Quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho các tỉnh vùng Bắc Trung bộ

I. Thông tin chung

1. Tên tiến bộ kỹ thuật

Quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho các tỉnh vùng Bắc Trung bộ (Áp dụng cho các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế).

2. Nhóm tác giả

Lại Đình Hòe; Lê Văn Vĩnh; Trần Thị Thắm; Trần Quang Đạo; Lê Thị Thơm; Đỗ Mười; Nguyễn Tất Hóa; Lê Văn Quốc; Hà Thị Tuyết.

3. Tổ chức có tiến bộ kỹ thuật được công nhận

Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ.

Địa chỉ: Đường Tây Sơn - KV8, P. Nhơn Phú - TP. Quy Nhơn - Bình Định.

4. Nguồn gốc xuất xứ

Quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài: “Nghiên cứu xây dựng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa các tỉnh Duyên hải Miền Trung”, thực hiện từ 2016 - 2020 theo Quyết định số 3001/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT và Quyết định số 2016/QĐ-BKHCN ngày 19/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ về việc phê duyệt mục tiêu, nội dung, tổ chức và cá nhân chủ nhiệm, kinh phí và thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia của Đề án “Sản phẩm lúa gạo Việt Nam năng suất cao, chất lượng cao”.

II. Tóm tắt nội dung tiến bộ kỹ thuật

1. Chọn giống

Sử dụng các giống lúa có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam. Sử dụng hạt giống cấp xác nhận trở lên. Sử dụng giống lúa ngắn ngày (vụ Xuân 125-130 ngày; vụ Hè Thu <115 ngày), cứng cây, năng suất, chất lượng cao, kháng hoặc ít nhiễm sâu, bệnh, sản phẩm dễ tiêu thụ. Mỗi vụ chỉ nên cơ cấu 3-4 giống chủ lực và 4-5 giống bổ sung. Giống cụ thể từng vùng do ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo và lựa chọn.

2. Kỹ thuật làm đất

- Làm đất cấy phải đảm bảo mặt ruộng bằng phẳng, bùn nhuyễn, tầng bùn sâu 12-15 cm; tiến hành tạo các luống cấy rộng 2m, rãnh luống rộng 25-30 cm, sâu 10-15 cm; cấy bằng máy thì không cần phải tạo luống; giữ nước săm sắp hoặc ruộng bùn sền sệt để cây mạ sau cấy sẽ thẳng hàng, không bị nghiêng, đổ.

- Đất có thành phần cơ giới nặng, làm đất xong trước khi cấy 1 ngày (hoặc một đêm) để bùn lắng xuống; đất có thành phần cơ giới nhẹ (cát pha, đất bạc màu) sau khi làm đất xong cần cấy ngay để tránh cát lắng chặt.

- Làm đất để gieo sạ: phải đảm bảo mặt ruộng bằng phẳng, bùn nhuyễn, tầng bùn sâu 12-15 cm. Trước khi gieo sạ cần tạo các rãnh thoát nước trong ruộng; không để nước đọng thành vũng trên mặt ruộng.

3. Thời vụ

Khung thời vụ khuyến cáo:

- Vụ Xuân:

+ Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, bố trí thời vụ cho lúa trỗ từ 20/4 đến 10/5, trỗ tập trung từ 25/4 đến 5/5.

+ Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, bố trí thời vụ cho lúa trỗ từ 10/4 đến 25/4, trỗ tập trung từ 15/4 đến 25/4.

- Vụ Hè Thu:

+ Vùng Hè Thu chính vụ, bố trí gieo từ 25/4-30/5 để thu hoạch trước 20/9, tránh gặp lụt cuối vụ.

+ Vùng Hè Thu chạy lụt (vùng thấp), bố trí thời vụ để thu hoạch trước 5/9.

4. Phương thức gieo, cấy

- Những vùng cấy bằng tay thì áp dụng kỹ thuật làm mạ dược; mạ nền cứng; mật độ cấy 35-40 khóm/m2, cấy 1-2 dảnh/khóm; cấy nông tay (vùng đất tốt nên cấy hàng rộng - hàng hẹp).

- Những vùng có điều kiện cấy bằng máy thì phải làm mạ khay; tiến hành cấy khi mạ 3-4 lá, cây cao trên 10cm, cứng cây, đanh dảnh; cấy 2-3 dảnh/khóm, mật độ 28- 33 khóm/m2. Sau khi cấy phải luôn giữ mực nước trên ruộng từ 2-3 cm để thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và hạn chế cỏ dại.

