Thực hiện công văn số 910/KN-TTTT của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về Kế hoạch Thông tin tuyên truyền năm 2023, ngày 12 – 13 tháng 10 năm 2023, Công đoàn Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế tổ chức tọa đàm “Giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dâu tằm tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trong vùng để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tại tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2024 - 2030, đồng thời đề xuất hệ thống các giải pháp, cơ chế chính sách và định hướng chiến lược trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dâu tằm các tỉnh Tây Nguyên.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tới dự tọa đàm có Tiến sĩ Đặng Bá Đàn, trưởng Văn phòng Thường trực khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, thuộc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Thạc sĩ Hoàng Thị Hiền, Chủ tịch Công đoàn; Tiến sĩ Nguyễn Thế Yên, Phó trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Thị Min, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương; Thạc sĩ Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng; ông Hoàng Sĩ Lĩnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; Tiến sĩ Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam; các doanh nghiệp; nhà quản lý; nhà khoa học; các chuyên gia và 70 hộ gia đình trồng dâu nuôi tằm tại huyện Bảo Lộc, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Hoàng Thị Hiền, Chủ tịch Công đoàn Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm
Tọa đàm đã thông qua 05 nội dung: 1) Tình hình trồng dâu, nuôi tằm ở Việt Nam hiện nay và định hướng phát triển trong thời gian tới; 2) Thực trạng và định hướng phát triển dâu tằm tại huyện Lâm Hà, Huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng; 3) Thuận lợi, khó khăn và đề xuất một số giải pháp trong việc cung ứng giống dâu, tằm tại Lâm Đồng; 4) Các giống dâu, tằm mới… các tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng vào sản xuất dâu tằm cho vùng Tây Nguyên; 5) Các giải pháp liên kết chuỗi trong sản xuất dâu, tằm, chế biến tơ xuất khẩu và những kiến nghị đề xuất về cơ chế chính sách hỗ trợ và 15 ý câu hỏi thảo luận, các đề xuất, kiến nghị.
Trước đó, ngày 12/9/2023 đại biểu đã đến thăm mô hình nuôi tằm con tập trung lớn nhất cả nước của công ty dâu tằm tơ Huy Trang thuộc xã Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Tại mô hình bà con đã được thăm quan, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm thực tế từ khâu ấp trứng đến nuôi tằm, vệ sinh phòng bệnh... Trong quá trình thăm quan người nuôi tằm đã cởi mở trao đổi trực tiếp về những vấn đề vướng mắc trong kĩ thuật chọn giống, nuôi, phòng bệnh của người nuôi tằm với Tiến sĩ Nguyễn Thị Min, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương.
TS. Nguyễn Thế Yên, Phó trưởng Ban Khoa học và HTQT Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tọa đàm
Với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và sự tham gia đóng góp ý kiến của 8 hộ trồng dâu, nuôi tằm; của doanh nghiệp; các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại buổi tọa đàm đã mang lại ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp cho các cơ quan chức năng dần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đồng thời đề ra những giải pháp thích hợp, nhằm phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới không ngừng phát triển tại tỉnh Lâm Đồng mà ngày càng lan tỏa đến các vùng miền của cả nước, góp phần lưu giữ ngành nghề truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Th.S Trần Văn Tuận Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến
Ý kiến của Th.S Trần Văn Tuận Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng: Lâm Đồng là thủ phủ trồng dâu, nuôi tằm (>73% diện tích trồng dâu và sản phẩm tơ kén của cả nước).
- Khó khăn: những năm gần đây diện tích dâu tằm đã giảm và kỹ thuật còn manh mún, tuyến trùng hại dễ cây dâu; 100% giống tằm lưỡng hệ nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên không kiểm soát được dịch bệnh, do đó người nông dân và các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro khi đầu tư. Trong khi đó, nếu nhập khẩu theo đường chính ngạch sẽ nâng giá thành lên gấp 5 lần thì ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nông dân do chi phí đầu tư cao.
