Trong bối cảnh giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, để giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, các địa phương đã khuyến khích, hướng dẫn người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chủ động sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ (PHC) thay cho phân bón hóa học.
Người dân xã Thành Minh (Thạch Thành) ủ phân hữu cơ.
Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 1,1 triệu tấn phân gia súc, gia cầm tại các trang trại chăn nuôi và các loại phế phụ phẩm khác như rơm, rạ, cỏ, lá rau, mùn cưa, tro, trấu... Đây là nguồn nguyên liệu PHC lớn cung cấp cho trồng trọt, nếu tận dụng hiệu quả sẽ giúp cung ứng một lượng dinh dưỡng cao cho cây trồng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, vừa giảm chi phí, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường...
Trên cánh đồng sản xuất xã Thành Minh (Thạch Thành), em Trương Thị Hiên Hiên cùng bà con nông dân đang thu gom cỏ mới cắt để đưa vào các bể chứa, ủ phân xanh. Đưa chúng tôi đi thăm ruộng dưa lê mới được người dân ủ phân, Hiên Hiên cho biết: Nông nghiệp hữu cơ có nhiều khó khăn từ chi phí, kỹ thuật sản xuất khắt khe... nên em luôn trăn trở nghiên cứu các phương pháp sản xuất sao cho tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Vì vậy, em cùng người dân gom cỏ, ốc bươu vàng, ngâm cùng nước sạch, muối, enzyme làm từ mật rỉ đường mía để làm PHC. Hỗn hợp này được ủ trong thời gian khoảng 1 tháng sẽ được sử dụng bón cho diện tích dưa chuột, dưa lê. Nhờ có nguồn PHC này không chỉ cung cấp cho cây trồng các chất dinh dưỡng cần thiết mà còn trả lại độ màu mỡ cho đất, giúp cho đất trồng luôn tơi xốp, kéo dài thời gian thu hoạch của cây trồng và nhất là giảm khoảng 50% chi phí sản xuất so với sử dụng các loại phân bón hóa học trên thị trường, đáp ứng được điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy, những sản phẩm của Hiên Hiên trồng, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ luôn bảo đảm chất lượng, an toàn với người sử dụng, được nhiều cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá và khẳng định quy trình chuẩn.
Hiện nay, bên cạnh những mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, các địa phương như Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Đông Sơn... đã hướng dẫn người dân phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại các hộ gia đình, từng bước thay đổi thói quen của người dân trong việc giữ gìn môi trường cũng như tiết kiệm chi phí đối với hoạt động sản xuất quy mô nhỏ lẻ. Theo đó, sau khi tiến hành phân loại rác, người dân sẽ sử dụng các loại lá, quả, rau xanh hỏng... ủ với men vi sinh, sau 40 đến 45 ngày sẽ có một lượng phân bón dùng cho cây trồng. Bên cạnh đó, nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh đã chủ động nuôi giun quế để lấy phân bón cho cây trồng, bởi trong phân trùn quế có hàm lượng dinh dưỡng cao; nhất là thích hợp ươm cây giống và trồng rau, củ, quả hữu cơ. Ông Nguyễn Văn Quế, xã Thiệu Công (Thiệu Hóa), cho biết: "Gia đình tôi đã nhiều năm chủ động sản xuất PHC cho diện tích cây ăn quả. Tôi sử dụng phân giun quế để bón lót và bón thúc cho cây vào các thời điểm trước khi cây ra hoa và sau mỗi đợt thu hoạch hoặc bón vào đầu và cuối mùa mưa. So với diện tích không dùng phân giun quế, tôi nhận thấy cây trồng ít sâu bệnh hại, đất luôn tơi xốp, tăng cường hấp thu dinh dưỡng... để cây đạt năng suất, chất lượng".
Hiện nhiều nông hộ trong tỉnh đã chủ động ủ PHC, vi sinh từ các phế, phụ phẩm nông nghiệp để chăm sóc cây trồng. Cách làm này đã cho thấy hiệu quả kép khi giảm chi phí sản xuất từ 30% đến 50% so với chi phí mua phân bón hóa học, góp phần cải thiện môi trường đất, kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao chất lượng nông sản... Với những ưu điểm đã được chứng minh, sử dụng PHC chính là một trong những giải pháp góp phần tạo ra nông sản an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để việc sử dụng PHC rộng rãi, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác dụng của PHC để người dân tin tưởng và áp dụng; khuyến khích người dân tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có tại gia đình, áp dụng các phương pháp ủ truyền thống kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao hiệu quả xử lý các phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt làm PHC. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật ủ PHC. Đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng PHC phù hợp, hiệu quả để người dân học tập và nhân rộng tại địa phương...
Bài và ảnh: Lê Ngọc