- Vùng gieo sạ (bằng máy phun hạt; gieo hàng; gieo vãi):

Các vùng có điều kiện thâm canh, chủ động nước tưới, lượng hạt giống từ 60-80 kg/ha (áp dụng với máy phun hạt; sạ hàng hoặc gieo vãi); đất nghèo dinh dưỡng, giống đẻ kém... thì tăng thêm mật độ nhưng không quá 100 kg/ha.

5. Kỹ thuật sử dụng phân bón

Bón kết hợp phân hữu cơ - phân vô cơ; bón phân cân đối, không bón thừa đạm giai đoạn lúa làm đòng trở đi.

Đất có thành phần cơ giới nặng, bón phân nặng đầu nhẹ cuối; đất có thành phần cơ giới nhẹ nên tăng số lần bón và giảm lượng bón trong mỗi lần để giảm thất thoát, nâng cao hiệu quả phân bón.

Sử dụng phân NPK chuyên dùng cho lúa, phân urea bọc Neb hoặc Agrotain; Lân bọc Avail,... lượng phân bón có thể giảm 20%.

Sử dụng máy phun phân dạng hạt để đảm bảo đồng đều và tiết kiệm công lao động, nhất là sản xuất trên các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết.

5.1. Lượng phân bón quy đổi nguyên chất/ha

- Đất giàu dinh dưỡng: 80-90 N: 50-60 P2O5: 70-80 K2O + 5-7 tấn phân chuồng (hoặc 1,0-1,5 tấn phân hữu cơ hữu vi sinh).

- Đất nghèo dinh dưỡng: 100-110 N + 60-70 P2O5 + 80-90 K2O + 1,0-1,5 tấn phân hữu cơ hữu vi sinh hoặc phân hữu cơ chế biến.

5.2. Cách bón

- Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ + Lân + vôi trước khi phay đất lần cuối; bón NPK chuyên lót sau khi bừa lần cuối, lượng bón không quá 20% N; 80-100% P2O5; 20% K2O.

- Bón thúc với lúa cấy:

+ Lần 1(thúc đẻ): Khi lúa hồi xanh, lượng bón 50% N + 40% K2O.

+ Lần 2 (đón đòng): khi có khoảng 10% dảnh cái ở đầu mút lá có thắt eo; lượng phân 30% N + 40% K2O.

- Bón thúc với lúa gieo sạ:

+ Lần 1: Sau sạ 10-12 ngày, bón 20% N + 15-20 P2O5.

+ Lần 2: Sau sạ 18-22 ngày, bón 35% N + 40% K2O.

+ Lần 3: Bón đón đòng, 25% N + 40% K2O.

6. Chăm sóc

6.1. Quản lý nước

- Những vùng  chưa có hệ thống kênh mương tưới tiêu hoàn chỉnh thì cần áp dụng siết nước phơi ruộng giữa vụ; cụ thể như sau: Giai đoạn mạ đến giai đoạn lúa đẻ nhánh, duy trì mực nước 3-5 cm. Giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh, cần phơi ruộng 10-15 ngày,khi  thấy đất ruộng  “nứt chân chim” thì cho nước vào với mực nước 5-7cm để bón đón đòng. Duy trì mực nước này cho đến giai đoạn lúa trỗ chín. Trước thu hoạch 10 ngày cần tháo cạn nước để thuận lợi cho thu hoạch.

- Những vùng có hệ thống thủy lợi đã hoàn chỉnh, chủ động được tưới tiêu thì áp dụng kỹ thuật “Tưới khô - ướt xen kẽ”, cụ thể như sau:

+Với lúa cấy: Sau khi cấy cho đến cuối giai đoạn lúa đẻ nhánh, giữ mực nước trên mặt ruộng tối đa 5cm. Giai đoạn lúa đứng cái và làm đòng áp dụng tưới khô - ướt xen kẽ. Khi nước xuống thấp hơn mặt ruộng từ 10-15cm thì cho nước vào trên mặt ruộng tối đa 5cm. Giai đoạn trước khi lúa trỗ khoảng 7-10 ngày cho đến lúc lúa chín sữa (cả lúa sạ và lúa cấy) ruộng vừa cạn thì tưới lại.Trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày tháo cạn nước để thuận lợi cho thu hoạch.

