Quy trình kỹ thuật sản xuất giống khoai lang KTB6

I. Thông tin chung

1. Nhóm tác giả

TS. Phạm Văn Linh, ThS. Nguyễn Đức Anh, ThS. Bùi Văn Hùng, ThS. Phạm Thế Cường, ThS. Phạm Thị Trang, ThS. Lê Thị Thanh Thủy, KS. Hà Thị Tuyết, KS. Nguyễn Xuân Hoàng, KS. Trần Quang Đạo, KS. Hoàng Thị Trang, KS. Đặng Thị Kim Hoa, KS. Trần Thị Thắm, KS. Nguyễn Thị Hằng.

2. Cơ quan tác giả

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ.

3. Nguồn gốc xuất xứ

Quy trình công nghệ sản xuất giống khoai lang KTB6 là kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống sắn và khoai lang cho vùng Bắc Trung Bộ” giai đoạn 2017 – 2021.

4. Phạm vi áp dụng

Quy trình kỹ thuật sản xuất giống khoai lang KTB6 trong điều kiện của vùng Bắc Trung bộ.

5. Đối tượng áp dụng

Áp dụng cho các nông hộ, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất khoai lang, các cơ quan chuyển giao quản lý.

6. Tài liệu viện dẫn 

- Quy chuẩn quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng các giống khoai lang (QCVN01-60: 2011/BNNPTNT).

- Quy trình kỹ thuật sản xuất giống khoai lang KTB5 của Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung bộ.

- Quy trình kỹ thuật trồng khoai lang hàng hóa ở vùng Bắc Trung Bộ của Viện KHNN Việt Nam (QĐ số 47/QĐ-KHNN-KH ngày 27/01/2021).

II. Nội dung quy trình

1. Đặc điểm của giống

Giống khoai lang KTB6 có thời gian sinh trưởng vụ Đông từ 104  – 120 ngày, ở vụ Xuân từ 123 - 130 ngày, khả năng sinh trưởng phát triển tốt; nhiễm sâu bệnh hại ở mức nhẹ; khả năng chịu hạn khá tốt và trồng được trên nhiều chân đất khác nhau như đất cát ven biển chuyên màu, đất cát pha, đất 2 lúa, đất bãi ven sông.

Giống KTB6 có dạng thân , màu sắc thân xanh, dạng củ điển hình thuôn dài, vỏ mầu trắng, ruột củ màu trắng; lá hình tim, lá trưởng thành màu xanh đậm, lá ngọn màu xanh. Giống khoai lang KTB6 là giống có tiềm năng năng suất cao, vụ Xuân năng suất trung bình đạt 22,7 – 25,1 tấn/ha và vụ Đông đạt từ 17,6 – 19,1 tấn/ha; hàm lượng chất khô củ cao (30,64 - 32,16%), chất lượng củ ngon, thích hợp ăn tươi và chế biến.

2. Kỹ thuật canh tác

2.1. Thời vụ trồng

Thời vụ trồng tốt nhất của giống khoai lang KTB5 là vụ Xuân (10/01 – 20/02) và vụ Thu Đông (20/8 – 20/9).

2.2. Chuẩn bị giống

Dây giống đảm bảo tiêu chí : Dây bánh tẻ, nhặt mắt, không có nụ và hoa, không có rễ hoặc có rễ ngắn, dây giống dài 25 - 35 cm ( 5 - 7 mắt/dây), dây giống mập khỏe, không sâu bệnh, dây ngọn là tốt nhất (dây đoạn 1) và có thể dây dưới ngọn (dây đoạn 2).

2.3. Kỹ thuật làm đất

- Đất cát:

Lên luống rộng và cao: Rộng 1,4  – 1,5 m, cao 45 – 50 cm.

Lấp dây khi trồng dày hơn 10 cm và dập nhẹ cho đất sát dây.

- Đất thịt pha cát (thịt nhẹ):

Lên luống hẹp hơn: 1,2 – 1,3 m, độ cao luống 40 – 45 cm.

Lấp dây khi trồng mỏng hơn đất cát từ 7 – 10 cm, dập nhẹ cho đất sát dây.

- Đất thịt và thịt nặng:

Lên luống như đất thịt nhẹ, lấp dây khi trồng mỏng nhất từ 5 - 7 cm, dập nhẹ để đất sát vào dây.

2.4. Phân bón

Lượng phân:

Lượng phân cho 1 ha: 100kg N + 50kg P2O5  ­+ 150kg K2O + 10 tấn phân chuồng.

