Nhìn rõ con đường nông nghiệp Việt vào thị trường khó tính

Để xuất khẩu được vào các thị trường khó tính, theo PGS.TS Dương Văn Chín, từng doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên, Nhà nước chỉ hỗ trợ.

Hai điểm sáng

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 được Tập đoàn Lộc Trời công bố, tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận Lộc Trời vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với năm trước với doanh thu thuần đạt 7114 tỷ đồng, tăng 79%; lợi nhuận sau thuế 262 tỷ đồng, tăng 29,2%. Biên lãi ròng đạt 3,7%, giảm so với mức 5,1% cùng kỳ 2020.

Ngành lương thực, một trong 3 ngành chủ đạo của Lộc Trời (gồm Vật tư Nông nghiệp – Dịch vụ Nông nghiệp – Lương thực) đã vươn lên dẫn đầu trong cơ cấu doanh thu với giá trị 3.249 tỷ đồng, chiếm 46% tổng doanh thu toàn tập đoàn, tăng trên 260% so với mức 887 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Lộc Trời đã xuất khẩu thành công hơn 10.000 tấn gạo các loại sang EU, chủ yếu là Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, là doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu gạo sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA, chiếm gần 70% lượng gạo xuất khẩu vào thị trường này. Sản phẩm gạo của Tập đoàn Lộc Trời đã được xuất khẩu đi hơn 20 quốc gia thuộc nhiều châu lục.

Trong khi đó, doanh thu quý III/2021 của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đạt 500 tỷ đồng. Tuy giảm 8% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 40 tỷ đồng, tăng 66%. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất kể từ khi doanh nghiệp này được niêm yết lên sàn HNX vào năm 2019 (mã chứng khoán: TAR)

Là doanh nghiệp đi đầu thực hiện mô hình cánh đồng lớn, và có diện tích trồng lúa sạch, hữu cơ lớn ở Việt Nam, đến nay, gạo của Trung An đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như, trong đó có các thị trường khó tính như EU, Mỹ...

Mới đây nhất, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An lại trúng thầu xuất khẩu 15.000 tấn gạo 100% tấn dùng làm nguyên liệu sản xuất bia sang thị trường Hàn Quốc với giá trúng thầu đạt 369 USD/tấn (giá FOB).

Theo báo giá do Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) công bố, gạo 100% tấm hiện được chào bán với giá 338 USD/tấn (giá FOB). Nếu so với mức giá này thì giá trúng trầu của Công ty Trung An cao hơn 31 USD/tấn.

Theo lãnh đạo Công ty Trung An, từ đầu năm 2021 đến nay, công ty đã trúng thầu xuất khẩu tổng cộng 48.763 tấn gạo các loại sang thị trường Hàn Quốc, chiếm đến 83% so với tổng khối lượng mà Hàn Quốc chào thầu dành cho gạo Việt Nam.

Trên đây là hai điển hình thành công trong số ít doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Thống kê tại diễn đàn Phát triển Hệ sinh thái: Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diễn ra hồi cuối năm 2020, đến nay, cả nước mới chỉ có 46 doanh nghiệp được các cơ quan có thẩm quyền công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Dù phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là hướng đi cho nông nghiệp Việt Nam trong tương lai và chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn gặp không ít khó khăn. 

Theo PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tại Việt Nam, tiếng là nông nghiệp công nghệ cao nhưng so với các nước trên thế giới thì chưa thể bằng bởi trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam còn thấp; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người nông dân chưa đồng đều. Sự không đồng đều này thể hiện giữa vùng này với vùng khác, giữa nông dân này với nông dân khác, thậm chí ngay trong chuỗi giá trị của một loại cây trồng, khâu áp dụng công nghệ cao, khâu không.

''

Tập đoàn Lộc Trời sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: NNVN

Vị chuyên gia cũng chỉ rõ, từ trước tới nay, không ít doanh nghiệp quan niệm rằng họ đơn thuần chỉ là công ty kinh doanh lương thực, khi lúa của nông dân chín thì doanh nghiệp chỉ cần gọi thương lái gom một số giống với số lượng nhất định để chà, bán trong nước hoặc xuất khẩu. Như vậy, doanh nghiệp chỉ kinh doanh gạo mà người nông dân sản xuất ra.

Vậy nhưng, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao lại làm khác. Ông dẫn ví dụ, Tập đoàn Lộc Trời muốn hạt lúa mình làm ra phải truy xuất được nguồn gốc, biết rõ được quy trình trồng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong hạt gạo thế nào, có đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu hay không...

"Xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu tiêu chuẩn rất khắt khe, mà doanh nghiệp không làm thì không thể biết được. Nếu để nông dân tự phun thuốc, doanh nghiệp không thể biết họ sử dụng thuốc gì, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo hay không...", PGS.TS Dương Văn Chín nói. 