+Với lúa sạ thẳng: Rút cạn nước trước khi gieo sạ. Sau khi gieo sạ 1-2 ngày phun thuốc cỏ tiền nảy mầm; sau sạ 3-4 ngày cho nước vào láng mặt ruộng để giữ ẩm. Khi mạ có 2-3 lá cho nước vào và giữ nước liên tục cho đến khi bón phân thúc đẻ (cây 4-5 lá). Sau khi bón phân thúc lần 2 cho đến giai đoạn lúa làm đòng tiến hành tưới khô - ướt xen kẽ. Khi nước xuống thấp hơn mặt ruộng từ 10-15cm thì cho nước vào trên mặt ruộng tối đa 5cm. Sau khi bón phân thúc lần 2 cho đến giai đoạn lúa làm đòng tiến hành tưới “khô - ướt xen kẽ”. Khi mực nước trong ống đo xuống thấp hơn mặt ruộng 10-15cm thì tưới với mực nước trên mặt ruộng ≤ 5cm.

6.2. Quản lý cỏ dại

Cần áp dụng tổng hợp các biện pháp như: Cày lật đất sớm sau thu hoạch, san phẳng ruộng, làm đất kỹ, phân hữu cơ phải được ủ hoai mục; gieo cấy với mật độ hợp lý; điều tiết nước hợp lý để hạn chế hạt cỏ nảy mầm; cắt bỏ sớm các bông cỏ trước khi kết hạt; luân canh lúa với cây trồng cạn...

Khi cần sử dụng thuốc diệt cỏ phải theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Với lúa gieo sạ, nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ dại tiền nảy mầm, cần phun  sau khi gieo sạ 1- 2 ngày;  khi sử  dụng yêu cầu mặt ruộng phải cạn nước như thuốc Sofit 300EC, Ronstar 25EC, Meko 60EC, Sofit 300EC, Frefit 300EC, Ancofit 300EC, Vithafit 300EC... Đối với lúa cấy, nên sử dụng thuốc hậu nảy mầm  như WhipS 7.5EC, Ally 5DF, Nominee 10SC, Sunrice 15WDG, Ferim 18.5WP, Aloha 25WP, Alphadax 250WP…, phun thuốc sau cấy 7-10 ngày.

6.3. Quản lý sâu, bệnh

Bám sát và theo dõi chặt chẽ dự tính dự báo các loại sâu bệnh hại ở từng thời điểm do Chi cục BVTV của tỉnh thông báo.

Kết hợp theo dõi kiểm tra, nếu phát hiện sớm các loại đối tượng nguy hiểm như: đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá, sâu đục thân... để phòng trừ kịp thời bằng thuốc đặc hiệu. Sử dụng thuốc cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng theo chỉ đạo của cán bộ bảo vệ thực vật.

7. Thu hoạch, phơi sấy, bảo quản

- Thu hoạch bằng máy khi có 85-90% số hạt trên bông đã chín. Nên cắt ở vị trí khoảng ở giữa thân cây để giảm thất thoát trong và sau thu hoạch.

- Hạt sau thu hoạch cần phơi khô và làm sạch hạt ngay để đảm bảo chất lượng hạt. Nếu có điều kiện, nên sấy khô và làm sạch hạt bằng máy để sản phẩm có chất lượng cao và đồng đều. Sấy khô hạt đến độ ẩm 13-14% nếu làm lúa ăn; 12-13% nếu làm giống trước khi đem đi chế biến, bảo quản.

- Cách bảo quản: Dùng bao nilon dày chuyên dụng và bảo quản chân không, dồn hạt vào 75-80% thể tích bao rồi dùng máy hút hết không khí và hàn kín miệng bao; xếp bao thành khối trên kệ và để nơi khô ráo.

- Xử lý rơm rạ: Không đốt rơm rạ ngoài đồng, gom rơm bằng máy cuốn rơm (hoặc bằng thủ công) để làm thức ăn gia súc hoặc làm nấm, ủ phân hữu cơ... Xử lý các tàn dư còn lại trên đồng ruộng bằng dung dịch nấm Trichoderma sp. phun đều trên mặt ruộng (khi đất còn ẩm ướt) và kết hợp cày vùi rơm rạ trước khi gieo cấy vụ sau 15-20 ngày.

III. Phạm vi, địa điểm áp dụng quy trình

Áp dụng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất lúa các tỉnh vùng Bắc Trung bộ./.

Tin liên quan