Phát triển chuỗi nông nghiệp xanh

Nâng cao năng lực của hợp tác xã là mấu chốt để chuyển đổi từ nền nông nghiệp manh mún, tự phát sang hướng xanh hóa.

''

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tham quan sản xuất nông nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.VIỆT

Ghi nhận ở Hội An

Chương trình nông nghiệp hữu cơ của TP.Hội An được khởi động từ năm 2013, tổ chức thực hiện từ năm 2014, đến năm 2015 Hội An đã ban hành phương án phát triển giai đoạn 2015 - 2020.

Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, đến nay nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả, có 9 mô hình sản xuất hữu cơ. Tổng kinh phí đầu tư gần 6,7 tỷ đồng (trong đó huy động từ các tổ chức phi chính phủ hơn 1,1 tỷ đồng). Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu Hội An Organic và Hội An đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hội An Organic.

Theo Phòng Kinh tế TP.Hội An, để đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ cho người nông dân, cần thông qua các hoạt động tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ thuật canh tác hữu cơ, phương pháp quản lý sâu bệnh hại theo phương pháp hữu cơ; tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi thói quen, tập quán canh tác cũ, nói không với sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học..

Ban điều phối PGS (nông nghiệp hữu cơ) Hội An đã được thành lập, có trách nhiệm giám sát, thanh tra và cấp chứng nhận PGS cho sản phẩm hữu cơ “Hội An Organic”.

Hiện tại tất cả sản phẩm được cấp chứng nhận PGS đều được dán tem nhãn hiệu chứng nhận “Hội An Organic” với đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc gồm nhóm sản xuất, người sản xuất, ngày thu hoạch.

Theo ông Lê Đình Tường, tổng diện tích đất sản xuất hữu cơ ở Hội An hơn 3,7ha với 28 hộ tham gia (nhóm nông dân, 1 hộ cá thể và 2 HTX). Đã có 20 chủng loại rau quả, năng suất đạt bình quân 200kg/tháng/sào, doanh thu khoảng 5 triệu đồng/tháng/sào.

Năm 2023, Hội An đã triển khai 3 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Dự án liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ lúa hữu cơ tại cánh đồng mẫu 1,5ha xã Cẩm Thanh.

Dự án xây dựng, nâng cao chuỗi sản phẩm mứt Atiso, siro Atiso, các loại trà hữu cơ quy mô 2.500m2 ở xã Cẩm Thanh. Mô hình trồng cây quật đất theo hướng hữu cơ hơn 0,6ha ở xã Cẩm Hà. Ngoài ra, Hội An còn 24,5ha rau, quả được chứng nhận VietGAP (18,5ha rau Cẩm Hà, 6ha chuối Cẩm Kim), 2ha rau, quả chứng nhận theo tiêu chí an toàn.

Qua 10 năm triển khai, các vùng sản xuất rau hữu cơ Hội An đã nâng cao thu nhập cho người nông dân; bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch; tạo điểm tham quan học tập cho học sinh, sinh viên và du khách. Thực tế sản xuất nông nghiệp xanh ở Hội An đã cho thấy vai trò tổ chức của các HTX bởi huy động được cả chuỗi giá trị trồng trọt - chế biến - phân phối.

Vai trò của HTX

Nhiều ý kiến cho rằng, có 2 mấu chốt thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh Quảng Nam là cơ chế hỗ trợ làm đòn bẩy, động lực và năng lực dẫn dắt phát triển, khẳng định vai trò chủ thể của các HTX.

Về cơ chế, chính sách, đó là hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới để triển khai nông nghiệp xanh hiệu quả; hỗ trợ HTX liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm, quảng bá, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cơ chế thiết thực nhất là hỗ trợ về vốn, tín dụng. Về điểu này, Quảng Nam đã có tín dụng chính sách, tín dụng nông nghiệp, nông thôn; quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tuy nhiên với tín dụng thương mại, các HTX rất khó tiếp cận.

Phát triển nông nghiệp xanh vừa mở ra cơ hội cho các HTX nhưng cũng là thách thức lớn của các HTX. Không ít HTX trên địa bàn tỉnh có năng lực nội tại yếu, hiệu quả hoạt động thấp, mô hình tổ chức lỏng lẻo, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế.

Phần lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp. Các HTX khó áp dụng các công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến để sản xuất xanh, sạch, giảm phát thải carbon.

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, các HTX cần vận động, thích ứng với yêu cầu đổi mới, chuyển hướng sang nông nghiệp xanh. Có vậy mới có thể hấp thụ được các cơ chế hỗ trợ, nhất là tạo nên sản phẩm chất lượng để được trợ lực xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh đang trở thành xu thế phát triển trên toàn cầu để giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đề cao sáng tạo của nền kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, định hướng phát triển nông nghiệp Quảng Nam là xanh hóa, xuất khẩu chính ngạch để tăng giá trị kinh tế thu được. UBND tỉnh định hướng, khuyến khích phát triển, vấn đề quan trọng là vai trò của các HTX liên kết với doanh nghiệp, tổ chức, quản lý sản xuất với người nông dân và chế biến, phân phối hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu.

 NGUYỄN QUANG

Nguồn
https://baoquangnam.vn/

Tin liên quan