Cách bón:

Bón lót: Khi lên luống, cho phân ở giữa luống; bón toàn bộ phân chuồng, phân lân và 30% lượng đạm, 30% lượng Kali.

Bón thúc lần 1: 20 - 25 ngày sau trồng, bón 50% lượng đạm và 40% lượng Kali kết hợp làm cỏ và vun nhẹ.

Bón thúc lần 2: 45 - 50 ngày sau trồng, cày xả luống, bón lượng đạm và Kali còn lại và vun cao.

2.5. Phương pháp trồng

- Mật độ: 42.000 dây/ha.

- Sau khi rạch hàng, bỏ phân phủ 1 lớp đất mỏng, đặt dây "thẳng dây dọc luống nối đuôi nhau". Tốt nhất trồng vào buổi chiều khi trời đã dịu nắng và mát.

2.6. Kỹ thuật chăm sóc

Vun xới lần 1: Sau trồng 20 - 25 ngày, xới xáo sâu xa gốc 20 cm và vun nhẹ vào gốc nhằm hạn chế cỏ dại, kết hợp bón thúc lần 1 trước khi vun.

Vun xới lần 2: Sau trồng 45 - 50 ngày, cày xã luống, kết hợp bón thúc lần 2 và vun luống cao.

Tưới nước: Sau khi trồng 1- 3 ngày cần giữ ẩm (70 – 80% đổ ẩm đồng ruộng), nếu bị khô hạn cần tưới rãnh để đảm bảo độ ẩm cần thiết (khoảng 1/3 - 1/2 rãnh, sau 1 đêm phải tháo cạn), đặc biệt giữ đủ ẩm ở thời kỳ phát triển củ, đảm bảo nhu cầu nước cho quá trình sinh trưởng và lớn lên của củ. Nếu mưa cuối vụ, cần lưu ý tháo nước ngay, để khoai xuống củ tốt và không bị thối.

Bấm ngọn: Sau trồng khoảng 10 15 ngày nên bấm ngọn để kích thích sự phân nhánh, hình thành sớm tán lá, bấm ngọn chỉ có 1 lá chưa xòe ra.

Làm cỏ và nhấc dây: Thường xuyên làm sạch cỏ ở gốc và luống, nhấc dây nhằm hạn chế sự phát triển của rễ cám, nhất là những nhánh bò lan xuống rãnh luống.

Cắt tỉa cành: Sau khi khoai lang đã phủ luống (60-70 ngày sau trồng), nếu sinh trưởng thân lá mạnhcần cắt tỉa, cắt nhánh già, dài sát đất ở rãnh luống(mỗi lần nên cắt một nhánh/cây), cắt rải đều trên các luống ở cả ruộng. Chú ý chỉ cắt cách gốc từ 20-25cm, không cắt sát gốc cây khoai.

2.7. Phòng trừ sâu bệnh hại

- Sâu xanh cắn lá:

Làm đất kỹ, phơi đất hay ngâm nước để diệt nhộng dưới đất.

Phun thuốc BVTV nội hấp hoặc chế phẩm sinh học (như nấm Metarhizium anisopliae) khi sâu non mới nở tuổi 1-2, phun vào chiều tối.

- Bọ hà:

Không trồng khoai lang liên tục trên cùng 1 chân đất. Tốt nhất là luân canh với cây trồng nước như lúa, hoặc ngâm ruộng trong vòng 5-7 ngày để diệt bọ hà.

Vun cao kín gốc, nhằm hạn chế bọ hà đẻ trứng trên củ khoai. Vụ Xuân cần chú ý làm luống cao.Tưới nước đủ ẩm và thường xuyên. Cần thu hoạch kịp thời khi củ khoai đã chín và cây xuống .

Đánh bẫy khi có bọ hà: Cuối vụ gần thu hoạch, thường xuyên thăm đồng ruộng khoai lang, khi thấy có bọ hà trên cây, tiến hành làm bẫy diệt bọ hà – trứng bọ hà.

- Bệnh ghẻ, bệnh xoắn lá:

Phát hiện kịp thời và nhổ bỏ cây bệnh. Thực hiện luân canh với cây trồng nước (tốt nhất là trên đất trồng lúa).

2.8. Thu hoạch và bảo quản

Thu hoạch khi củ chín sinh lý, khoảng 1/3 số lá (chủ yếu là lá gốc) chuyển vàng tự nhiên.

Củ khoai sau khi thu hoạch về cần phân loại và để nơi thoáng mát. Có thể thu để nguyên cả khóm củ, sau đó rải đều cả khóm củ và phủ lớp lá xoan tươi để bảo quản và sử dụng dần.

Tin liên quan