Nhờ phát huy hiệu quả của các HTX, cùng thế mạnh từ nông nghiệp sinh thái, đang giúp huyện vùng biên Hướng Hóa (Quảng Trị) hình thành các vùng sản xuất có giá trị cao, tăng thu nhập, mức sống cho người dân địa phương.
Hướng Hóa là huyện vùng biên nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, với nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, vì vậy nông nghiệp được xác định là lĩnh vực chủ lực. Tùy vào tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, huyện đã xây dựng các vùng chuyên canh như cà phê, hồ tiêu, chuối, sắn... đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Điểm sáng HTX
Trong nhiều thế mạnh đang được ngành nông nghiệp chú trọng, phát triển cây cà phê theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường là một trong những hướng đi quan trọng được huyện dành nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển, nhằm đem lại lợi ích bền vững cho người dân.
Một trong những điển hình thành công phát triển mô hình trồng cà phê sạch theo chuỗi là HTX nông sản Khe Sanh, xã Hướng Tâm. Đến nay, HTX có 30 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến tiêu thụ cà phê theo hướng canh tác bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh.
Cà phê đang ngày càng cho thấy giá trị cao ở Hướng Hóa nhờ tiến bộ kỹ thuật.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX, cho biết trước đây nông dân trồng và chăm sóc cà phê theo phương thức truyền thống, lạm dụng hóa chất gây ảnh hưởng năng suất, chất lượng cây trồng, suy giảm niềm tin người tiêu dùng dẫn đến thị trường tiêu thụ luôn khó khăn.
Trong bối cảnh đó, HTX nông sản Khe Sanh được thành lập, hướng tới sản xuất an toàn sinh thái. Để hiện thực hóa mục tiêu, HTX đã phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương để vận động bà con bỏ lối canh tác cũ và thói quen thu hoạch cà phê xanh, ngâm nước, thay vào đó là sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ.
Đáng chú ý, cùng với việc thay đổi tư duy sản xuất, HTX cũng chủ động kết nối với doanh nghiệp để hỗ trợ thành viên, nông dân liên kết nâng cao khoa học kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Tính đến đầu năm 2024, HTX Khe Sanh đã liên kết với 115 hộ để trồng 168 ha cà phê chất lượng cao, tiêu thụ 3.000 tấn cà phê tươi cho người dân để chế biến cà phê sạch. Đồng thời, thực hiện chế biến sâu và tiêu thụ 16 tấn cà phê chất lượng cao ra thị trường. Cùng với đó, HTX đã sản xuất 150 tấn phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê cung ứng cho người dân chăm sóc cây trồng...
Hiệu quả nhờ liên kết
“Thời gian qua, HTX đã thực hiện mô hình khép kín từ vùng sản xuất đến khâu chế biến sâu nên đảm bảo được chất lượng sản phẩm, nguyên liệu ổn định. Cùng với 30 thành viên góp vốn của HTX, chúng tôi còn có đội ngũ thành viên liên kết ổn định, HTX có hợp đồng liên kết thu mua thường xuyên, cam kết thu mua nguyên liệu với mức giá cao hơn giá thị trường 30% cho người dân”, Giám đốc HTX Nguyễn Thị Hằng cho hay.
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đang mở ra cơ hội thoát nghèo, nâng cao thu nhập cho hàng trăm thành viên, nông dân liên kết, trong đó có nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Ước tính, giá trị sản xuất bình quân của HTX hiện đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Người lao động tại HTX có lương bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Các HTX đang đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở Hướng Hóa.
Tương tự như Khe Sanh, HTX dịch vụ sản xuất cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây Bắc Hướng Hóa, thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, cũng đang là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho thành viên, nông dân liên kết.
Sự ra đời của HTX đã tập hợp và làm thay đổi tập quán, tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó xây dựng thành công vùng trồng, chế biến cà phê sạch, bảo vệ môi trường trên địa bàn xã Hướng Phùng, vùng đất trồng cà phê lớn nhất huyện.
Ông Lê Đình Phức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa, cho biết từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, HTX đã tập huấn cho các thành viên biết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cà phê theo đúng tiêu chuẩn doanh nghiệp yêu cầu để có thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn gấp đôi thị trường và ổn định từ đầu đến cuối vụ.
Cụ thể, nông dân tham gia HTX trồng cà phê Arabica sạch được bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định 10.000 đồng/kg, trong khi giá sản phẩm quả cà phê tươi trong vùng chỉ ở mức 4.000 đồng/kg.
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng vùng nguyên liệu cà phê sạch, HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa đang hướng tới việc chế biến sâu sản phẩm cà phê hữu cơ bằng đề án xây dựng một xưởng chế biến theo công nghệ hiện đại cho sản phẩm cà phê mang thương hiệu địa phương.
Cùng với cây cà phê, đề án chuyển đổi đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây cao su cũng đang được huyện Hướng Hóa triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, đề án đang được thực hiện tại các xã Xy, A Dơi, Lìa, Nhà nước hỗ trợ 40% kinh phí về cây giống và tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật.
Phát triển du lịch nông nghiệp
Cùng với đà phát triển của các HTX, ngành nông nghiệp huyện Hướng Hóa cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông dân.
Với nhiều thuận lợi như khí hậu mát mẻ, nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt nơi đây có rất nhiều nông trại rất thích hợp để phát triển du lịch nông nghiệp, việc khai thác hiệu quả những tiềm năng và lợi thế này sẽ góp phần giúp cho người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo bền vững.
Đến nay, huyện Hướng Hóa có gần 20 mô hình du lịch nông nghiệp. Nổi bật như mô hình Khe Sanh Valley Farm ở thị trấn Khe Sanh có diện tích 3,5 ha là đất trồng cây lâu năm được sử dụng vào mục đích phục vụ nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, dịch vụ ăn uống.
Hay như mô hình du lịch Bảo Nguyên Xanh, xã Hướng Tân, có diện tích gần 2 ha sử dụng đất vào mục đích dịch vụ kinh doanh ăn uống, giải trí, lưu trú, trong đó có hơn 11.000m2 đất trồng cây lâu năm, với đủ loại hoa thơm trái ngọt để du khách trải nghiệm.
Đang có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa nhấn mạnh các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng phương thức để thu hút khách tham quan.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị, nhấn mạnh sản phẩm du lịch nông nghiệp cần phải độc đáo, lạ và có tính bền vững mới thu hút được khách du lịch.
Khi đó du lịch không chỉ giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo không gian cho du khách mỗi khi đến tham quan, thưởng ngoạn và được sống với không gian yên tĩnh của chốn làng quê. Phát triển du lịch nông nghiệp cần gắn với sản phẩm OCOP nhằm giải quyết thêm được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lực lượng lao động trẻ nông thôn.
Mỹ Chí