Những quy định quản lý về môi trường trong thực hiện Luật Chăn nuôi

Ngày 19/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Chăn nuôi tại Văn bản Luật số 32/2018/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Đây là văn bản luật cao nhất trong quản lý về chăn nuôi trong đó có nhiều quy định về quản lý môi trường trong chăn nuôi nhằm đảm bảo phát triển bền vững ngành chăn nuôi, bảo vệ môi trường.

Đối với sử dụng chất, vật chất: Thay vì 7 hành vi như trong Pháp lệnhĐiều 12 Luật chăn nuôi quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm đặc biệt sử dụng chất, vật chất, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi. Việc sử dụng chất, vật chất, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại, thu lợi nhuận sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vật nuôi và gián tiếp gây ảnh hưởng đến môi trường và người sử dụng đều bị nghiêm cấm nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và vật nuôi, bảo vệ môi trường chăn nuôi. Điều 12 của Luật quy định không chăn nuôi vật nuôi ở nơi không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường. Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người nhằm đảm bảo vệ sinh, bảo vệ môi trường và phòng tránh dịch bệnh. Luật còn quy định rõ các cơ sở chăn nuôi phải có biện pháp xử lý chất thải, tiếng ồn trong chăn nuôi trang trại và nông hộ, quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đúng quy định để kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, giải quyết vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Có thể thấy rằng, những quy định trong Luật Chăn nuôi liên quan đến quản lý môi trường chăn nuôi, liên quan đến vật nuôi và cơ sở chăn nuôi. Đây là cơ sở để góp phần quản lý nguồn gây ô nhiễm môi trường, tiến tới giải quyết tận gốc nguồn gây ô nhiễm môi trường đối với các hoạt động chăn nuôi.

Trên cơ sở Luật Chăn nuôi 2018, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 Hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật Chăn nuôi. Điều 30, Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định đối với sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi lưu thông trên thị trường phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và phải được công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp PTNT trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường. Nếu có chứa chất mới chưa qua khảo nghiệm ở Việt Nam thì trước khi sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam phải thực hiện khảo nghiệm trước khi công bố. Điều 31, Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định về khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôiĐiều 32, Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Luật Chăn nuôi về cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người và môi trường, có thiết bị thu gom và xử lý chất thải trong quá trình sản xuất bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất và hệ thống kiểm soát chất.

Có thể thấy rằng với việc ban hành và đưa vào thực hiện Luật Chăn nuôi, Nghị định 13/2020/NĐ-CP là cơ sở quan trọng để tăng cường phát triển ngành chăn nuôi, gắn kết với bảo vệ môi trường, tiến tới phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng ngành chăn nuôi và bảo vệ môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan quản lý chăn nuôi của các Bộ/Ngành, các địa phương tổ chức thực hiện. Đồng thời, trên cơ sở quy định của pháp luật để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ chăn nuôi tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường chăn nuôi để các hoạt động chăn nuôi không chỉ tăng về hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ cảnh quan, môi trường để ngành nông nghiệp mãi xanh, sạch đẹp./.

 

Nguyễn Đức Hiếu

Viện Môi trường Nông nghiệp