Ngày 29 tháng 4 năm 2024, Trung tâm Điều phối Hệ thống Lương thực thực phẩm Liên Hợp Quốc, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (ESCAP) tổ chức cuộc họp về ĐÁNH GIÁ TIẾN ĐỘ CHUYỂN ĐỔI HỆ THỐNG LƯƠNG THỰC THỰC PHẨM ở Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Trụ sở ESCAP Bangkok, Thái Lan. Cuộc họp là một phần trong chuỗi sự kiện cấp Khu vực với các Đại diện cấp quốc gia về Hệ thống Lương thực thực phẩm, tiếp nối sau Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống Thực phẩm của Liên Hợp Quốc - Thời điểm Kiểm kê Hệ thống Lương thực thực phẩm Liên hợp quốc (UNFSS+2) diễn ra tại Rome vào tháng 7 năm 2023.
Cuộc họp thu hút sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 70 đại biểu đến từ hơn 10 quốc gia (Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Lào, Brunei, Pakistan, v.v.), cùng với các Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc, các thành viên của Nhóm Liên Hợp Quốc tại Thái Lan và các bên liên quan khác trong mạng lưới hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi hệ thống thực phẩm.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiến trình trong việc đạt được các mục tiêu về an ninh lương thực thực phẩm và dinh dưỡng đã bị trì hoãn so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19 (SOFI, 2023). Đồng thời, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gặp phải những rào cản đáng kể trong việc đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững số 13 (SDG 13) về Hành động cấp thiết để chống lại biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu. Hệ thống lương thực thực phẩm đóng góp một phần lớn vào lượng phát thải nhà kính. Hơn nữa, khu vực này có khả năng chống chịu hạn chế với biến đổi khí hậu do đường bờ biển rộng lớn, nhiều quốc đảo nhỏ và địa hình đa dạng từ vùng ven biển thấp đến vùng núi cao. Thay đổi dân số, bất bình đẳng giới và các hình thức bất bình đẳng khác, cùng với tính dễ bị tổn thương ngày càng gia tăng trong nhóm nông hộ sản xuất nhỏ lẻ đồng nghĩa với việc biến đổi khí hậu đe dọa sức khỏe và sự thịnh vượng của người dân trong khu vực.
Việc áp dụng cách tiếp cận kết hợp giữa ứng phó với khủng hoảng, giữa nhu cầu phát triển trung hạn và những thay đổi cấu trúc dài hạn để chuyển đổi đồng thời xây dựng khả năng phục hồi trước các cú sốc và mối đe dọa trong tương lai là rất quan trọng. Các Đại diện cấp quốc gia ủng hộ việc áp dụng cách tiếp cận hệ thống để giải quyết các mối liên kết giữa hệ thống lương thực thực phẩm và biến đổi khí hậu. Cách tiếp cận này được nhấn mạnh trong Tuyên bố Emirates về Nông nghiệp Bền vững, Hệ thống Lương thực thực phẩm có khả năng phục hồi và Hành động về Biến đổi Khí hậu được thông qua tại COP28, trong đó nhấn mạnh sự quan trọng của việc tích hợp Chuyển đổi Hệ thống Lương thực thực phẩm vào các kế hoạch quốc gia như Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDCs) và Kế hoạch hành động quốc gia (NAPs), đồng thời tích hợp các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu vào quy hoạch hệ thống lương thực thực phẩm.
Cuộc họp cấp khu vực này nhằm hỗ trợ Đại diện cấp quốc gia trong nỗ lực chuyển đổi hệ thống thực phẩm, xem xét lại các cam kết về lương thực thực phẩm và khí hậu hướng tới mục tiêu về môi trường và an ninh lương thực thực phẩm và dinh dưỡng, chuẩn bị cho các sự kiện toàn cầu sắp tới vào năm 2024, đồng thời hướng tới Sự kiện Kiểm kê chuyển đổi hệ thống thực phẩm UNFSS+4 và COP30 dự kiến vào năm 2025.
Ông Đào Thế Anh, thành viên của Đại diện cấp quốc gia về hệ thống thực phẩm tại Việt Nam, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) Việt Nam, cho biết:
Kế hoạch Hành động Quốc gia về Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm năm 2023, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD) phụ trách dự thảo, được chủ trì bởi Phó Bộ trưởng thuộc các Bộ (Bộ Y tế, MARD, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương) cùng sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức khác nhau ở các cấp. Chúng tôi mong muốn tiến hành một loạt các hoạt động liên quan đến hệ thống thực phẩm tại Việt Nam trong thời gian tới bao gồm:
- Nâng cao năng lực và truyền thông về hệ thống thực phẩm.
- Tổ chức các cuộc đối thoại chính sách ở cấp địa phương hỗ trợ việc thực thi kế hoạch hành động quốc gia về Chuyển đổi hệ thống thực phẩm.
- Làm việc với các trường đại học để tích hợp vào chương trình học và đào tạo.
- Tăng cường truyền thông ở các cấp khác nhau.
- Thiết lập Trung tâm đổi mới thực phẩm với cách tiếp cận từ dưới lên và tập trung vào doanh nghiệp, người sản xuất quy mô nhỏ.
- Tích hợp phát triển hệ thống thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng thuộc chương trình hành động quốc gia Không còn nạn đói vào các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo ở các khu vực còn khó khăn.
- Nghiên cứu hệ thống chỉ số theo dõi và đánh giá Kế hoạch hành động Chuyển đổi hệ thống thực phẩm.
PGS. TS Đào Thế Anh - Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam