Thông qua các đề tài, công trình nghiên cứu phù hợp, sát với thực tế địa phương, Viện Nha Hố đã đóng góp quan trọng cho tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận.
Ngày 31/1, ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cùng các sở, ngành tỉnh này đã đến thăm và làm việc với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Viện Nha Hố) về kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Huyền (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình trồng nho trong nhà màng do Viện Nha Hố chuyển giao, có thu nhập cao trong mùa mưa. Ảnh: B.L.
Hỗ trợ đắc lực cho tái cơ cấu nông nghiệp Ninh Thuận
TS Mai Văn Hào, Viện trưởng Viện Nha Hố cho biết, Viện là đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), đóng chân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Trong giai đoạn 2017 - 2022, Viện đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, viện và các sở, ban, ngành tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện 21 nhiệm vụ KH-CN (dự án, đề tài khoa học) trên địa bàn tỉnh, trong đó có 3 nhiệm vụ cấp nhà nước, 10 nhiệm vụ cấp bộ, 8 nhiệm vụ cấp tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực lưu giữ, bảo tồn nguồn gen; công tác chọn, tạo giống (8 nhiệm vụ); nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất các đối tượng cây trồng chủ lực của địa phương (3 nhiệm vụ về nho, táo, măng tây); nghiên cứu xây dựng các quy trình quản lý dịch hại cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất và phát triển giống, sản xuất thương phẩm một số loại cây trồng (9 nhiệm vụ).
Theo TS Mai Văn Hào, nho là một trong những cây trồng quan trọng của tỉnh Ninh Thuận, Viện đã và đang thực hiện các hoạt động thu thập, bảo tồn và khai thác nguồn gen cây nho. Trong đó tập trung xây dựng vườn bảo tồn quỹ gen cây nho, lưu giữ 130 mẫu giống nho ăn tươi, 40 mẫu giống nho rượu, 31 mẫu giống nho không hạt, 9 mẫu giống nho gốc ghép.
Ngoài ra, Viện cũng đang xây dựng vườn cây đầu dòng với diện tích 0,45ha cho các mẫu giống nho. Bên cạnh đó, Viện Nha Hố cũng duy trì, lưu giữ nguồn gen một số giống cây trồng như táo, xoài, mít, nhãn, mãng cầu, ổi, bưởi, thanh long, lúa, bắp...
Trong công tác chọn tạo giống, Viện Nha Hố đã thực hiện các hoạt động điều tra, chọn lọc và phát triển giống bắp nếp bản địa. Đến nay, Viện đã phục tráng được giống bắp nếp đặc trưng bản địa của huyện Bác Ái (Ninh Thuận) có nhiều ưu điểm nổi trội. Ngoài ra, Viện cũng phối hợp với các Viện Nghiên cứu Ngô, các doanh nghiệp đánh giá, thử nghiệm và tổ chức nhân giống bắp lai mới phục vụ sản xuất bắp thương phẩm và bắp sinh khối.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cùng các sở, ngành làm việc với Viện Nha Hồ về công tác nghiên cứu khoa học. Ảnh: B.L.
Lúa là cây trồng chủ lực, do vậy Viện Nha Hố đã phối hợp với các viện tuyển chọn được các giống sinh trưởng phát triển khoẻ và phù hợp với điều kiện sinh thái tại Ninh Thuận, có khả năng chống chịu sâu bệnh khá, tiềm năng năng suất cao, làm tiền đề để giới thiệu, chuyển giao các giống tốt cho sản xuất.
Đối với cây nho, cây ăn quả, từ kết quả của hoạt động thu thập, bảo quản nguồn gen, Viện Nha Hố đã giới thiệu được một số giống nho có triển vọng để đưa vào phát triển, trong đó có 3 giống nho ăn tươi (NH01-152, NH01-16, NH01-96), 2 giống nho chế biến rượu (NH02-97 và NH02-137) và 1 giống nho không hạt (NH04-102). Ngoài ra, Viện còn lựa chọn, bổ sung được một số giống cây ăn quả phù hợp như các giống xoài, mít thái chín sớm, mãng cầu dai, nhãn, ổi.
Gắn tiến bộ khoa học với chuyển đổi cây trồng
Để công tác nghiên cứu và chuyển giao phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận, theo TS Mai Văn Hào, thời gian tới, Viện Nha Hố tiếp tục tuyển chọn giống lúa, ngô chất lượng cao; nhân giống, phát triển một số loại cây ăn quả thế mạnh, đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh đó, xây dựng vườn cây đầu dòng cho các loại cây ăn quả; tuyển chọn giống cỏ sinh khối lớn chất lượng cao, giống cao lương, giống ngô sinh khối…
Song song đó, Viện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hoá, tự động hoá, ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản nông sản phù hợp, hiệu quả để hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi, đáp ứng nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu. Phát triển sản xuất các loại cây trồng có sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…
Nhờ được chuyển giao kỹ thuật và giống nho mới của Viện Nha Hố, anh Nguyễn Đình Trí có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán nho trong đợt Tết vừa qua. Ảnh: M.P.
Tại buổi làm việc, ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã biểu dương và đánh giá cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đồng thời ghi nhận những kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Nha Hố trong thời gian qua. Thông qua các đề tài, công trình nghiên cứu phù hợp, sát với thực tế địa phương, đã tạo ra các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Huyền mong muốn, Viện Nha Hố tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng giống đạt tiêu chuẩn, hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất đối với cây trồng thế mạnh gắn với kết hợp phát triển du lịch. Các sở, ngành liên quan, địa phương tăng cường rà soát các diện tích đất nông nghiệp, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Đồng thời, tranh thủ nguồn hỗ trợ của trung ương và vận dụng linh hoạt ngân sách địa phương để hỗ trợ nông hộ thực hiện và mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Chú trọng liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Trước đó, ông Lê Huyền cùng các sở, ngành đã đến thăm mô hình trồng nho NH01-152 và các giống nho mới có giá trị kinh tế cao của anh Nguyễn Đình Trí ở thôn Láng Ngựa, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn). Đây là hộ được Viện Nha Hố chọn trồng giống nho NH01-152 và chuyển giao kỹ thuật trên diện tích 2,5 sào. Thời gian qua, dù mưa kéo dài nhưng nho vẫn có thu hoạch và bán được với giá rất cao, thu về hàng trăm triệu đồng.
Viện Nha Hố đã tập trung nghiên cứu phòng trừ sâu bệnh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong nhân giống. Xây dựng quy trình kỹ thuật cho các giống nho phù hợp cho sản xuất rượu vang đỏ. Bên cạnh đó, Viện cũng đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nho ăn tươi, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Xây dựng quy trình quản lý tổng hợp ruồi đục quả và một số sâu bệnh hại chính trên cây táo tại vùng Nam Trung bộ cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với canh tác truyền thống...
MAI PHƯƠNG