Cần những chính sách dài hạn hỗ trợ nông nghiệp, nông dân

Hiện nay có một số chính sách liên quan đến chuỗi giá trị như Nghị định 98 (2018) về thúc đẩy hợp tác liên kết, Nghị định 57 (2018) về Doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, các chương trình hỗ trợ HTX, khuyến nông, OCOP, xác nhận chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn… ở cấp địa phương cần được tích hợp thành chương trình hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông sản địa phương để tăng hiệu quả, đảm bảo tính đồng bộ của chuỗi giá trị

Đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã bùng phát ở Việt Nam và có tác động mạnh đến tất cả các ngành nghề trong cả nước, trong đó có ngành Nông nghiệp. Hiện nay, chúng ta vừa trải qua một giai đoạn khó khăn của nền kinh tế với giải pháp giãn cách xã hội để chống Covid-19. Trước thách thức phục hồi nền kinh tế một cách nhanh chóng nhất để có thể, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để xem xét các khó khăn và đề xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên các vấn đề thảo luận ở đây mới tập trung vào các khó khăn doanh nghiệp, ít đề cập đến nông nghiệp và nông dân nói chung. Test Line.

 

Hiện nay chưa có nghiên cứu sâu về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, tuy nhiên trên thế giới đã có những đánh giá nhanh về tác động của đại dịch đến nông nghiệp, trên cơ sở đó chúng tôi có thể có những đánh giá sơ bộ. Nhà nước và các địa phương có nhiều cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch Covid-19 như giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông thương mại hoá sản phẩm, các chính sách này cũng ngay lập tức ảnh hưởng đến hoạt động của các chuỗi giá trị nông sản, đặc biệt là tác động càng lớn đến các vùng sản xuất nông sản hàng hoá chuyên canh. Một số tác động chính của đại dịch Covid-19 đến chuỗi giá trị nông sản thực phẩm có là:

– Làm gián đoạn chuỗi giá trị, các chuỗi giá trị bị đứt gãy đột ngột, các tác nhân trong chuỗi không kịp ứng phó. Ngoài ra, việc xuất khẩu nông sản đi các nước cũng gặp khó khăn. Các ngành xuất khẩu chính của chúng ta là lúa gạo, trái cây, thuỷ sản và đồ gỗ là những ngành chịu tác động nặng nề nhất. Ngành lúa gạo, tuy gặp khó khăn về xuất khẩu gạo do lo ngại về an ninh lương thực, tuy nhiên với sự điều chỉnh kịp thời về mùa vụ mà sản xuất năm nay được mùa và khẳng định tính bền vững của an ninh lương thực để chúng ta yên tâm xuất khẩu. Đối với các ngành sản xuất phục vụ thị trường trong nước thì các ngành sản xuất lương thực, thực phẩm thiết yếu ít bị ảnh hưởng hơn, còn các ngành sản xuất sản phẩm cao cấp như hoa tươi thì bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi hạn chế lưu thông trên thị trường. Ngành Chăn nuôi đã gặp phải khó khăn kép là Covid-19 và Dịch tả lợn châu Phi vừa kết thúc vào đầu 2020. Hiện người sản xuất của những ngành hàng này gặp nhiều khó khăn trong việc tái sản xuất do thiếu vốn và thiếu một số đầu vào khác như giống lợn.

– Đại dịch Covid-19 đã tác động rất rõ nét tới hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng cuối cùng, có hiện tượng mua tích trữ lương thực thực phẩm, làm tăng đáng kể giá bán thực phẩm trên thị trường trong những thời điểm ngắn. Giá bán lẻ tăng có thể là cơ hội cho người sản xuất, nhưng không phải cho tất cả. Thực tế cho thấy các hộ nông dân, trang trại, HTX tham gia vào các chuỗi giá trị có hợp đồng cung ứng thì ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hơn là các hộ bán trên thị trường tự do.

– Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sự sẵn có của nông sản trên thị trường làm cho một số mặt hàng nông sản bị khan hiếm, giá lên cao và buộc Nhà nước phải nhập khẩu để ổn định thị trường. Tuy nhiên hiện tượng này ở Việt Nam chủ yếu xảy ra với thịt lợn mà nguyên nhân chủ yếu là do Dịch tả lợn châu Phi.

