Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Nỗ lực về đích

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là mục tiêu, nhiệm vụ mà Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Uyên xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội nhằm tận dụng thế mạnh để tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Mục tiêu đến hết nhiệm kỳ, huyện có 7ha diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (trồng trong nhà màng). Đến nay, các cơ quan chuyên môn đã và đang lồng ghép nhiều giải pháp để huyện đạt mục tiêu đã đề ra.

Cùng với đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp khác, thời điểm hiện tại, huyện Tân Uyên đang tăng tốc thực hiện chỉ tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện, trên địa bàn huyện mới có 1,9ha diện tích nhà màng hoạt động thường xuyên, đảm bảo đầu ra ổn định. Có nhiều dự định, kế hoạch đang đặt ra cho ngành Nông nghiệp trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trong đó vấn đề liên kết bao tiêu sản phẩm được các chủ thể quan tâm hàng đầu.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Đình Tuyên - cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện vào thời điểm hầu hết cây trồng trong nhà màng kết thúc vụ, dọn vườn để vào vụ mới. Ngoài tham mưu trực tiếp cho cơ quan nơi anh công tác về nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới sản xuất các giống cây trồng trên diện tích 2.000m2, anh còn chủ động trồng thêm giống dưa mới như: dưa vàng, dưa sữa, dưa lê hàn với diện tích gần 1.800m2. Hiện tại, anh Tuyên đang cùng với cán bộ Trung tâm DVNN huyện đưa giống nho sữa vào trồng trên diện tích 2.000m2 trong nhà màng, sau hơn 1 tháng, cây đã chuẩn bị leo giàn.

Trao đổi với chúng tôi, anh Tuyên cho biết: Thời gian qua, tại một số địa phương của tỉnh đã đưa vào trồng đại trà giống nho hạ đen, bước đầu mang lại kết quả tốt. Trước khi đưa giống nho sữa vào trồng thử nghiệm tiến tới trồng đại trà, Trung tâm DVNN huyện cũng đã tìm hiểu và biết trên thị trường giá nho này hiện khoảng 230-270 đồng/kg và đầu ra không đáng lo ngại. Với quá trình sinh trưởng bước đầu cho thấy giống nho sữa hợp khí hậu, thổ nhưỡng, dù đây là giống cây trồng rất dễ nhiễm nấm, sâu bệnh nhưng được trồng trong nhà màng nên sẽ hạn chế đến mức tối đa sự ảnh hưởng.

''

Vườn dưa vàng của anh Nguyễn Đình Tuyên có nguồn tiêu thụ ổn định mỗi năm.

Được biết, ngoài 1,9ha nhà màng đang hoạt động thường xuyên, đầu ra ổn định cho các sản phẩm do các đơn vị doanh nghiệp lâu năm trên địa bàn huyện và Trung tâm DVNN huyện, cá nhân anh Tuyên thực hiện, thời gian này, các doanh nghiệp tiếp tục liên kết, tìm kiếm nguồn đất đai thuận lợi để thống nhất kỹ thuật, đầu tư trồng dưa vàng. Sở dĩ có sự liên kết này nhờ các chủ thể đã tìm được đầu ra thuận lợi, theo thỏa thuận, các đơn vị thu mua sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để cung cấp sản phẩm thường xuyên, liên tục, đảm bảo cung ứng cho thị trường không bị ngắt quãng. Do vậy, đây chính là điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Tân Uyên. Diện tích nông nghiệp công nghệ cao mà các đơn vị đang thực hiện trồng gồm các giống cà chua: nova vàng, socola, nho xanh và dưa leo baby, dưa lưới cho năng suất và giá bán ổn định. Các doanh nghiệp đang tiến hành san gạt mặt bằng, thiết kế triển khai xây dựng nhà màng với diện tích 3ha tại xã Pắc Ta, nâng tổng diện tích đến hết năm nay dự kiến khoảng 5ha.

Khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà các đơn vị đang gặp phải chính là nguồn vốn đầu tư ban đầu cao; điều kiện giao thông xa trung tâm, quy tụ đất đai khó... Tuy nhiên, sự quan tâm của tỉnh bằng chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cũng giúp các chủ thể phần nào giảm chi phí ban đầu. Canh tác trong nhà màng đã giảm tối đa các chi phí phát sinh về nhân công, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới… Cũng nhờ đó giảm tác hại ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng từ nguồn bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn huyện luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, giúp tối đa các chủ thể xây dựng và phát triển nhà màng.

Về giải pháp trong thời gian tiếp theo, đồng chí Bùi Văn Trung - Giám đốc Trung tâm DVNN huyện khẳng định: Ưu tiên đầu tiên thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng nhà màng, huyện sẽ linh hoạt lồng ghép chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện để thực hiện. Chính quyền địa phương các xã, thị trấn tích cực vận động người dân góp đất giúp doanh nghiệp xây dựng nhà màng, tạo vùng nguyên liệu, tiến tới xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm. Cơ quan chuyên môn thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và sâu sát, nắm bắt, tham mưu tháo gỡ vướng mắc cũng như nhiệt tình hỗ trợ các nhà đầu tư, cố gắng hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2024 xây dựng được 5ha nhà màng.

Đích đến còn dài, mong rằng trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tân Uyên tiếp tục linh hoạt trong lãnh, chỉ đạo, điều hành để đạt được mục tiêu đã xác định. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và nâng cao đời sống người dân.

Thu Trang

Nguồn
https://baolaichau.vn/

Tin liên quan