Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan còn được biết đến là một cây viết quen thuộc với bút danh “Xích lô”. Hàng trăm bài viết đã được tư lệnh ngành Nông nghiệp chấp bút với nhiều tâm tư, nhưng trong đó, nặng lòng nhất vẫn là câu chuyện về nông nghiệp, nông thôn và người nông dân.
Nhà báo truyền năng lực tích cực
Nhà báo có mấy cấp độ. Trước đây, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận, cơ quan tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. “Tuyên truyền” tức là một chiều, chỉ nói thôi. Sau đó báo chí đã chuyển sang hai chiều và đa chiều, nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ, khía cạnh, trở thành kênh thông tin truyền dẫn có sự tương tác 2 chiều, chiều ở trên xuống dưới và ngược lại, chiều ở trong ra ngoài và ngược lại.
Người ta nói làm lãnh đạo mà không có kênh tuyên truyền thì đã bị tắc ở một chiều nào đó. Lãnh đạo phải dựa vào thông tin. Sau này càng thấy rằng sứ mệnh báo chí còn cao hơn rất nhiều - đó là sứ mệnh dẫn dắt cảm xúc của xã hội để tạo thành niềm tin, kết tỏa năng lượng cho xã hội - đó gọi là báo chí xây dựng.
Báo chí không chỉ đơn giản là mô tả, không chỉ là kể chuyện, không chỉ là phản ánh hiện thực khách quan mà thông qua hiện thực khách quan đó khiến người đọc cảm thấy rằng mình ở trong đó và chính mình cũng phải thay đổi. Sứ mệnh đó rất cao cả, mỗi nhà báo cần cảm thấy tự hào, theo đuổi được sứ mệnh đó, tạo ra niềm tin xã hội.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan
Báo chí tạo ra năng lượng dồi dào cho người nông dân
Làm nông nghiệp còn bị tác động bởi biến đổi khí hậu, mưa giông, ngập úng, hạn hán…, còn thị trường thì biến động không ngừng, lúc mở lúc đóng, rồi cả trăm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm buộc phải tuân thủ nếu muốn đưa nông sản ra thị trường. Chúng ta đang có khoảng 14 triệu nông dân, hãy thử tưởng tượng mỗi người đều bị ức chế bởi những thông tin tiêu cực hàng ngày thì họ sẽ thấy rằng mọi khó khăn không phải do mình mà do ngoại cảnh, do thị trường, do Nhà nước, do cơ quan quản lý, do ông trời, do mặt đất. Người ta ngồi oán, oán xóm giềng, làng xã không chăm lo cho người nông dân. Khi rơi vào tình thế đó sẽ dễ xúc động, luôn nghĩ mình là người thiệt nhất.
Như vậy, rõ ràng chúng ta không phải chỉ là người mô tả hiện thực khách quan mà chúng ta phải làm sao để người nông dân thấy rằng có một con đường khác để đi nếu như bản thân người nông dân thay đổi. Muốn thay đổi nền nông nghiệp phải giúp cho người nông dân thay đổi trước, bởi người nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Rõ ràng tất cả những tác phẩm báo chí của chúng ta phải hướng tới, tạo ra năng lượng dồi dào cho người nông dân, truyền cho người nông dân năng lượng tích cực. Trong cái khó chúng ta vẫn phân tích về cái khó đó, nhưng phần bình, phần kết cho thấy điều tích cực, một con đường dù khó nhưng có thể vượt qua.
Khi tác nghiệp hãy nhìn vào người nông dân
Chúng ta nhìn lại sứ mệnh của mình, chứ không chỉ diễn tả những cái mà để người nông dân dẫn tới những suy nghĩ không nhìn thấy con đường thoát, những suy nghĩ tiêu cực kiểu như “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa đi quét lá đa”. Báo chí phải chứng minh ngược lại, có nhiều nông dân thành đạt từ hai bàn tay trắng.
Khi cầm bút viết ra tác phẩm báo chí phải thấy được chiều sâu, chứ đừng viết để người nông dân thấy được và suy nghĩ người đó thành công vốn dĩ đã giàu; phải viết để người nông dân thấy được nhân vật trước kia nghèo, nhưng trồng chuối trải qua bao khó khăn gian khổ nay đã thành công. Như vậy chúng ta đã truyền cảm xúc tích cực cho nhiều người nông dân để họ cùng cố gắng vươn lên.
Song, để làm được như vậy thì nhà báo cũng cần thay đổi, thay đổi từ trong tác phẩm báo chí của chúng ta. Muốn như vậy, muốn truyền cảm xúc tích cực cho người khác thì mình cũng phải tích cực. Người ta nói, người thành công cố gắng tìm người lạc quan mà chơi, chứ “bệnh than” hay dễ bị lây lan, người này than được nhưng ở vị thế người nghe cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc đó.
