Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài “Nghiên cứu ứng dụng biện pháp sinh học để quản lý sâu bệnh hại đến cây Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam”

Ngày 20/4/2021 Viện Bảo vệ thực vật đã tổ chức họp Hội đồng khoa học công nghệ (KHCN) cấp cơ sở nhằm đánh giá, nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh: “Nghiên cứu ứng dụng biện pháp sinh học để quản lý sâu bệnh hại đến cây Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam” do TS. Lê Xuân Vị chủ nhiệm thực hiện. Đề tài được thực hiện với sự phối hợp của Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam.

Đề tài đã xác định được 9 loài sâu bệnh hại chủ yếu trên cây sâm Ngọc Linh gây hại ở cả giai đoạn cây con và cây ngoài sản xuất. Trong đó rệp muội (Neomyzus sp.), bệnh chết rạp cây con (P. glomerata), thán thư (Colletotrichum acutatum) và bệnh gỉ sắt (Pucinia sp.) phổ biến và nguy hiểm nhất. Đề tài cũng đã xác định được đặc điểm phát sinh gây hại của các loài sâu bệnh hại quan trọng. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã thu thập các chủng vi sinh vật có ích và tiến hành các thí nghiệm phòng trừ sâu bệnh hại bằng biện pháp sinh học. Kết quả cho thấy, vi khuẩn Bacillus subtilis và nấm đối kháng Trichoderma sp. được thu thập từ vùng trồng sâm có tiềm năng trong nghiên cứu phát triển chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh.

Đặc biệt, đề tài đã xây dựng được qui trình thu thập, phân lập và tuyển chọn vi sinh vật có ích, và tạo được 10 lít chế phẩm từ vi khuẩn B. subtilis để phục vụ nghiên cứu và thực hiện mô hình. Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành các thí nghiệm phòng trừ sâu bệnh hại với các chế phẩm sinh học. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã được xây dựng thành mô hình với qui mô 2.000 cây, áp dụng kỹ thuật quản lý sâu bệnh hại chính. Hiệu quả phòng trừ rệp đạt từ 61,08% - 78,99% so với đối chứng. Chiều cao cây trong mô hình tăng từ 0,1 - 0,8cm so với đối chứng, số lượng hạt tăng so với đối chứng trung bình là 25,25%. Tỷ lệ cây bị bệnh và chỉ số bệnh gỉ sắt giảm hơn so với đối chứng. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện đề tài đã tập huấn cho 60 lượt người, tổ chức hội thảo và tham quan mô hình với 30 người tham dự. Các kết quả của đề tài đã được đăng trên Tạp chí Bảo vệ thực vật số 2 năm 2021.

Trên cơ sở các kết quả báo cáo và kiểm tra sản phẩm, hội đồng KHCN đánh giá cao kết quả của đề tài. Các kết quả đạt được có giá trị về khoa học, thực tiễn và đáp ứng đầy đủ về số lượng, khối lượng sản phẩm. Đồng thời, Hội đồng cũng đóng góp các ý kiến bổ sung nhằm hoàn thiện báo cáo. Hội đồng đã thống nhất nghiệm thu cấp cơ sở và tiến hành các thủ tục nghiệm thu cấp tỉnh.

Phòng Khoa học và HTQT,
Viện Bảo vệ thực vật

Tin liên quan