Hội thảo tham vấn kỹ thuật Dự án Hệ thống lương thực thực phẩm sinh thái

Sáng ngày 24/1/2024, tại Khách sạn Pan Pacific, Quận Ba Đình, Hà Nội, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp với Đại học Galway Ireland, Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế, RIKOLTO - Việt Nam và Trường Đại học Wageningen của Hà Lan (WUR) đã tổ chức Hội thảo tham vấn kỹ thuật dự án Hệ thống lương thực thực phẩm sinh thái.

 Dự án Hệ thống lương thực thực phẩm sinh thái tiến hành nghiên cứu nhằm hỗ trợ các tổ chức và cơ quan trong hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam có thể đẩy nhanh sự chuyển đổi trong người tiêu dùng thực phẩm tại khu vực thành phố Hà Nội sang chế độ ăn uống bền vững hơn (ít dấu chân môi trường hơn), lành mạnh và giá cả phải chăng hơn. Dự án đặc biệt hướng tới việc hợp tác với các đối tác nhằm cải thiện sức khỏe người dân và cộng đồng đang bị thiệt thòi về mặt dinh dưỡng do chế độ ăn uống của họ. Nhóm đối tượng có thể bao gồm những người tiêu dùng thực phẩm bị suy dinh dưỡng hoặc những người có chế độ ăn uống và lối sống dẫn đến thừa cân và béo phì (góp phần làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch).

1

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Trong phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng cách tiếp cận hệ thống lương thực phẩm giữa các Bộ, ngành và các bên liên quan. Ông chỉ ra rằng Việt Nam là quốc gia tiên phong trên toàn cầu trong việc áp dụng cách tiếp cận hệ thống lương thực thực phẩm thông qua các chính sách, kế hoạch và Bộ liên quan. Đóng góp vào những nỗ lực này có sự tham gia của ông Jesus Lavina, Phó Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, người đã nêu bật những bài học kinh nghiệm từ chiến lược trang trại đến bàn ăn của EU, một thành phần quan trọng của Thỏa thuận Xanh của EU.

1

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu khai mạc

PGS.TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp người nghèo tiếp cận thực phẩm lành mạnh, bền vững và giá cả phải chăng. Ông kêu gọi Dự án Hệ thống lương thực thực phẩm sinh thái hợp tác chặt chẽ với các Bộ của Chính phủ và các bên liên quan để xác định các lựa chọn dựa trên minh chứng về lộ trình và chính sách chuyển đổi.

3

Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội khẳng định tầm quan trọng của Hà Nội trong hệ thống lương thực quốc gia, và mối liên hệ của thành phố đối với sản xuất và tiêu dùng thực phẩm. Ông cũng nhấn mạnh cơ hội và các hoạt động hướng tới cách tiếp cận hệ thống lương thực thực phẩm được đưa vào Kế hoạch tổng thế Phát triển Thủ đô Hà Nội 2050 nhằm đảm bảo rằng chế độ ăn uống, lối sống và môi trường thực phẩm lành mạnh có thể hỗ trợ những công dân khỏe mạnh và việc tiêu thụ thực phẩm cũng góp phần vào các mục tiêu về khí hậu và môi trường.

4

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

GS. Charles Spillane - Trưởng Dự án Hệ thống lương thực thực phẩm sinh thái, Giám đốc Viện Rya tại Đại học Galway ở Ireland, nhấn mạnh: "Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng về an ninh lương thực và dinh dưỡng trong những thập kỷ qua. Với những khu vực dân số thành thị ngày càng tăng như tại Hà Nội, nhu cầu được cung cấp lương thực thực phẩm từ các cộng đồng vùng nông thôn sôi nổi ngày càng tăng cao. Đây là nơi nông dân và nông hộ xây dựng cuộc sống ổn định nhờ nông nghiệp và chuỗi giá trị thực phẩm, trong khi đó họ vẫn phải cố gắng giảm thiểu tác động của lương thực thực phẩm lên môi trường và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu từ nguồn thực phẩm mà sản xuất. Chế độ ăn uống lành mạnh giúp con người có cơ thể khỏe mạnh. Song tất cả các tổ chức trong hệ thống lương thực thực phẩm tại thành phố Hà Nội đều đang đối mặt với một thách thức chung đó là làm thế nào để mọi người dân, từ trẻ đến già, từ giàu đến nghèo, đều có thể tiếp cận chế độ ăn uống lành mạnh với  giá cả phải chăng. Lương thực thực phẩm trong chuỗi phải được sản xuất và cung cấp với điều kiện ít ảnh hưởng tới môi trường nhất. Dự án của chúng tôi nhằm tiến hành nghiên cứu để các tổ chức đối tác có thể định hướng tốt hơn quá trình chuyển đổi chế độ ăn uống này nhằm đảm bảo cho thế hệ hiện tại và tương lai được khỏe mạnh".

5

Trưởng Dự án Hệ thống lương thực thực phẩm sinh thái, GS. Charles Spillane, Giám đốc Viện Rya tại Đại học Galway ở Ireland phát biểu tại Hội thảo

Mark Lundy, Đồng điều tra viên của Dự án Hệ thống lương thực thực phẩm sinh thái và Trưởng nhóm Hành vi & Môi trường Thực phẩm Toàn cầu tại Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế cho biết thêm: “Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế rất vui mừng được tham gia vào Dự án Hệ thống lương thực thực phẩm sinh thái với mục tiêu tập trung vào việc liên kết hệ thống sản xuất sinh thái nông nghiệp bền vững với chế độ ăn uống đa dạng và lành mạnh cho người tiêu dùng. Chúng tôi hy vọng có thể giúp xác định các tín hiệu thị trường rõ ràng từ người tiêu dùng để khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp sản xuất sạch, các nhà thu mua có thể cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nhà bán lẻ có thể đảm bảo khả năng tiếp cận tốt và khả năng chi trả cho tất cả người tiêu dùng. Công việc này khá tương thích với Kế hoạch hành động quốc gia về hệ thống thực phẩm. Chúng tôi mong muốn được làm việc với các đối tác quan trọng tại Việt Nam để xem dự án có thể trở thành một minh chứng cho sự chuyển đổi như thế nào.”

6

Ông Mark Lundy, Đồng điều tra viên của Dự án Hệ thống lương thực thực phẩm sinh thái phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các tổ chức hệ thống thực phẩm Việt Nam đã cùng nhau xác định và thống nhất các ưu tiên nghiên cứu chính nhằm lấp đầy những lỗ hổng về kiến thức. Bên cạnh đó, cung cấp các công cụ tốt hơn giúp các tổ chức và tác nhân trong chuỗi sản xuất thực phẩm - tiêu dùng, bao gồm cả chất thải thực phẩm, giúp người tiêu dùng chuyển đổi sang chế độ ăn uống lành mạnh hơn, bền vững hơn với giá cả phải chăng hơn. Các ưu tiên nghiên cứu được xác định tại Hội thảo sẽ cung cấp thông tin về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững và chuyển đổi chế độ ăn uống ở Việt Nam. Những thay đổi này phù hợp với các chính sách quốc gia của đất nước và Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống thực phẩm. Kế hoạch này hướng tới sự minh bạch, trách nhiệm và bền vững vào năm 2030.

Một số hình ảnh các đại biểu thảo luận tại Hội thảo:

88

 

9

 

Tin liên quan