12-13/4/2023 - Nhằm góp phần nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ, nông dân địa phương về tái sử dụng phụ phẩm cà phê, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững, Viện KHKH Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện NC Phát triển vùng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội thảo tập huấn “Than sinh học – kỹ thuật sản xuất từ vỏ cà phê và ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp” tại xã Ea Puk, huyện huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cho 50 cán bộ địa phương và nông dân chủ chốt. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án nhỏ “Nâng cao năng lực về sản xuất và sử dụng than sinh học từ phụ phẩm cây trồng (lúa và cà phê) ở quy mô nhỏ tại một số vùng sinh thái tại Việt Nam” - thuộc Chương trình học bổng John Dillon - Việt Nam do ACIAR và Đại học New England tài trợ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho biết: Tây Nguyên là khu vực đất đỏ bazan được đánh giá là thiên đường để trồng cây công nghiệp, đặc biệt là cây cà phê, cao su, tiêu... Trong đó, cà phê được trồng với diện tích 630.000 ha, sản lượng quả tươi hàng năm đạt trên 1,5 triệu tấn. Theo tính toán, lượng vỏ cà phê tại Tây Nguyên mỗi năm khoảng gần 1 triệu tấn. Hiện nay trên vỏ cà phê đã được khá nhiều đơn vị, doanh nghiệp và người dân Tây Nguyên tận dụng để chế biến làm phân hữu cơ đạt chất lượng khá tốt với giá thành chỉ bằng 30% so với phân hóa học bán trên thị trường. Tuy nhiên, việc sản xuất than sinh học từ vỏ cà phê để sử dụng trong nông nghiệp hiện còn rất hạn chế. Hiện nay, sản xuất than sinh học được tạo ra từ các loại phế, phụ phẩm trồng trọt (trấu, rơm, rạ, thân lõi ngô, vỏ cà phê...) được coi là một trong những giải pháp xử lý sinh khối cây trồng hiệu quả, góp phần vào sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Than sinh học được xem là 'vàng đen' cho sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn khi giúp giữ nước, duy trì độ phì nhiêu đất và ổn định suất cây trồng. Ứng dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp cũng là giải pháp đóng góp hiệu quả vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp.
Trong bài phát biểu chào mừng, ông Trần Tùng Sơn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Năng nhấn mạnh: là tỉnh trọng điểm về sản xuất cà phê của Tây Nguyên và cả nước với 210.000 ha cà phê, hàng năm tỉnh Đắk Lắk tạo ra sản lượng hơn 550 nghìn tấn cà phê, nhưng kèm theo đó là lượng phụ phẩm rất lớn với hơn 400.000 tấn cành lá phê tỉa bỏ và 460 nghìn tấn vỏ cà phê. Đây là nguồn vật liệu hữu cơ dồi dào có thể tận dụng để ủ với các nguyên vật liệu (phân chuồng và men vi sinh) khác để tạo thành phân hữu cơ sinh học hay làm than sinh học (biochar) để bón cho cà phê giúp cải tạo đất tốt và lâu dài, giúp nông dân giảm chi phí mua phân hóa học và giữ cho môi trường được bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được TS Ngô Đức Minh giới thiệu về tác động của sản xuất nông nghiệp đến BĐKH và tác động của BĐKH đến sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Tiếp theo, ThS Châu Minh Long giới thiệu về tiềm năng sản xuất than sinh học từ phụ phẩm cà phê tại Tây Nguyên, đặc tính/tính chất của than sinh học làm từ các phụ phẩm cà phê, vai trò và tác dụng của than sinh học trong cải tạo đất và canh tác