần sau khi cây sắn mọc trồng từ 25 - 30 ngày, sau đó tùy vào tình trạng cỏ dại để có biện pháp làm cỏ kịp thời.
2.8. Trồng xen và luân canh
Đất bằng (độ dốc < 8%) trồng xen lạc, đậu xanh hoặc một số cây họ đậu, giữa 2 hàng sắn xen 1-2 hàng lạc hoặc 1-2 hàng đậu xanh, khoảng cách giữa 2 hàng sắn là 1,0 - 1,2m, giữa 2 hàng lạc và đậu xanh là 0,25 - 0,30m và giữa 2 cây lạc và đậu xanh là 0,15 - 0,20m hoặc trồng xen ngô lấy lá làm thực phẩm chăn nuôi trâu bò.
2.9. Thu hoạch và bảo quản
Thu hoạch đúng thời điểm khi hàm lượng tinh bột trong củ đạt từ 27 - 30%, hoặc khi cây đã rụng gần hết lá ngọn (còn lại khoảng 6 - 8 lá) và lá đã chuyển từ màu xanh sang vàng nhạt. Có nhiều phương pháp thu hoạch khác nhau: thu hoạch bằng cơ giới, các dụng cụ thủ công và nhổ trực tiếp bằng tay. Thu hoạch đến đâu vận chuyển ngay đến các cơ sở chế biến, tránh để lâu hoặc phơi nắng ngoài đồng làm giảm hàm lượng tinh bột trong củ. Đối với trường hợp bán sắn lát, sắn thu hoạch đến đâu thì phải tiến hành xắt lát rồi phơi khô tại ruộng. Sắn lát khô với ẩm độ từ 11 - 12% có thể đem bán ngay hoặc bảo quản trong bao - kho chứa, cần xử lý các loại thuốc xông hơi để phòng trừ côn trùng và mọt.