Tác động của COVID 19 đến nông nghiệp, nông thôn
Năm 2020, nông nghiệp nước ta đã gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan và thị trường nông sản thế giới suy giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế, thị trường, lao động việc làm, thu nhập, an sinh xã hội ở khu vực nông thôn và đặc biệt tác động tiêu cực tới các chuỗi cung ứng nông sản, nhất là xuất khẩu nông sản. Thời gian trước đại dịch Covid-19, các hộ nông dân có nguồn thu chủ yếu dựa vào nông nghiệp gặp phải những cú sốc lớn chiếm tới 1/3 tổng số hộ. Các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm từ nông thôn bị đứt gãy, đặc biệt là các chuỗi dài và xuất khẩu. Trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, nhiều nước đã bị khủng hoảng hoặc thiếu lương thực. Nhờ phát triển tốt, nông nghiệp Việt Nam đã đảm bảo được an ninh lương thực và trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng tạo sự ổn định để giúp Việt Nam có thể ngăn chặn được tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra.
Mặc dù lệnh giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới ảnh hưởng đến hàng hóa đầu vào và ra khiến doanh nghiệp có nguy cơ mất thị trường; song kim ngạch xuất khẩu 11 mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam chỉ giảm 3,4% so với 6 tháng đầu năm 2019; riêng mặt hàng gạo tăng gần 18% và cà phê tăng 11,7%.
Phân tích tổng sản phẩm trong nước tạo ra trong 6 tháng đầu năm 2020 cho thâý, ngành nông nghiệp dường như ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 mà chủ yếu là do tác động của thiên tai và dịch bệnh đến cây trồng và vật nuôi. Nhờ vào kinh nghiệm chống hạn, mặn rút ra từ những năm trước, sản lượng lúa thu hoạch vẫn gia tăng, chăn nuôi bước đầu phục hồi, thủy sản và lâm nghiệp tăng khá, giúp cho ngành phục hồi ngay trong đại dịch.
Kết quả khảo sát nhanh 1300 hộ nông thôn có hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp trong các dự án của IFAD cho thấy, hoạt động phi nông nghiệp ở khu vực nông thôn bị tác động động tiêu cực nhất với 73% bị giảm thu nhập với mức giảm trung bình tới 46,8%. Tiền lương và thu nhập từ nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng với hơn ½ số người bị giảm trung bình tới 38,3%. Ngoài ra, 15% số hộ bị giảm thu nhập từ trợ cấp với mức giảm 35,9%. Kết quả khảo sát còn cho thấy, 52% số hộ bị giảm thu nhập từ sản xuất nông nghiệp ở mức 29,4% (IFAD, IPSARD, ADB, 2020).

Thu hoạch cá tra xuất khẩu ở thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp)_Ảnh: Huỳnh Trung Hiếu
Đứt gẫy các chuỗi cung ứng nông sản
Do nhiều vùng nông thôn không bị lây nhiễm Covid nên tâm lý xã hội giữ được sự ổn định, sản xuất và tiêu dùng tại chỗ ít bị ảnh hưởng so với ở các đô thị. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ liên quan tới đô thị và xuất khẩu đã chịu ảnh hưởng do suy giảm thị trường tiêu thụ. Tác động rõ nét nhất của dịch Covid-19 đến nông nghiệp là làm đứt đoạn các chuỗi cung ứng. Trước hết là những ngành hàng phải nhập khẩu đầu vào nhiều như thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm tới 12%, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu giảm 10,6%; phân bón giảm 9,9%; thuốc trừ sâu và nguyên liệu giảm 25,6.
Dịch Covid-19 và những biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới đã và đang tác động đến thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu với những ảnh hưởng khác nhau. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019, cá biệt có những mặt hàng giảm mạnh như cá tra (giảm 39%), cao su (giảm 30%), trái cây (giảm 21%),... ; giá nông sản, đơn hàng của hầu hết các mặt hàng đều giảm sâu hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khi nhiều nước còn phải chịu những tác động mạnh hơn nhu Thái lan, Philippin, Indonesia.
Tận dụng cơ hội tái cơ cấu thị trường
Trong 6 tháng đầu năm 2020 tại Việt Nam,giá gạo xuất khẩu đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm gần đây; kim ngạch xuất khẩu lúa gạo 6 tháng đầu năm đạt 1,7 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đại dịch Covid-19, cơ cấu và thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam đã có những thay đổi, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Đến nay, nhiều nước trên thế giới còn hạn chế lưu thông hàng hóa, điều này có thể gây khó khăn cho doanh nghiêp trong tìm kiếm thị trường và theo dự báo, xuất khẩu các mặt hàng nông sản nửa cuối năm nay vẫn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là các thị trường chủ lực Trung quốc, Mỹ, EU. Tại thị trường trong nước, việc tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu không bị ảnh hưởng nhiều. Trong các siêu thị, mặt hàng gạo tăng tới 30%; nhu cầu sản phẩm thịt tương đối ổn định, riêng giá thịt lợn vẫn cao do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; nhu cầu rau quả, sau khi giãn cách xã hội được gỡ bỏ đã ổn định trở lại.
