Định vị và giải pháp phát triển bền vững ngành hàng trái cây

Ngay từ đầu năm, ở miền Nam thì nắng nóng, miền Bắc thì âm u mưa phùn – sự bất lợi về thời tiết đã tác động xấu đến sự phân hoa, đậu quả và sản lượng trái cây vụ Hè năm 2021. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, sau Covid -19 là thời điểm tốt cho xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Vấn đề là lâu dài thì cách nhìn nhận và hành động của Việt Nam trong cạnh tranh xuất khẩu với trái cây của Thái Lan?

Trái cây Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu. Ảnh minh họa

Định vị trái cây Việt Nam

Trải dài về vĩ độ nên diện tích cây ăn trái cây của Việt Nam là rất lớn, lên tới 989.000ha, sản lượng khoảng 1,02 triệu tấn/ năm. Trái cây của Việt Nam có 4 mùa, khá phong phú: Trái cây ở xứ nóng như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng có hàm lượng dinh dưỡng cao, vị đậm, màu sắc bắt mắt. Trái cây ở xứ lạnh như Đà Lạt, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang…chất lượng cũng tương tự (riêng cam, quýt hương vị đậm hơn). Vùng đặc trưng Sơn La, ngày nóng, đêm lạnh… nên trái cây ngon và hương thơm đặc biệt, như xoài, chanh leo, nhãn… Trái cây của Việt Nam tuy thu hoạch rải mùa, nhưng vẫn tập trung vào tháng 5,6,7 nên khá thích ứng với các thị trường xuất khẩu. Ví dụ, vải thiều Trung Quốc thu hoạch từ tháng 2 – 7, khi chất lượng vải thiều của Trung Quốc vào cuối vụ đã giảm hẳn thì vải thiều Bắc Giang, Hải Dương vào thu hoạch chính từ 5/6 đến 5/7. Nên vậy, vải thiều Việt Nam dễ bán do chất lượng vượt trội và thương nhân Trung Quốc sang tận vườn mua. Đây cũng là sự lý giải, vì sao vải thiều của Việt Nam hiếm khi bị “giải cứu” như Thanh long, dưa hấu. Một điều cần nhớ rằng, người Trung Quốc từ xưa đến tới nay rất ưa dùng vải thiều Việt Nam.

Trái cây Việt Nam có những loại quả khác biệt, chất lượng cao, vị mát, có hoạt chất chống nhiễm xạ như quả thanh long, bưởi da xanh… rất phù hợp với các nước công nghiệp phát triển, với sức mua 15USD/ngày, nên có mức nhập khẩu lớn như Hàn, Nhật, Mỹ, EU. Ví dụ, trái thanh long có 20 quốc gia trên thế giới trồng, nhưng ở Việt Nam diện tích là lớn nhất 49.000ha, thanh long Việt Nam bán ở 40 thị trường trên thế giới.

So với Thái Lan ngành Trái cây Việt Nam khá tương đồng về chủng loại, chất lượng và hình thức, mẫu mã. Nhưng từ năm 2000 đến nay, nhìn tổng thể Thái Lan đã vượt trội về chất lượng, mẫu mã, chiếm thị phần cao hơn hẳn Việt Nam khi xuất khẩu ra thế giới. Vấn đề không phải là khí hậu, đất đai tạo ra chất lượng mà chính là Thái Lan đã đi trước về khoa học kỹ thuật – công nghệ giống, nghiêm ngặt trong quy trình canh tác theo tiêu chuẩn GAP và năng lực bảo quản, chế biến. Thái Lan rất chú trọng đến vỏ, màu của trái cây để để tạo xúc cảm cho người mua và hạn chế khả năng nấm, khuẩn trên vỏ, thâm nhập vào ruột và giảm chi phí trong xạ chiếu, kiểm dịch – đây cũng là sự lý giải vì sao hơn 10 năm gần đây, khu vực ĐBSCL nhập nhiều giống cây ăn trái của Thái Lan. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có số ít trái cây được người tiêu dùng nước ngoài ưa dùng so với cùng loại trái cây của Thái Lan như thanh long, nhãn, chanh leo, chôm chôm và măng cụt.

Tuy nhiên, điểm yếu trái cây Việt Nam: Về hình thức vỏ mỏng, dễ có nám, chuyển màu xỉn xám, bã trầu… khó gây “cảm xúc” cho người mua, nhất là dùng làm quà biếu, thờ cúng. Về chất lượng thì quả nhỏ, hạt to, ruột (thịt) độ thủy phần cao, thường sau 10 ngày đóng gói là chuyển sang trạng thái “mềm”, không thuận tiện nhiều khi bốc xếp, vận chuyển đường dài, đặc biệt là khi đóng hộp giấy. (Ví dụ, quả na của Thái Lan khoảng 0,5 – 1kg/quả, thịt rắn, ít hạt, vỏ dày, sáng; trong khi cùng trọng lượng đó, na Việt Nam có từ 2- 5 quả/kg. Vì vậy na của Thái Lan người Việt ưa dùng, mua làm quà biếu, tuy chất lượng tương đồng, nhưng na Thái có giá cao gấp 3 – 5 lần so với na Việt Nam.