- Thuận lợi: Diện tích trồng dâu thuận lợi do được ưu thế về thời tiết, thổ nhưỡng, giá kén cao (từ 180.000 - 200.000đ/kg) và được chính quyền tỉnh Lâm Đồng ưu tiên đầu tư dự án trồng dâu nuôi tằm bền vững, với quy mô trên 15.000ha, vì vậy đề nghị Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương; Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam (DTTVN) đưa ra các giải pháp về chuỗi liên kết từ giống theo đường chính ngạch, từ tiến bộ khoa học (TBKH) để sản xuất ra giống tằm cung cấp cho thị trường một cách bền vững.
TS. Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam phát biểu ý kiến
Ý kiến của TS Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam: Hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về sản lượng tơ: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam
- Giải pháp về Khoa học công nghệ (KHCN): Đặc biệt tập trung nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống tằm lưỡng hệ chất lượng cao cho các vùng thuận lợi như Lâm Đồng, Đắc Nông, Gia Lai, Yên Bái, Lào Cai... tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để nâng cao tỷ lệ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất về giống và các tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng và ươm tơ;
- Giải pháp về chuỗi liên kết: Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các hợp tác xã sản xuất kinh doanh dâu tằm nhằm tập hợp nông dân sản xuất theo qui mô lớn. Hợp tác xã đóng vai trò đại diện cho nông dân ký hợp đồng, liên kết với doanh nghiệp; tổ chức các dịch vụ chung như cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, bảo quản, tìm đầu ra cho sản phẩm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng thu nhập cho từng hộ nông dân. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dâu tằm tơ lụa, đặc biệt đầu tư vào sản xuất trứng tằm lưỡng hệ chất lượng cao và xây dựng vùng nguyên liệu, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất dâu tằm. Sản xuất theo tiêu chuẩn chung với sản lượng lớn đồng đều, bảo đảm chất lượng, tăng giá trị hàng hóa và tăng thu nhập, nghiên cứu xây dựng thương hiệu tơ lụa giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường. Mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất dâu tằm tại Lâm Đồng đó là: Trồng dâu - Cung ứng trứng giống tằm - Nuôi tằm con tập trung - Nuôi tằm lớn - Thu mua kén - Ươm tơ - dệt lụa - Xuất khẩu.
TS. Đặng Bá Đàn– Trưởng văn phòng thường trực tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Trung tâm Khuyên nông Quốc Gia phát biểu ý kiến
Bế mạc tọa đàm TS. Đặng Bá Đàn, Trưởng Văn phòng thường trực tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Trung tâm Khuyên nông Quốc Gia đề xuất một số giải pháp: Đề nghị các ngành, cơ quan chức năng cần quan tâm, đàm phán với cơ quan chức năng có thẩm quyền của Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được nhập khẩu trứng tằm theo đường chính ngạch, đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu trứng giống tằm tìm các nguồn cung cấp giống từ các nước khác để tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.
- Tăng cường công tác nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất trứng giống tằm chọn tạo trong nước đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu nhằm chủ động nguồn giống trong nước, hạn chế thấp nhất việc phụ thuộc vào nước ngoài.
- Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phát triển ngành dâu tằm tơ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, trong đó cần chú trọng hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách phát triển ngành dâu tằm tơ và các quy định có liên quan đến các cấp, các ngành, địa phương, các hội và đoàn thể và nông dân/doanh nghiệp trong tỉnh; Tăng cường đẩy mạnh các hình thức liên kết trong sản xuất; Tăng cường các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó cần có đào tạo nghề đối với lĩnh vực dâu tằm tơ.
Một số hình ảnh thăm mô hình và tọa đàm “Giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dâu tằm” tại tỉnh Lâm Đồng
Tiến sĩ Nguyễn Thị Min, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật ấp trứng, nuôi tằm, vệ sinh phòng bệnh ... với hộ trồng dâu, nuôi tằm
Thảo luận của các hộ trồng dâu, nuôi tằm và giải đáp của các nhà khoa học và cơ quản chức năng