Trong hoàn cảnh COVID 19, cũng có những điểm sáng về thị trường quốc tế như Hiệp định thương mại EVFTA đi vào thực thi. Trong điều kiện dịch bệnh thì ngoài lúa gạo được giá các nông sản khác đều gặp khó khăn trong tiêu thụ. Kinh nghiệm thích ứng của ngành gạo Việt nam với thay đổi của thị trường có thể cho chúng ta một số ý tưởng về giải pháp tái cơ cấu thị trường nông sản.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo đạt 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011. Giá gạo 5% tấm Việt Nam tăng từ 470 USD/tấn lên 480-490 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2011, ngang với gạo Thái lan. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 487,2 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Về cơ cấu thị trường cũng có thay đổi, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với 35,3% thị phần. Trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,5 triệu tấn và 688,3 triệu USD, tăng 2,7% về khối lượng và tăng 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Các thị trường có trị giá xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất gồm Senegal (gấp 19,8 lần), Indonesia (gấp 3,1 lần) và Trung Quốc (tăng 84%). Trong khi thị trường có trị giá xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Iraq (giảm 61,2%).
Đặc biệt với cơ hội mới mở của thị trường EU, trong tháng 8/2020, mức giá xuất khẩu gạo Việt sang thị trường EU đã chạm tới con số kỷ lục hơn 1.000 USD/tấn sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8. Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine. Đáng chú ý, giá gạo ST20 mà Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất khẩu sang EU đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn. Trong khi đó trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU khoảng chỉ khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine 520 USD/tấn. Việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2020 diện tích gieo trồng lúa là hơn 7, 3 triệu ha với sản lượng dự kiến đạt 43,5 triệu tấn thóc. Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp, để hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 như trên đảm bảo cho các nhu cầu cân đối lớn. Nhu cầu tiêu thụ thóc trong nước là 30 triệu tấn thóc trong đó, tiêu thụ của người dân là 14,3 triệu tấn thóc; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn thóc; phục vụ chăn nuôi là 3,4 triệu tấn thóc; dùng làm giống, giống dự phòng là 1,0 triệu tấn thóc; dự trữ trong nước là 3,8 triệu tấn thóc. Với xuất khẩu, dự báo sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5-6,7 triệu tấn gạo, tương đương 13-13,5 triệu tấn thóc.
Trong khi đó nhu cầu gạo của thế giới lại tăng lên trong điều kiện dịch COVID19 hoành hành. Theo thông tin dự báo tháng 8/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 495,7 triệu tấn, giảm khoảng 0,2% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 490,9 triệu tấn, tăng khoảng 1,4% so với năm 2019.
Để tận dụng cơ hội của thị trường EU với ưu đãi thuế 0% cho hạn ngạch 80.000 tấn gạo thơm/năm, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU. Nghị định này đảm bảo được độ thuần và tính đúng giống của gạo thơm xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu xuất gạo thơm sang EU để được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch; Phù hợp với định hướng phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng ngành lúa gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bộ NN&PTNT đã ban hành ngay hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục làm chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU với 9 giống lúa thơm được hưởng hạn ngạch về thuế quan gồm: Jasmine 85; ST5; ST20; Nàng Hoa 9; VĐ20; RVT; OM 4900; OM 5451; Tài nguyên Chợ Đào. EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Bên cạnh đó, EU sẽ mở cửa hoàn toàn đối với gạo tấm, với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đây là một bước tiến lớn về tái cơ cấu thị trường gạo trong điều kiện COVID 19, các nước khác đang gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu, kể cả Thái lan, đối thủ cạnh tranh chính của Việt nam ở thị trường gạo Châu Âu.

Dây chuyền vắt sữa bò tại Trang trại bò sữa Vinamilk ở xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định_Ảnh: TTXVN
Một số giải pháp tái cơ cấu thị trường
Đại dịch COVID19 năm 2020 tiếp đó chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã làm thay đổi rất nhiều hoạt động kinh tế và thị trường nông sản trên thế giới. Nông nghiệp Việt nam dựa trên hoạt động xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng nặng nề, tuy vậy cũng đã nhanh chóng tìm được cơ hội để thích ứng và tái cơ cấu thị trường. Một số giải pháp cần chú ý có thể thảo luận dưới đây.