Về thị trường, nhờ chính sách “xoay trục” mà ngành Trái cây được đầu tư và chuyển đổi, nhất là diện tích trồng cây có múi. Từ đó, ngành Trái cây, trái cây xuất khẩu đã tăng khoảng 15%/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 là 3,5 tỷ USD, năm 2018, 2019 là 3,8 tỷ USD, năm 2020 là 3,1 tỷ USD và hiện có ở 60 thị trường quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Mức giao dịch toàn cầu về trái cây tươi khoảng 240 tỷ USD/năm, nước và thực phẩm chế biến từ trái cây khoảng 270 tỷ USD/năm. Mức tiêu dùng, người Trung Quốc 23,7kg trái cây/người/năm, châu Âu 40kg/người/năm, Việt Nam là 16kg/người/năm. Như vậy, vấn đề thị trường cả trong nội địa và ngoài nước vẫn còn dư địa rất lớn cho ngành Trái cây Việt Nam phát triển.

Về trình độ canh tác của nông dân: Vùng chuyên canh trừ vải thiều, thanh long, chuối – số còn lại quy mô nhỏ, xen canh với nhiều loại cây ăn quả khác, dẫn đến chưa có nhiều mã vùng cho trồng trọt. Việc vùng chuyên canh nhỏ lẻ, xen ghép nhiều loại cây, nên mùa ra hoa, đậu trái khác nhau, kích cỡ trái cây nhỏ và rất không đều. Do trồng xen ghép, chủ vườn phải sử dụng nhiều hóa chất (kích hoa, đậu quả, trừ sâu bệnh…) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng của trái cây. Vỏ trái cây màu sắc không sáng, đẹp, tươi, hay bị đốm đen nhỏ… và khả năng trú bệnh của nấm, mốc cao – làm cho hình thức, mẫu mã kém và tỷ lệ trái cây đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thấp (bưởi da xanh là loại trái cây dễ nhất, nhưng chỉ đạt 30 – 37% tiêu chuẩn xuất khẩu).

Trình độ thâm canh, xen canh, tăng vụ và canh tác trên núi cao, vùng đất dốc của nông dân Việt Nam là rất tốt và hơn hẳn so với nông dân Thái Lan, đặc biệt, là tính “cải biến” bằng gây ức chế sinh học trên cây trồng để tạo sự ra hoa, đậu quả trên thân cây để có quả to, đẹp, chất lượng cao, bán giá cao hơn… là 1 năng lực vượt trội. Tuy nhiên, từ sản xuất nhỏ, nông dân Việt Nam vẫn còn nhiều suy nghĩ, sản xuất theo kinh nghiệm: Trọng về số lượng, thích cây có nhiều quả, sử dụng tùy tiện và nhiều chất hóa chất kích thích sinh trưởng, thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch bệnh. Đặc biệt, thiếu kiến thức về kỹ thuật sinh trưởng cây trồng, chỉ quan tâm đến cành, lá, thân cây…bỏ qua điều quan trọng nhất là rễ cây, đất và dinh dưỡng cho cây trồng – điều này, làm ngắn vòng đời của cây, gây ức chế sinh trưởng cho cây… dẫn đến sâu đục thân và các bệnh khác. Một yếu kém rất đáng quan tâm là người nông dân thiếu hoàn chỉnh đến khâu cuối cùng của sản phẩm ở khâu thu hoạch, bảo quản, dẫn đến hư hao, xuống cấp và bán ra với giá thấp. Ví như, khi thu hoạch cam, quýt… thường cắt vát cuống – khi đóng bao, cho vào sọt…vận chuyển đường xấu… chính đầu cuống nhọn đó đâm vào quả khác, gây chảy nước, thâm da. Hoặc thu hoạch trái xoài, để nhựa (mủ) cây dây vỏ quả… tạo nên nốt thâm đen…không thể xuất khẩu được.

Công ty The Fruit Republic tại Cần Thơ đã xuất khẩu trái cây tươi đi châu Âu suốt 7 năm nay. Ảnh: Đ.T

Giải pháp phát triển bền vững

Phát triển bền vững, chế biến sâu và làm giàu từ cây ăn quả là chiến lược đúng hướng, nhưng đạt được đích đó, tư duy của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân có vai trò mở đường, dẫn dắt hành động, thay đổi hành vi của người nông dân trong sản xuất, doanh nghiệp trong kinh doanh. Trong tự thân ấy, sẽ là động lực cho liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị ngành hàng. Thực tiễn trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới đã chỉ ra rằng, hoàn cảnh thay đổi mà tư duy không thay đổi – ắt sẽ mắc sai lầm. Nên vậy, giải pháp phát triển bền vững ngành trái cây dù dài hạn, trung hạn, ngắn hạn thì xuyên suốt trong quá trình đó là sản phẩm – hệ thống bán hàng – nguồn nhân lực.

