Nông nghiệp đô thị: Giải pháp cân bằng cho cuộc sống

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường khiến cho việc phát triển nông nghiệp đô thị dần trở thành xu hướng tất yếu nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt là ở các thành phố lớn và khu công nghiệp khiến môi trường đô thị đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, nước, đất, và sự thiếu hụt nguồn thực phẩm sạch trở thành vấn đề nghiêm trọng. Các khu đô thị ngày càng mở rộng, nhưng không gian xanh lại giảm sút, làm cho sự cân bằng tự nhiên bị phá vỡ. Người dân sống trong những môi trường khói bụi, ồn ào và thiếu thốn không gian sống xanh mát.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, dù nông nghiệp không đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP của các thành phố lớn (chỉ dưới 5%) nhưng vai trò của nó là vô cùng quan trọng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho cư dân đô thị, bảo vệ môi trường, tạo ra sự ổn định trong an sinh xã hội.

Chính vì thế, đầu tư vào nông nghiệp đô thị chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững với những mục tiêu như sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và sức khỏe tốt hơn. Mô hình này giúp phủ xanh các khu đô thị, gia tăng lượng oxy trong không khí, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, góp phần tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

''

Tỉnh Hưng Yên đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư và phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: Phương Linh

Trước các thách thức của biến đổi khí hậu và nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều hộ nông dân vùng ven đô của tỉnh Hưng Yên đã mạnh dạn chuyển đổi, từ bỏ lối canh tác truyền thống Nhờ đó, họ đã có thể tối ưu hóa tài nguyên đất và nước, đồng thời tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường đô thị.

Ông Nguyễn Văn Hanh, Phó trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và phát triển tỉnh Hưng Yên) cho biết tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư và phát triển nông nghiệp đô thị. Một trong số đó là các chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, cùng với các đề án, dự án phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và nông nghiệp hữu cơ.

Chính vì vậy, Hưng Yên không chỉ đáp ứng được nhu cầu lương thực thực phẩm cho cư dân địa phương, mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên cũng tích cực hỗ trợ các mô hình nông nghiệp sạch và nông nghiệp tuần hoàn. Nhiều hội nghị xúc tiến thương mại đã được tổ chức, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận với người nông dân, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Tại Việt Nam, các mô hình nông nghiệp đô thị đang phát triển theo hai hướng chính: mô hình nông nghiệp chính quy và mô hình nông nghiệp phi chính quy. Mô hình chính quy thường được tổ chức tại các khu vực sản xuất tập trung như các trang trại, vùng sản xuất chuyên canh ở ngoại thành.

Trong khi đó, mô hình phi chính quy được thực hiện bởi các hộ gia đình, tận dụng không gian nhỏ hẹp trong khu vực sinh sống để trồng trọt, chăn nuôi. Cả hai mô hình này đều mang lại lợi ích to lớn cho cư dân đô thị, vừa đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn, vừa giúp cải thiện môi trường sống.

Với những lợi ích vượt trội về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, nông nghiệp đô thị sẽ “thay da đổi thịt" tại Việt Nam trong những năm tới. Để tận dụng tối đa tiềm năng của mô hình này, cần có sự hỗ trợ và đầu tư đồng bộ từ phía nhà nước, các tổ chức khoa học công nghệ, cùng sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn mở rộng ra các khu vực ven đô và các tỉnh thành có tiềm năng.

Nguồn
https://baodautu.vn/

Tin liên quan