Hội nghị tổng kết Dự án khuyến nông thanh long

Thanh long là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và chiếm tỉ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu (trên 1,1 tỉ USD). Việt Nam đứng đầu thế giới về cung ứng quả thanh long. Đến nay thanh long được trồng 60/63 tỉnh thành, trong đó Bình Thuận 31 ngàn ha, Long An 13 ngàn ha, Tiền Giang 8 ngàn ha, đồng thời cũng là 1 trong 12 loại cây ăn quả chủ lực của nước ta. Quả thanh long của Việt Nam được xuất khẩu đến trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Để phát huy được giá trị về hiệu quả của cây trồng có giá trị kinh tế cao, công tác quản lý sinh vật hại luôn là vấn đề cấp thiết. Trên cơ sở đó, Viện Bảo vệ thực vật đã thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ thanh long bền vững" giai đoạn 2018-2020.

Vừa qua, tại Bình Thuận, Viện Bảo vệ thực vật đã tổ chức Hội nghị tổng kết nhằm đánh giá kết quả đạt được và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Về dự Hội nghị có đại diện của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm KDTV và SNK II, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm khuyến nông, các doanh nghiệp, các hợp tác xã... và trên 50 hộ nông dân tiêu biểu về tham dự và chia sẻ kinh nghiệm.

Về phía Viện Bảo vệ thực vật có TS. Nguyễn Văn Liêm – Viện trưởng, cùng lãnh đạo phòng Khoa học và HTQT, lãnh đạo Văn phòng Viện, Kế toán trưởng và các thành viên thực hiện dự án trong nước và quốc tế.
Hội nghị đã nghe Báo cáo Tổng kết Dự án do TS. Hà Minh Thanh – Chủ nhiệm Dự án trình bày, 5 báo cáo đến từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận; Trung tâm Kiểm dịch thực vật và sau nhập khẩu II; Công ty Hợp Trí; Công ty Cổ phần Nafoods cùng các ý kiến thảo luận đến từ các HTX, hộ nông dân sản xuất điển hình tiên tiến...

Hội nghị đã thảo luận và ghi nhận các kết quả sau:

1. Xây dựng được 12 mô hình (quy mô 119ha) thâm canh và quản lý sinh vật hại tổng hợp cây thanh long tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Dự án đã hỗ trợ thuốc BVTV, phân bón, chế phẩm sinh học xử lý cành bệnh, cành già và phòng chống bệnh hại cho 230 hộ nông dân ở 3 tỉnh.

2. Tổ chức thành công 38 lớp đào tạo tập huấn cho nông dân và cán bộ trong và ngoài mô hình với sự tham gia của 1135 lượt người. Sau tập huấn, 100% nông dân đều nắm vững những kiến thức đã được tập huấn và thực hành tại thực địa theo đúng quy trình của Viện BVTV về quản lý bệnh đốm nâu nói riêng và quản lý sinh vật hại nói chung trong sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP.

3. Hơn 200ha diện tích trồng thanh long tại xã Hàm Minh, xã Hàm Liêm, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; các HTX tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang đã được cấp mã số vùng trồng, được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP, đồng thời sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Châu Âu.

4. Đã hỗ trợ và phối hợp cùng người nông dân tại HTX Hàm Minh 30 và Thuận Tiến trong việc ký kết hợp đồng với Công ty Thịnh An, Công ty Đạt Vinh... về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu đến thị trường Hàn Quốc và Thụy Sĩ.

Từ kết quả đạt được và sự chỉ đạosát sao của Sở Nông nghiệp và PTNT, sự khát khao của người dân trồng thanh long ở Bình Thuận, chắc chắn rằng, Bình Thuận sẽ sớm thành công trồng thanh long hữu cơ trên quy mô lớn.

 

Một số hình ảnh kiểm tra mô hình và Hội nghị tổng kết Dự án

 

 

 

 

 

 

 

 

Phòng Khoa học và HTQT, Viện Bảo vệ thực vật

Tin liên quan