Sáng ngày 25/6/2021, Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT đến Thăm và làm việc với Viện Bảo vệ thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Thành phần đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT gồm có:
1. Đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT
2. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường
3. Đồng chí Ngô Trường Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Thư ký của Bộ trưởng
4. Đồng chí Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật
Về phía Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Về phía Viện Bảo vệ thực vật, gồm có:
1. Đồng chí Nguyễn Văn Liêm – Viện trưởng
2. Đồng chí Trịnh Xuân Hoạt – Phó Viện trưởng
3. Đồng chí Hà Minh Thanh – Phó Viện trưởng
4. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Viện trưởng
5. Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc
Đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT thăm khu nhà lưới thí nghiệm của Viện Bảo vệ thực vật
Tại buổi làm việc, Đồng chí Nguyễn Văn Liêm –Bí thư Đảng ủy – Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật đã báo cáo một số kết quả hoạt động khoa học công nghệ nổi bật của Viện giai đoạn 2013 – 2020. Trong thời gian này, ngành Nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và số lượng các mặt hàng xuất khẩu tăng lên rõ rệt, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì Nông nghiệp được xác định là trụ đỡ để phát triển kinh tế và ổn định đời sống xã hội.
Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh hại luôn có diễn biến phức tạp, đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Một số loại sinh vật hại mới, mới nổi và sinh vật ngoại lai xâm lấn đã xuất hiện và bùng phát thành dịch như sâu keo mùa thu hại ngô, bệnh virus khảm lá sắn ... và có nguy cơ sẽ tiếp tục bùng phát thành dịch trong thời gian tới. Năm 2009, dịch bệnh lúa lùn sọc đen phương Nam đã lần đầu tiên bùng phát tại Nghệ An và sau đó lan nhanh ra nhiều tỉnh thành phía Bắc, năm 2017 bệnh lại bùng phát quay trở lại và gây hại ởcác tỉnh miền Bắc, điểm đầu tiên tái bùng phát cũng chính là ở Nghệ An cũng đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất lúa ở Việt Nam.
Năm 2013, dịch rầy nâu bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, kéo theo dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại nặng cho sản xuất lúa của nước ta, Năm 2017, bệnh virus khảm lá sắn xâm nhập vào Viêt Nam và từ đó đến nay, diện tích sắn bị bệnh virus khảm lá tăng nhanh và gây hại ở trên 21 tỉnh thành làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu sắn của Việt Nam. Bên cạnh đó, dịch bệnh đốm nâu thanh long, bệnh chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu (2012 – 2017) cũng đã gây ra nhiều tổn thất nặng nề cho sản xuất.
Trong giai đoạn này có một số đối tượng mới xuất hiện, đối tượng ngoại lai xâm lấn đã xuất hiện và gây hại như sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda), sâu đục lá cà chua nam Mỹ (Tuta absoluta), sâu róm (Lymantria schaeferi) hại trên cây gỗ nghiến tại Lạng Sơn, bệnh khô cành cây măng tây (Phomopsis asparagi), bệnh héo cây hoa cúc (Fusarium falciforme), bệnh đốm nâu trên nấm mỡ (Lecanicillium fungicola var. aleophilum), bệnh thối rễ vàng lá sầu riêng (Phytopythium vexans)... Nhện Schizotetranychus sp. hại cây có múi ở Việt Nam, rệp sáp giả Planococcus lilacinus (Cockerell)(Hemiptera: Pseudococcidae) hại rễ cây ăn quả có múi tại Cao Phong (Hòa Bình), loài rầy hại lá cây Xoài ở Việt Nam Calophya mangiferae Burckhardt & Basset (Hemiptera:Psyllidae).