Do vậy, Lộc Trời đã xây dựng quy trình quản lý mùa vụ với các tiêu chí nghiêm ngặt từ khâu chọn giống cho đến khi ra thành phẩm với nhiều bước. Hạt gạo được làm ra theo chuỗi như vậy mới đảm bảo được chất lượng. Điều quan trọng nhất, theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, là doanh nghiệp đã từng bước khắc phục vấn đề cố hữu trong nông nghiệp Việt Nam, đó là làm sao hài hòa lợi ích giữa người nông dân với doanh nghiệp, nhất là khi xảy ra rủi ro như giá lúa lên xuống thất thường.

Sau này, ông cho biết, Lộc Trời dùng hình thức "bao", mà mức thấp nhất là "bao" sâu bệnh. Theo đó, người nông dân ký kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp lo thuốc, phun, đảm bảo ruộng của nông dân không bị sâu bệnh.

Mức cao hơn là "bao" năng suất - doanh nghiệp đưa phân, đưa thuốc cho nông dân, người nông dân chăm sóc lúa theo quy trình doanh nghiệp đưa ra, doanh nghiệp đảm bảo năng suất với nông dân vụ lúa đó.

Mức "bao" cao nhất và đang được Lộc Trời áp dụng khá rộng rãi là "bao" lợi nhuận, tức người nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu tư hạt giống, phân, thuốc, người nông dân chỉ bỏ công chăm sóc, theo dõi theo quy trình. Doanh nghiệp đảm bảo với nông dân mỗi hecta trong vụ lúa đó người nông dân lời bao nhiêu tiền.  

"Tùy theo ý muốn của người nông dân thì doanh nghiệp "bao" theo kiểu đó. Hiện nay, ở An Giang, hàng trăm ngàn hecta lúa hợp tác với Lộc Trời theo hình thức này. Có như vậy, doanh nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường châu Âu, Mỹ...", PGS.TS Dương Văn Chín nói, đồng thời cho biết, Lộc Trời có cả nghìn kỹ thuật viên nông nghiệp bám sát đồng ruộng cùng bà con nông dân, hàng trăm thiết bị bay không người lái phục vụ canh tác, các trang thiết bị đồng bộ nhằm cơ khí hóa hoạt động sản xuất nông nghiệp, với nhiệm vụ tối ưu hóa hoạt động canh tác mùa vụ, đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất cho nông dân, môi trường nông thôn và người tiêu dùng nông sản.

Để có... nhiều hơn

Đối với Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cũng vậy. Doanh nghiệp cũng thực hiện bao tiêu với nông dân, đầu tư hạt giống, quy trình, cử cán bộ kỹ thuật theo dõi...

"Quan trọng là phải gắn kết với người nông dân, phải có cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp đi sâu sát với nông dân, chứ không phải khoán trắng cho nông dân, không phải như doanh nghiệp khác chỉ đi mua lúa về chà, bán", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Tính đến nay, Trung An đã phát triển được 30.000 hecta diện tích cánh đồng lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng của mình. Hiện doanh nghiệp này đang dành riêng 800 ha tại Kiên Giang để phát triển vùng nguyên liệu lúa hữu cơ nhằm đáp ứng khách hàng đặc biệt khó tính về chất lượng. Đến nay, 100 hecta tại khu vực này đã được cấp chứng chỉ Organic của Mỹ và châu Âu, đủ điều kiện để xuất khẩu vào các thị trường đặc biệt khó tính. Tùy theo nhu cầu thực tế và khả năng phát triển thị trường của doanh nghiệp, diện tích Organic sẽ được Trung An mở rộng dần trên 700 hecta còn lại.

Để có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đưa được nông sản của Việt Nam vươn xa, theo PGS.TS Dương Văn Chín, từng doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên, tìm thị trường để làm sao có được sản phẩm hàng hóa có chất lượng, có khối lượng hàng hóa lớn để xuất khẩu.

"Nhà nước chỉ đưa ra định hướng, khích lệ, phổ biến thông tin thị trường... còn đòi hỏi hỗ trợ thì... khó, vì hỗ trợ đi liền với tiền. Ngay đối với các hợp tác xã, bây giờ để Nhà nước hỗ trợ cho hợp tác xã được vay ưu đãi xây kho đã là rất khó vì tiền đâu? lãi suất có giảm không, quy trình, thủ tục khó khăn...

Cho nên, doanh nghiệp hãy cứ theo luật lệ quốc tế, luật Nhà nước có sẵn mà phấn đấu làm. Khi Nhà nước thấy doanh nghiệp, người nông dân quá khó khăn thì sẽ điều chỉnh chính sách", vị chuyên gia nhấn mạnh, đồng thời một lần nữa nhắc lại đề xuất mà ông trăn trở nhiều năm qua, đó là Việt Nam cần tập trung xây dựng thương hiệu gạo thơm cao cấp của riêng mình, giống như Basmati của Ấn Độ, Hom Mali của Thái Lan, bán trên dưới 1000 USD/tấn. 

Thành Luân

Nguồn
datviet.trithuccuocsong.vn