Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Môi trường Phùng Đức Tiến làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Nhằm lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học trong triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, chiều ngày 25/4/2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã có cuộc làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Tại buổi làm việc, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết 57 đã được các đại biểu tập trung thảo luận chi tiết.

 

            Báo cáo với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Môi trường Phùng Đức Tiến về công tác nghiên cứu 2024, kế hoạch 2025 và đề xuất nhiệm vụ giai đoạn 2026-2030, lãnh đạo Viện VAAS cho biết: Năm 2024 VAAS thực hiện 190 nhiệm vụ khoa học công nghệ (gồm 61 nhiệm vụ cấp Quốc gia, 129 nhiệm vụ cấp Bộ); 53 nhiệm vụ hợp tác quốc tế; 213 nhiệm vụ khoa học công nghệ địa phương và 24 hợp đồng dịch vụ. Trong năm 2024 có 175 nhiệm vụ kết thúc và được nghiệm thu (trong đó 25 nhiệm vụ khoa học cấp Bộ và 20 nhiệm vụ Quốc gia); mở mới 117 nhiệm vụ, chủ yếu là nhiệm vụ địa phương; công nhận 67 giống mới và 197 tiến bộ kỹ thuật, quy trình kỹ thuật cấp cơ sở.

toàn cảnh

Quang cảnh buổi làm việc

Về nhiệm vụ năm 2025, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện đang triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội; xây dựng các chương trình hành động cụ thể thực hiện NQ 57; tăng cường phối hợp giữa các Ban và các Đơn vị thành viên, đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN đúng tiến độ, chất lượng; Hợp tác với các địa phương, tăng cường kết nối và hợp tác quốc tế; duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với Cục, Vụ và chủ động đề xuất các nhiệm vụ trong khuôn khổ các chương trình trọng điểm.

anh Sơn

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

 phát biểu tại buổi làm việc

Các nhiệm vụ khoa học công nghệ VAAS sẽ ưu tiên trong giai đoạn từ 2026-2030 bao gồm: Nghiên cứu cơ bản có định hướng chọn tạo giống, nhân giống và thâm canh giống cây trồng; ứng dụng công nghệ sinh học hài hoà với công nghệ truyền thống, đánh giá và khai thác hiệu quả tài nguyên di truyền bản địa, tài nguyên đất; thu thập, bảo tồn, phát triển nguồn vật liệu phục vụ công tác chọn tạo giống, ưu tiên phục tráng các giống bản địa, đặc hiệu có chất lượng và kiến thức bản địa; Nghiên cứu tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm; ứng dụng công nghệ 4.0 trong dự báo, phát hiện các dịch bệnh mới, khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất, nước và canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chính xác, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; đẩy mạnh hợp tác quốc tế đa phương và song phương trong nghiên cứu khoa học, tiếp nhận công nghệ mới, chia sẻ kinh nghiệm

Phát biểu tại buổi làm việc, các nhà khoa học thuộc Viện VAAS chia sẻ thêm về một số vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ trong thời gian tới, trong đó nổi bật là yêu cầu cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm và nguồn nhân lực cho nghiên cứu khoa học. Vì hầu hết các trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của Viện hiện đang chưa thật đồng bộ và sắp xếp, phân bổ chưa tập trung, nên chưa tận dụng được tối đa công năng của những trang thiết bị hiện có.

a Long

Ông Nguyễn Văn Long – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&MT phải biểu tại buổi làm việc

Ngoài ra, đại diện Ban Lãnh đạo Viện VAAS cũng cho biết thêm: hiện nay, thiết bị quan trắc ngoài thực địa đang rất thô sơ và chưa thể đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu ngoài đồng ruộng.

Theo đó, Viện VAAS đề xuất sắp tới Viện cần phải được đầu tư đồng bộ và bao trùm về hệ thống máy móc cả trong phòng thí nghiệm và ngoài thực địa, không đầu tư một cách tản mát cho từng Viện hay các Trung tâm thành viên. Từ đó, vừa tránh đầu tư dàn trải, vừa tận dụng tối đa tài nguyên từ các dữ liệu nghiên cứu của các đơn vị trong hệ thống của Viện VAAS. Cùng với đó là tạo cơ chế đặc biệt để đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm các nhà khoa học trẻ và các nhà khoa học có kinh nghiệm muốn tiếp tục cống hiến cho nghiên cứu khoa học công nghệ lĩnh vực trồng trọt.

a Toan

GS.TS Phạm Văn Toản – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Lãnh đạo Viện VAAS cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp & Môi trường chấp thuận phương án nghiên cứu khoa học theo hướng tạo điều kiện cho các đề tài tiềm năng tiếp tục được triển khai, chấp nhận rủi ro trong một số đề tài nghiên cứu, để nhà khoa học được thỏa sức sáng tạo, mang lại những giá trị nền, giá trị mang tính kế thừa giữa các giai đoạn, phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ dài hơi cho tương lai. Các nhiệm vụ và mục tiêu nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện được xác định luôn song hành với 2 lĩnh vực cốt lõi hiện nay đó là chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.

a Tien

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Môi trường Phùng Đức Tiến

phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Nhất trí cao với một số nội dung đề xuất của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Sắp tới Bộ sẽ tổ chức Hội nghị toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 57 và nghị quyết 193 về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thống nhất cao về phương án phải đầu tư một cách căn cơ, bài bản và có đột phá mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bằng những cơ chế ưu đãi đặc biệt; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để tận dụng thành quả nghiên cứu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế; hỗ trợ các nước có nền khoa học lĩnh vực trồng trọt chậm phát triển hơn Việt Nam. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cần coi Nghị quyết 57 của Trung ương và Nghị quyết 193 của Quốc hội là cơ hội rất lớn để đầu tư cho khoa học công nghệ, từ đó tạo bước tiến mạnh mẽ và vững chắc cho phát triển khoa học công nghệ phục vụ ngành trồng trọt nói riêng, cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn nước nhà trong thời gian tới.

Thực hiện: Trần Dương - Ban Thông tin & Đào tạo - VAAS

Tin liên quan