Đồng chí Nguyễn Văn Liêm –Bí thư Đảng ủy – Viện trưởng Viện BVTV báo cáo một số kết quả hoạt động khoa học công nghệ nổi bật của Viện giai đoạn 2013 – 2020
Trước tình hình trên, Viện BVTV đã tích cực tham gia nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý chuyên ngành cùng vào cuộc, kịp thời xử lý, dập dịch và quản lý sinh vật gây hại trên cây trồng nông lâm nghiệp, các đối tượng kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật trên phạm vi cả nước để góp phần vào việc bảo vệ sản xuất các cây trồng chính của quốc gia.
Để đạt được những thành tích như báo cáo với Bộ trưởng, bên cạnh việc yêu ngành, yêu nghề và không ngại khó, ngại khổ của các cán bộ, Viện cũng nhận được sự quan tâm, sự chỉ đạo sát sao của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các cơ quan quản lý cấp trên. Tuy nhiên, Viện BVTV cũng đang đối mặt với những thách thức, khó khăn về trang thiết bị nghiên cứu, nguồn nhân lực, đăng ký sản phẩm thương mại và cơ chế quản lý chồng chéo, nhiều cấp quản lý dẫn tới việc chậm trễ trong việc phê duyệt các đề cương, thuyết minh và các hợp đồng nghiên cứu. Qua đó, Viện BVTV đã kiến nghị:- Công tác điều tra phát hiện sớm, nghiên cứu cơ bản về đặc điểm sinh học, sinh thái và quy luật phát sinh gây hại của các loại sinh vật mới, mới nổi cần được quan tâm và ưu tiên kinh phí để thực hiện.- Được đầu tư, nâng cấp các phòng thí nghiệm, nhà lưới phục vụ công tác đánh giá có kiểm soát tính chống chịu sâu bệnh của các cây trồng chủ lực của quốc gia.- Tạo điều kiện thuận lợi về việc đăng ký chế phẩm sinh học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu sản xuất thực phẩm hữu cơ, thực phẩm an toàn cho nội tiêu và xuất khẩu.- Được đầu tư phòng thí nghiệm công nghệ sinh học vi sinh vật – enzyme để nghiên cứu, phát triển và kiểm định chất lượng, an toàn sinh học của các chế phẩm sinh học.- Được chỉ định vào mạng lưới kiểm định chất lượng giống, thuốc BVTV, chất lượng nông sản của các Cục chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn nhất trí với báo cáo của Viện BVTV và nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Viện BVTV trong ngành nông nghiệp. Đồng thời Đồng chí đã khẳng định: Nếu không có Viện BVTV thì các đợt dịch bệnh không thể kiểm soát kịp thời; Nếu không có Viện BVTV thì quả thanh long, quả vải có thể chưa xuất khẩu được.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Đồng ý với các khó khăn của Viện, Đồng chí Ngô Trường Sơn nhận định, Viên BVTV chưa nhận được sự đầu tư đúng mức trong thời gian vừa qua và rất ấn tượng với những nỗ lực và thành tựu của Viện BVTV. Trong điều kiện trang thiết bị hạn chế, nhưng Viện đã có được số lượng xuất bản khoa học trong nước và quốc tế rất đáng tự hào. Gợi ý tháo gỡ vướng mắc và khó khăn của Viện, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thủy đề nghị Viện BVTV cần có kế hoạch cụ thể và chủ động hơn để đón các nguồn đầu tư của Nhà nước theo từng giai đoạn. Về phía Cục Bảo vệ thực vật, Đồng chí Nguyễn Quý Dương đề nghị các lãnh đạo Viện, các chủ nhiệm đề tài cần có những chiến lược trong việc đăng ký sản phẩm, nghiên cứu công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường phát biểu tại buổi làm việc
Trên cơ sở báo cáo và lắng nghe các ý kiến từ đội ngũ lãnh đạo của Viện BVTV, Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của Viện BVTV. Bộ trưởng đã chỉ đạo, đồng thời động viên, truyền cảm hứng đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Viện tiếp tục phát huy, hãy làm hết sức mình để phục vụ sản xuất và sẵn sàng chia sẻ cho cộng đồng. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ cũng như ứng dụng công nghệ số trong sản xuất để cùng nhau "Nâng tầm nông sản Việt Nam".