– Về sản xuất, đại dịch ít ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp hơn. Tuy nhiên, năm nay là năm sản xuất bị tác động lớn bởi hạn và mặn chủ yếu ở ven biển miền Trung, Tây nguyên và ĐBSCL. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng không tốt đến quá trình chuyển đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp của một số vùng do ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp.

– Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giảm nghèo. Các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo sẽ phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng là ngày càng rơi vào cảnh nghèo đói hơn, ít nhất trong ngắn hạn do thiếu nguồn thu và việc làm.

Tóm lại, do ảnh hưởng đứt gãy của chuỗi giá trị và sự hạn chế di chuyển của lao động trong đại dịch, các tác động không hề nhỏ đến thu nhập của các vùng nông nghiệp sản xuất hàng hoá, đặc biệt là đối với các vùng xuất khẩu.

Nhận diện cơ hội và thách thức

Mặc dù hiện nay đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự khan hiếm nông sản trên thị trường khiến giá thực phẩm tăng cao, tuy nhiên ở Việt Nam, do quyết sách đúng đắn của Chính phủ nên thời kỳ giãn cách xã hội diễn ra khá ngắn, không ảnh hưởng nhiều đến khan hiếm nông sản ở trong nước. Người sản xuất để xuất khẩu lại chưa thể tận dụng được cơ hội tăng giá của thị trường thế giới do hạn chế thương mại. Về dài hạn, dự báo là sau khi thị trường nông sản thế giới mở cửa trở lại thì giá nông sản sẽ giữ ở mức cao trong năm nay. Trước mắt trong ngắn hạn, vấn đề khó khăn hiện nay của người sản xuất là đa dạng hoá thị trường của người xuất khẩu vào các kênh trong nước cũng đang có nhu cầu cao. Vấn đề là làm thế nào để các hộ sản xuất để xuất đi Trung Quốc có thể tham gia được các chuỗi giá trị chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm trong nước như siêu thị trong khi mà các kênh này chỉ mới chỉ chiếm khoảng 30% tổng lượng thực phẩm cung ứng ở các đô thị lớn.

Bên cạnh các tác động tiêu cực thì Covid-19 cũng chỉ ra một số cơ hội mới, đó là xu hướng thương mại điện tử đối với các nông sản thực phẩm chất lượng cao, cũng như nhu cầu tăng cao của các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích. Tuy nhiên với năng lực hiện tại của các nông hộ và HTX, nếu không được đầu tư và đào tạo tư vấn về cách làm thị trường chuyên nghiệp thì khó nắm bắt được cơ hội. Vai trò hỗ trợ của các dịch vụ công của Nhà nước về đào tạo tư vấn thị trường để hỗ trợ HTX, trang trại và hộ tham gia chuỗi giá trị nông sản thực phẩm, đảm bảo ATTP là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Kinh nghiệm của các mô hình HTX, trang trại tham gia các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn bền vững do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu về rau quả, chè hay chăn nuôi cho thấy rằng các HTX trước hết cần được đào tạo tư vấn về quản lý HTX, quản trị chất lượng nội bộ theo tiêu chuẩn của người mua như VietGAP, LocalGAP, GlobalGAP hay Hữu cơ, kỹ năng tiếp thị và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Sau đó mới là nhu cầu đầu tư về vốn để nâng cấp hệ thống sơ chế, chế biến hiện đại, đạt tiêu chuẩn ATTP cũng như nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất. Hay nói cách khác để hộ nông dân và HTX trở thành chuyên nghiệp để tham gia vào chuỗi giá trị hơn thì đào tạo kỹ năng và kiến thức phải đi trước và đầu tư cơ sở hạ tầng đi sau. Vai trò của các cơ quan đào tạo như Viện, Trường, Tổ chức phi chính phủ có đủ năng lực về đào tạo phát triển chuỗi giá trị là rất quan trọng, trong khi hệ thống khuyến nông còn chậm trong việc đáp ứng các nhu cầu mới này.