bền vững. Sau đó, ThS Tạ Thu Hằng trình bày cách phân loại và thu gom phế phụ phẩm trồng trọt để sử dụng cho việc sản xuất than sinh học; các kĩ thuật/công nghệ sản xuất than sinh học từ phụ phẩm trồng trọt. Cuối cùng, TS Bùi Thị Phương Loan trình bày về tiềm năng ứng dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp, các nguyên tắc sử dụng than sinh học bón trực tiếp, cách phối trộn than sinh học với phân hữu cơ động vật hay phân khoáng trước khi bón cho cây trồng; tỷ lệ bón/sử dụng than sinh học và hỗn hợp phân có chứa than sinh học phù hợp cho cây cà phê; và giới thiệu mô hình xử lý phụ phẩm cây cà phê làm than sinh học để bón cho cây và cải tạo đất do Viện Môi trường Nông nghiệp phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk Lăk thực hiện tại xã Ea Tiêu huyện Cư Kuyn tỉnh Đăk Lăk. Trong phần thảo luận, các đại biểu là cán bộ HTX, cán bộ khuyến nông và nông dân trồng cà phê cho biết: trong bối cảnh nguồn phân hữu cơ từ chất thải của gia súc không đủ để đáp ứng cho canh tác nông nghiệp trong khi giá phân bón hóa học tăng rất cao trong những năm qua, thông qua các bài trình bày từ dự án, bà con nông dân rất mong muốn được tiếp cận các kĩ thuật sản xuất than sinh học từ phụ phẩm cà phê (thân cành, vỏ cà phê), giúp nông dân tự tạo ra một chất cải tạo đất giá rẻ, giảm chi phí mua phân khoáng, mà vẫn ổn định được năng suất cây trồng (cà phê, hồ tiêu). Các đại biểu cũng đánh giá cao về kết quả mô hình sử dụng than sinh học phụ phẩm cây cà phê để cải tạo đất và canh tác cà phê bền vững đã thực hiện tại huyện Cư Kuyn, đề xuất nhân rộng mô hình này ra sang huyện Krông Năng và toàn tỉnh Đăk Lăk.
Tiếp theo chương trình hội thảo, dự án đã tổ chức khóa tập huấn kỹ thuật sản xuất than sinh học từ thân lá cà phê và vỏ cà phê. Các học viên được Thạc sĩ Đinh Quang Hiếu hướng dẫn thực hành tại chỗ kĩ thuật sản xuất than sinh học bằng 2 phương pháp/công cụ khác nhau: hun vỏ cà phê bằng ống trụ và đốt yếm khí vỏ cà phê trong thùng phi có ống khói. Trong quá trình thực hành sử dụng công cụ làm than sinh học, các học viên đã được cán bộ tập huấn của dự án trao đổi về ưu điểm và hạn chế của từng phương pháp đốt, từ đó giúp học viên xác định được kĩ thuật/công nghệ làm than sinh học phù hợp với quy mô sản xuất, từng loại vật liệu phụ phẩm trồng trọt sẵn có tại địa phương và nhu cầu, năng lực của nông dân. Sau khi tham gia lớp tập huấn, 100% học viên hiểu về lợi ích của than sinh học và vai trò của than sinh học đối với cải tạo đất; 95% học viên đánh giá nội dung tập huấn bổ ích và thiết thực đối với cán bộ và nông dân địa phương; 90% học viên hiểu rõ các kĩ thuật sản xuất than sinh học giới thiệu tại khóa tập huấn; 95% học viên đánh giá phương pháp hun bằng ống trụ và phương pháp đốt yếm khí trong thùng phi có ống khói dễ áp dụng trong điều kiện sản xuất của địa phương và phù hợp với khả năng đầu tư của hộ gia đình. Kết thúc khóa tập huấn, dự án cam kết sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất thiết bị đốt than cho địa phương và cử cán bộ kĩ thuật hỗ trợ địa phương tổ chức thêm các khóa tập huấn để nhân rộng mô hình sản xuất và ứng dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Krông Năng và toàn tỉnh Đăk Lăk.
(Ngô Đức Minh/Châu Thị Minh Long)
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA HỘI THẢO - TẬP HUẤN