Phát triển nâng cấp các chuỗi giá trị trong nước và chế biến
Năm 2020 xuất khẩu giảm do ảnh hưởng từ Covid-19 vì vậy nông sản Việt đang chuyển hướng tới thị trường trong nước chất lượng cao và chế biến. Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy thị trường trong nước là chất lượng thấp. Về chiến lược, đây là cơ hội để năng cấp chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm lên thành các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thực tế là thị trường phân phối nông sản trong nước thông qua các kênh chất lượng cao, đảm bảo ATTP cung cấp cho các đô thị hiện còn chiếm thị phần rất thấp khoảng 20%. Cá tra là sản phẩm chủ lực của ĐB sông Cửu Long được các doanh nghiệp kết nối tiêu thụ tại miền Bắc. Các doanh nghiệp sản xuất lớn, trước đây thường chỉ đẩy mạnh xuất khẩu do doanh nghiệp chỉ cần cung cấp cho một đầu mối và số lượng lớn, nay cần đa dạng hoá dựa trên phát triển mạng lưới phân phối trong nước. Như vậy về lâu dài, cơ cấu thị trường đa dạng trong và ngoài nước sẽ giúp cho doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với các rủi ro về thị trường trong tương lai. Các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đã tham gia chuỗi gía trị toàn cầu hoạt động chuyên nghiệp, nay chuyển sang thị trường trong nước sẽ phải đầu tư xây dựng các chuỗi giá trị mới, điều chỉnh lại tiêu chuẩn, quy cách sản phẩm, mẫu mã cho phù hợp hơn với khách hàng trong nước. Việc liên kết giữa doanh nghiệp với các hệ thống phân phối lớn, chia sẻ các rủi ro là hết sức cần thiết và có lợi cho tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị. Một số tái cây xuất khẩu tươi, thu hoạch theo mùa vụ như vải thiều, nhãn lồng…, khi việc hạn chế giao thương đi lại với Trung quốc gây khó khăn cho xuất khẩu đã chuyển sang chế biến, kết hợp với phân phối trong nước. Tuy nhiên hạn chế lớn nhất là công nghệ chế biến sâu và sau thu hoạch của chúng ta còn yếu, ngoại trừ một số doanh nghiệp chế biến lớn đã đầu tư nhưng còn ít so với nhu cầu nông sản cần chế biến.
Xuất khẩu đa dạng hoá thị trường chất lượng cao, giảm phụ thuộc vào thị trường tiểu ngạch
Về xuất khẩu, việc bị hạn chế thị trường tiểu ngạch chủ yếu sang Trung quốc đã thúc đẩy các doanh nghiệp tìm đến các thị trường cao cấp hơn, và đang có nhu cầu nông sản lớn như Mỹ, Nhật bản, Hàn quốc, Úc, EU…Các doanh nghiệp xuất khẩu, cà phê, hạt tiêu đi các thị trường châu Âu và Mỹ hầu hết là giao dịch trực tuyến với khách hàng, đưa đến các siêu thị với đường xuất khẩu chính ngạch do đó không ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh, tuy nhiên có một số khoá khăn như khách hàng xin thanh toán chậm. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản cũng cần tái cơ cấu lại, tập trung vào đường xuất khẩu chính ngạch, áp dụng công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường mới và hướng tới các thị trường mới, giao dịch qua sản và bằng các hợp đồng tương lai.
Rủi ro về thị trường khiến chúng ta xem xét lại chiến lược cần mở ra các thị trường mới đảm bảo tính ổn định, tận dụng tốt lợi thế của các Hiệp định thương mại. Nông sản của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Đây chính là cơ hội để đầu tư nâng cấp các chuỗi giá trị nông sản bền vững hơn như xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn, đầu tư công nghệ sau thu hoạch hay chế biến và áp dụng IOT và blockchain trong truy xuất thông tin và nguồn gốc sản phẩm.
Với các thị trường cao cấp như EU thì chiến lược đa dạng sản phẩm địa phương, bản địa nhưu Chỉ dẫn địa lý có nhu cầu cao. Hiện chúng ta có 80 Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, nhưng mới có 39 sản phẩm được bảo hộ tại EU. Vì vậy trong tương lai chúng ta cần đàm phán tiếp và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm địa phương OCOP, hữu cơ sang thị trường tiềm năng này.
Tóm lại, trong mối nguy của đại dịch COVID 19, nông nghiệp Việt nam đã tìm thấy cơ hội phát triển các chuỗi giá trị hướng đến các thị trường cao cấp trong và ngoài nước nhằm gia tăng giá trị và thương hiệu cho nông sản Việt. Trong quá trình này các chính sách của nhà nước như liên kết, phát triển HTX, đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch được triển khai có hiệu qủa hỡ trợ cho doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân là hết sức cần thiết.