Bình Liêu chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Những năm gần đây, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và bền vững, huyện Bình Liêu đã tập trung đẩy mạnh sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản cho người dân.

''

Người dân xã Lục Hồn chăm sóc cây dong riềng.

Bà Lê Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: Thời gian qua, Bình Liêu đã chủ động vận dụng linh hoạt triển khai các mô hình sản xuất mới được thực hiện theo nguyên tắc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển mạnh các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập.

Trong đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, Bình Liêu tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc thù của địa phương, gắn với thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở này, huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển vùng trồng tập trung như: Vùng trồng cây dược liệu, trồng dong riềng, cây sở… Đồng thời, huyện có cơ chế hỗ trợ giống cho các hộ dân ở những thôn, bản đặc biệt khó khăn, các tổ chức, hộ gia đình trồng dong riềng, dược liệu được hỗ trợ bao bì, nhãn mác, mã số, mã vạch cho các sản phẩm tham gia chương trình OCOP…

Điển hình là huyện đã dành 500ha để quy hoạch, phát triển cây dong riềng phục vụ sản xuất miến dong. Đồng thời, hỗ trợ người dân trồng các giống mới DR1, DR 2-13, DR3-10 của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và vận động 100% cơ sở sản xuất miến ký kết tiêu thụ củ dong với người dân.

Song song với đó, Bình Liêu cũng chú trọng đầu tư quy trình sơ, chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm theo chu trình OCOP. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 3 cơ sở sản xuất và 40 hộ sản xuất miến dong. Trong đó, có nhiều cơ sở và hộ sản xuất được hỗ trợ nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm. Điển hình là huyện hỗ trợ trên 1,8 tỷ đồng cho 2 đơn vị nâng cấp hệ thống dây chuyền chế biến miến dong; nhà xưởng và hệ thống xử lý môi trường. Qua đó, phần nào “gỡ khó” cho khâu sát bột để dự trữ cho sản xuất. Huyện cũng quan tâm quản lý chất lượng, hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện nhãn mác bao bì, 100% đơn vị dán tem truy xuất nguồn gốc… Qua đó, sản phẩm miến dong của Bình Liêu ngày càng được khẳng định về chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến nay, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà đã mở rộng thị trường ra các tỉnh thành trong cả nước, mang lại doanh thu trung bình trên 50 tỷ đồng/năm. 

''

Mô hình trồng ổi lai lê Đài Loan của hộ bà Trần Thị Sủi (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) cho thu nhập cao, ổn định.

Cùng với cây dong riềng, những năm gần đây, nhiều diện tích vườn tạp, đất trồng lúa... kém hiệu quả đã được người dân Bình Liêu chuyển sang trồng các giống mới cho năng suất, hiệu quả cao, như: Cam, ổi, rau an toàn... đảm bảo phù hợp với thổ nhưỡng và gắn với nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Các hộ gia đình cũng tích cực tham gia những tổ, nhóm, HTX sản xuất nông nghiệp áp dụng KHKT để tạo cầu nối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả. Bà Trần Thị Sủi, thôn Ngàn Mèo Dưới, xã Lục Hồn, chia sẻ: Được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn cải tạo 1ha đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả để thực hiện mô hình trồng ổi lê Đài Loan. Đến nay, vườn nhà tôi đang có 700 cây ổi phát triển tốt, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình hơn 100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Bình Liêu cũng chú trọng xây dựng và hình thành các khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hoá. Nếu như trước đây người dân chỉ chăn nuôi tự cung, tự cấp, nay nhiều hộ đã chuyển sang chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại tập trung chuyên nghiệp. Nhiều hộ gia đình, hợp tác xã cũng đã tham gia tích cực vào triển khai các dự án như bảo tồn và phát triển giống gà Cao Sơn; dự án ứng dụng KHCN để cải tạo và phát triển đàn bò thịt... Đến nay, toàn huyện có trên 30 hộ thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hình thức gia trại chăn nuôi. Theo thống kê, hiện tổng đàn gia súc của huyện có khoảng 10.400 con, đàn gia cầm là 112.000 con, tăng 31,7% so với năm 2015. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã từng bước thực hiện chuyển dịch từ chăn nuôi truyền thống sang các phương pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường; chú ý đến nhu cầu, thị hiếu của thị trường nên hiệu quả sản xuất nâng cao, đảm bảo về đầu ra cho sản xuất.

Nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp với nhiều mô hình hiệu quả, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện trong các năm gần đây bình quân đạt trên 300 tỷ đồng/năm. 6 tháng năm 2021, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 159,2 tỷ đồng, tăng 8,69% so với cùng kỳ năm 2020. Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đã giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn của địa phương.

Nguyễn Thanh

 

Nguồn
baoquangninh.com.vn

Tin liên quan