Nhà báo phải thấy rõ, mục tiêu bài viết của mình là gì, để diễn tả hiện thực khách quan thì sẽ khác, mà muốn thông qua tác phẩm báo chí đó chúng ta dẫn dắt sự thay đổi, dù thay đổi đó bao giờ bắt đầu cũng đầy khó khăn. Có thể chỉ là một đốm lửa nhỏ thôi. Tôi cũng muốn chia sẻ với các nhà báo khi tác nghiệp, chúng ta đừng chỉ nhìn vào đám ruộng, bờ ao… mà hãy nhìn vào người nông dân, hãy so sánh người nông dân ở chỗ này rồi chỗ khác. Lý giải tại sao trong cùng một điều kiện như nhau nhưng có người lại giàu lên, có người lại tụt hậu. Chúng ta cần đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi ấy!
Viết báo để đến gần trái tim người nông dân
Nhiều người cứ hỏi tôi đề tài viết báo ở đâu, đề tài tôi viết ra đều từ sự trắc ẩn, từ việc đặt câu hỏi tại sao và tại sao? Mỗi cái tại sao là một đề tài. Người ta nói, biết đặt câu hỏi đúng còn giá trị hơn là các giải pháp. Nhiều khi không biết đặt câu hỏi, tức chúng ta chấp nhận hiện thực đó rồi. Nhưng chúng ta suy nghĩ, đặt chiều sâu vào câu hỏi đó thì ngòi bút của mình sẽ chăm chút hơn, để kích hoạt tất cả những gì xưa giờ hiện thực khách quan nó phủ đi mình ko thấy được.
Nhà báo phải có không gian, tầng văn hóa, tầng cảm xúc và tầng năng lượng, rồi có kiến thức. Có người nói làm báo để đến gần trái tim nhân loại hơn, với tôi nhân loại xa quá không đến nổi thì mình viết báo để đến gần trái tim của người nông dân hơn, để tạo niềm tin, cảm xúc tích cực cho bà con nông dân, sau đó mình dẫn dắt các mô hình này mô hình kia.
Báo chí mà làm cho những người nông dân nặng lòng trong lúc họ thất bại thì lại càng tiêu cực, bi quan hơn. Cảm xúc, năng lượng tạo ra năng lực. Năng lượng là nguồn lực con người trong xã hội. Báo chí khai mở được những năng lượng, nguồn lực đó thì sẽ thành công và ngược lại. Tất nhiên chúng ta không chỉ tô hồng, chúng ta vẫn phản ánh hiện thực khách quan nhưng cuối cùng vẫn phải mở một con đường tạo niềm tin xã hội. Mỗi người chúng ta sống không chỉ bằng trí tuệ mà bằng cả cảm xúc. Cảm xúc quyết định bài báo, chất lượng tác phẩm báo chí của chúng ta.
Tôi đã từng viết báo, có nhiều bài đăng trên báo. Mỗi khi tôi viết bằng cảm xúc của người dân, muốn vậy thì phải gặp người dân. Chúng ta đừng nhìn những ô ruộng để mô tả, hãy nhìn người trồng lúa ở trong những ô ruộng đó. Nhiều khi một sự trắc ẩn, một câu nói của nông dân thôi cũng là một câu chuyện, một đề tài. Ví như có lần tôi nói chuyện với nông dân, có người nói: “Cái số tôi nó vậy rồi”, tôi về viết câu chuyện “cái số”. Tôi thường gõ những từ khóa về cảm xúc lưu lại, tối về hoặc khi ngồi trên chuyến bay tôi nối những cảm xúc đó lại, tìm hiểu. Như vậy là mình học và mình nghĩ mình học được bà con cũng học được. Vậy nên viết báo để chia sẻ với bà con nông dân. Xuất phát điểm nó đơn giản như vậy thôi chứ tôi cũng không qua trường lớp đào tạo làm báo chuyên nghiệp như nhiều nhà báo hiện nay.
Một bài báo phải tích hợp được nhiều thông tin, tri thức ở trong đó. Nhà báo thời nay tôi dùng từ “đa nhiệm”, nhà báo không chỉ đơn thuần là nhà báo mà còn phải là nhà văn, nhà tâm lý, nhà xã hội học… Mỗi bài báo trở thành một tác phẩm báo chí. Nhưng nhà báo phải biết viết Nghị quyết thành ngôn ngữ báo chí chứ đừng viết báo thành ngôn ngữ Nghị quyết...