Thúc đẩy kết nối công nghệ và thương mại nông sản Việt Nam - Nhật Bản

            Ngày 30/5 tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp & Môi trường, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Công ty Maruwa Biochemical và Công ty Guntane, Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy kết nối công nghệ và thương mại nông sản Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 4”. Hội thảo nhằm kết nối các nhà quản lý và nhà khoa học với các doanh nghiệp Nhật Bản – Việt Nam để tăng cường hợp tác xúc tiến ứng dụng các công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam và tìm kiếm đối tác xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nhật Bản; xúc tiến hợp tác xây dựng các vùng nông sản đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

            Hội thảo đã thu hút 142 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có 32 đại biểu đến từ 12 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực giống cây trồng (Dâu tây, cà chua..); công nghệ sản xuất (lưới chịu nhiệt, hệ thống tưới tự động); công nghệ bảo quản, chế biến và thương mại nông sản; thuốc BVTV và chế phẩm sinh học …;  Trường Đại học Sojo và Ngân hàng Gumma bank Nhật Bản tại Việt Nam. Về phía Việt Nam có 110 đại biểu đến từ Cục Trồng trọt và BVTV; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các Viện thành viên có liên quan (Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam, Viện Cây ăn quả Miền Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển cây trồng nông nghiệp Nha Hố, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên); đại diện một số Trường Đại học khu vực Tây Nguyên và phía Nam; Văn phòng điều phối nông nghiệp nông thôn vùng đồng bằng Sông Cửu Long; Ban quản lý khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh; Chi cục Chất lượng và phát triển nông nghiệp một số tỉnh, thành phố; Sở ngoại vụ và Hiệp hội rau hoa Đà Lạt và 79 đại biểu đến từ Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và thương mại nông sản trong phạm vi cả nước.

''

Quang cảnh Hội thảo

            Hội thảo là cơ hội để Việt Nam và Nhật Bản giới thiệu về công nghệ, tiềm năng trong sản xuất, thương mại nông sản, qua đó hai bên tìm hiểu cơ hội hợp tác trong việc thử nghiệm, lựa chọn công nghệ, đồng thời tìm hiểu cơ hội và ký kết hợp tác trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và thương mại nông sản không chỉ giữa hai Quốc gia mà còn hợp tác đầu tư để xuất khẩu nông sản đến thị trường toàn cầu.

''

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

            Các ý kiến tại Hội thảo đồng quan điểm, Việt Nam và Nhật Bản đều có tiềm năng và lợi thế riêng để có thể thúc đẩy hợp tác phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù là đất nước công nghiệp Nhật Bản vẫn chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển nông nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực lai tạo giống cây trồng, công nghệ cao, công nghệ chế biến để nâng cao giá trị hàng hoá nông sản. Một số công nghệ của Nhật Bản đã xâm nhập vào Việt Nam và khẳng định được sự phù hợp cũng như tính ưu việt so với công nghệ Hàn Quốc và một số nước khác trong khu vực. Đặc biệt, với địa hình và khí hậu đa dạng, nhiều vùng nông nghiệp ôn đới và cận nhiệt đới của Việt Nam có sự tương thích cao với các công nghệ Nhật Bản, đây được coi là tiềm năng trong hợp tác chuyển giao công nghệ của hai quốc gia. Ngược lại, mặc dù nên nông nghiệp Nhật Bản khá phát triển nhưng mới chỉ đáp ứng được trên 45% nhu cầu tiêu dùng trong nước và hàng năm vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng nông sản, đây được coi là lợi thế của Việt Nam để mở rộng xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam cần quan tâm đến đổi mới công nghệ, quản lý chặt các khâu trong quá trình sản xuất, tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

            Vì vậy, hợp tác nông nghiệp áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản nhằm hướng tới tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra các nước khác là nhu cầu thiết yếu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như Nhật Bản.

''

TS. Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và BVTV, Bộ Nông nghiệp & Môi trường phát biểu tại Hội thảo

            Tại Hội thảo, các doanh nghiệp Nhật Bản đã giới thiệu một số giống dâu tây chất lượng cao của Nhật Bản (Công ty Growing Mak); kỹ thuật ghép trên cây rau cắm giàn (Tập đoàn Guntane); vi khuẩn quang hợp và vi khuẩn axit lactic cho sản phẩm thực phẩm bền vững (Trường Đại học Sojo and TECH Corp.); chất kích thích sinh học của sản phẩm Bioreator (Công ty Yasaki); giữ sản phẩm nông nghiệp tươi ngon với màng TP-MAP (Công ty Hucckerberry Fin); hướng tới nông nghiệp tuần hoàn bền vững (Công ty Chitose); tái sử dụng tài nguyên địa phương trong kinh tế nông nghiệp và thực phẩm.

''

            Ông Junji Watanabe – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Maruwa Biochemical Co. Ltd phát biểu tại Hội thảo

            Cũng tạo Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và trao đổi thông tin về những tiêu chuẩn để nông sản Việt Nam khi xuất sang thị trường Nhật Bản. Trong đó các sản phẩm rau, hoa quả vẫn là nhóm ngành hàng trọng tâm.

            Các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu khoa học Việt Nam giới thiệu công nghệ cấp đông vải thiều không biến màu (Công ty CP Xuất nhập khẩu Toàn Cầu); đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn quy mô công nghiệp (Công ty Thaco Agri); ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Công ty Sorimachi); ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa tại Lâm Đồng (Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa Đà Lạt).

            Tại Hội thảo, một số doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam cũng đã có những ký kết hợp tác nghiên cứu, ứng dụng cộng nghệ trong nghiên cứu sản xuất nông nghiệp, sản xuất giống cây trồng mới, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác…

''

Ảnh kỷ niệm giữa Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản và khách mời tham dự Hội thảo.

Tin liên quan