Về dài hạn, phải nhận diện, đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên toàn lãnh thổ và 8 vùng sinh thái của Việt Nam; trong đó, vùng trọng điểm là Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Tây nguyên và miền núi phía Bắc. Từ đó, xây dựng chiến lược phát triển các loại cây ăn quả cho phù hợp với từng vùng miền, địa phương và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bố trí các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, nhân giống và nhà máy, cơ sở chế biến sâu, hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ. Trong dài hạn, đặc biệt chú ý tới logictis ngành Trái cây từ kho chứa, bến bãi, vận chuyển… cho đồng bộ, có hiệu năng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời, xây dựng các tập đoàn kinh tế ngành trái cây đủ mạnh, đủ năng lực cạnh tranh, khai phá, dẫn dắt thị trường.

Về trung hạn, Bộ NN&PTNT cần có quy hoạch vùng nguyên liệu, sản xuất chuyên canh, “đất nào cây nấy”, phù hợp với đất, khí hậu, tập quán canh tác của nông dân. Việc quy hoạch vùng chuyên canh, không để chồng chéo về cây ăn quả thế mạnh trong trục nông sản xuất khẩu, sẽ dẫn đến trượt tiêu động lực lẫn nhau. Ngăn chặn và chấm dứt tình trạng “mỗi tỉnh thành là một nền kinh tế”, tư duy “đèn ai nấy sáng” thì không thành công. Trong giai đoạn này, công nghiệp chế biến sâu, công nghệ bảo quản đông lạnh tế bào để trái cây tươi cả năm là một đột phá. Đồng thời, với vai trò quản lý nhà nước Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cần: Nắm các đỉnh cao để “chỉ huy”; khai phá phát triển giống, KHKT – công nghệ mới, thị trường mới và tạo hiệu quả lan truyền làm động lực phát triển.

Về ngắn hạn, cần nỗ lực thiết kế, triển khai các chương trình, dự án vừa và nhỏ cho các vùng trái cây trọng điểm, như: Giống mới, giống chịu hạn, giống trồng vùng đất bị ngập mặn và giống cây trồng mới trên diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái lưu niên gắn liền với hệ thống nước tưới tiêu nước chủ động. Thứ đến là tổ chức lại sản xuất với 4 khâu trọng yếu:

Nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX chuyên canh, các chủ trang trại, nông trại, nhà vườn, các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu;

Tập trung xây dựng mã vùng trồng trọt, mã số cơ sở chế biến, đóng gói đạt chuẩn quy định gắn liền với ban hành quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và bộ tiêu chí về tiêu chuẩn sạch, an toàn với từng loại cây ăn quả, theo tiêu chuẩn hợp đồng của khách hàng, thị trường xuất nhập khẩu;

Chấn chỉnh, công khai, minh bạch hóa chuỗi cung ứng vật tư đầu vào của sản xuất như: giống, phân bón, hóa chất được phép sử dụng. Theo đó, là việc kiểm soát, xử lý nghiêm minh đối với trái cây nhập lậu qua biên giới.

 Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu trái cây ở cả 3 cấp: tập thể, doanh nghiệp và Quốc gia; các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây sang thị trường truyền thống và thị trường châu Âu ngay sau EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, song vẫn chú trọng thị trường Trung Quốc, với việc lựa chọn phân khúc tầm trung để xuất khẩu chính ngạch. Hết sức coi trọng thị trường trong nước, mà ở đó, người Việt Nam có quyền lựa chọn, thỏa mãn tiêu dùng trái cây Việt đúng giá, chất lượng cao và thuận lợi trong giao dịch.

Ngành hàng trái cây Việt Nam là một thế mạnh. Sản xuất kinh doanh trái cây là một hướng làm giàu. Đường đi của trái cây mang thương hiệu Việt Nam đi nước ngoài, hay đến tay người tiêu dùng trong nước đang cần những tư duy đột phá, những hành động quyết liệt và xử lý mạnh tay đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống giả, giống kém chất lượng; đồng thời với việc tháo gỡ ngay những điểm nghẽn về: Chính sách, đất đai và khoa học kỹ thuật.

Kim ngạch xuất khẩu trái cây, rau quả của Việt Nam còn thấp so với kinh tế nông nghiệp, chỉ chiếm gần 2% giá trị thương mại mặt hàng này trên thế giới. Tính trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi ngày, người Việt bỏ ra 1,2 tỷ USD để mua trái cây ngoại. Nhiều người bất ngờ rằng, Việt Nam cứ thu được 2 đồng từ xuất khẩu gạo thì phải bỏ ra 1 đồng để mua hoa quả ngoại.

(Theo Cục xuất khẩu nông sản – Bộ Công thương)

 Đặc biệt, phải xây dựng cho được những vựa thu gom, bảo quản trái cây theo tiêu chuẩn sạch, sản xuất theo quy trình chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và giá thành hạ… bởi đây là những yêu cầu sống còn để đưa trái cây Việt Nam xuất ngoại, vì trong tương lai, hầu như các nước đều thắt chặt việc kiểm soát chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và an toàn vệ sinh trong trái cây nhập khẩu.

(Theo Cục Chế biến nông sản- Bộ NN&PTNT)

(Hoàng Thị Thanh Giang – Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, (nguồn: langmoi)

Tin liên quan