Hội nghị đánh giá mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGap tại Bình Lư, Tam Đường, Lai Châu

Sáng ngày 02/11, Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị đánh giá mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGap trong dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng, chế biến bột cây dong riềng chất lượng cao và xây dựng thương hiệu miến dong Bình Lư” tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường. Tới dự Hội nghị có PGS.TS. Lã Tuấn Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Tài nguyên thực vật, các đại biểu đại điện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu. Về phía các cơ quan chuyên môn của huyện Tam Đường có đồng chí Nguyễn Hồng Quân – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, đồng chí Trần Văn Thắng – Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng, đại điện Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện. Ngoài ra còn có đại điện UBND, Thường trực Đảng ủy, HĐND, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể xã Bình Lư cùng các hộ đang tham gia mô hình trồng dong riềng và sản xuất miến dong tại địa phương.

Đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGap năm 2021 tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

TS. Hoàng Thị Nga, chủ nhiệm dự án, đã trình bày báo cáo đánh giá mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGap, được triển khai thực hiện với diện tích 5,5 ha gồm 19 hộ tham gia tại các bản Thống Nhất, Hoa Vân, Thèn Thầu, KM2 và Toòng Pẳn thuộc xã Bình Lư, huyện Tam Đường. Năng suất trung bình dự kiến đạt 55 – 65 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 13-14%. Thực tế cho thấy năng suất thực thu cao hơn, điển hình như ở hộ Trần Thị Nhẫn bản Thống Nhất, hộ Đàm Xuân Vững bản Toòng Pẳn… có năng suất đạt 70 – 80 tấn/ha.

Tham gia mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGap, ngay từ tháng 3/2021 các hộ đã được đào tạo tập huấn về kỹ thuật canh tác dong riềng theo hướng VietGap, được cấp củ giống dong riềng đỏ đạt tiêu chuẩn củ giống tốt, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm… trước khi tiến hành trồng. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe ý kiến chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế và Hạ tầng nhằm hoàn thiện báo cáo mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGap cũng như đẩy nhanh tiến độ của dự án để sớm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Miến dong Bình Lư” trong năm 2022.

Đại biểu thăm mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGap năm 2021 tại bản Thống Nhất, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu

Đại diện các hộ dân tham gia mô hình, ông Trần Văn Nhẫn ở bản Hoa Vân vui mừng khi được tham gia mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây dong riềng tại Bình Lư nhằm tăng năng suất, chất lượng và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ông Lù Kim Sơn bản Thèn Thầu cũng đưa ra những băn khoăn khi cây dong riềng có hiện tượng thối thân, thối củ trong quá trình canh tác, ảnh hưởng đến năng suất và đề nghị các cơ quan chức năng địa phương, các nhà khoa học sớm tìm giải pháp để kiểm soát bệnh một cách triệt để giúp bà con.

PGS.TS Lã Tuấn Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Tài nguyên thực vật phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS.TS Lã Tuấn Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên thực vật, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGap thực hiện tại xã Bình Lư trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Mô hình cho thấy cây sinh trưởng phát triển đồng đều, ít bị bệnh cho năng suất cao, chất lượng tốt. Thay mặt Trung tâm, đồng chí gửi lời cảm ơn tới Sở Khoa học và Công nghệ Lai Châu, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tam Đường và UBND xã Bình Lư đã quan tâm giúp đỡ nhóm thực hiện dự án và mong muốn chủ nhiệm dự án cùng các cộng sự lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo.

Tin liên quan