Báo động “sức khỏe” đất sản xuất

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người của Việt Nam thuộc loại thấp nhất trên thế giới, chỉ 0,25ha. Trong khi đó, “sức khỏe” đất cũng đang... có vấn đề.

''

Nông dân Hải Dương bón vôi để cải tạo đất bạc màu. Nguồn: HDO.

Đất đang mất dần chất dinh dưỡng

Đánh giá về thực trạng “sức khỏe” đất sản xuất hiện nay, PGS.TS Trần Minh Tiến - Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến đất bị suy thoái bạc màu, nhất là với địa hình có tới 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc, nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn, nghèo dinh dưỡng.

Ngoài ra, do chủ yếu canh tác lúa nước nên xảy ra hiện tượng rửa trôi dinh dưỡng. Với những vùng thâm canh, hiện tượng canh tác quá nhiều thường gây ra suy thoái và kiệt quệ dinh dưỡng.

Tình trạng thoái hóa đất cũng đang trở nên đáng báo động cả với loại hình thoái hóa tự nhiên như hoang mạc đá, hoang mạc đất khô cằn, hoang mạc cát, hoang mạc đất nhiễm mặn… Không những vậy, ô nhiễm đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cũng đã góp phần tiêu diệt hệ sinh vật có ích trong đất, làm giảm độ tơi xốp, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng từ đó làm ảnh hưởng “sức khỏe” đất và cây trồng.

PGS.TS Vũ Năng Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam cũng cho rằng, thực trạng đất sản xuất nông nghiệp rất đáng báo động. Trong đó, quản lý đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng vẫn tập trung vào quản lý hành chính, chưa phải là quản trị đất đai nên vấn đề sử dụng đất sản xuất, gắn với nâng cao chất lượng đất chưa được chú trọng.

“Đất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta dùng cơ giới hóa nhiều, lạm dụng phân hóa học nên đất bị nén chặt, độ xốp giảm đi, khả năng giữ nước, thoát nước rất kém khiến rễ cây khó hút dinh dưỡng” - ông Dũng nói.

Hải Dương là tỉnh đồng bằng nhưng theo đại diện Sở NNPTNT tỉnh này, đất sản xuất đang có tình trạng “sa mạc hoá” do đất đai bị suy kiệt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả canh tác nông nghiệp. Dẫn chứng đại diện Sở NNPTNT Hải Dương cho biết, trước đây vùng trồng ổi của tỉnh có thể cho thu hoạch từ 5-7 năm mới phải trồng lại; gần đây vòng đời cây ổi chỉ còn 3 năm, thời gian cho thu hoạch rút ngắn còn 2 năm, trong đó chỉ thu hoạch chính được 1 năm. Qua khảo sát, nghiên cứu, nguyên nhân không phải do sâu bệnh hay giống mà do đất bị chai, thiếu dinh dưỡng. Nhiều diện tích canh tác nông nghiệp trực tiếp tại Hải Dương đã phải chuyển sang sản xuất trong nhà màng, nhà lưới trên nền đất mượn. Việc sản xuất trong nhà màng, nhà lưới mặc dù cho hiệu quả cao nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài cho ngành trồng trọt.

Sản xuất song hành với cải tạo đất

Theo các chuyên gia, hành lang pháp lý về sử dụng, bảo vệ đất đai đã có nhưng chưa có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện.

Để nâng cao “sức khỏe” đất, các chuyên gia cho rằng, cần rà soát, xây dựng các chính sách cụ thể để hỗ trợ thực hiện các biện pháp cải tạo đất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nhanh hoạt động dịch vụ nông nghiệp. Đồng thời, có những chính sách khuyến khích áp dụng các biện pháp, mô hình, hệ thống canh tác nhằm mục tiêu bảo đảm “sức khỏe” đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững.

Từ thực tế sản xuất theo mô hình hữu cơ, bà Nguyễn Thị Yến (hộ sản xuất tại xã Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai) cho rằng, canh tác hữu cơ có lợi ích lâu dài nhưng chi phí cao và hiệu quả chậm hơn. Ngay cả đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở cũng chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích, hiệu quả của các phương pháp canh tác giúp bảo vệ, cải tạo độ phì nhiêu cho đất nên rất khó để khuyến khích người dân làm theo. Chính vì vậy, để cải tạo đất đai, Bộ NNPTNT cần có hướng dẫn, quy định về chức năng hệ thống bảo vệ thực vật ở cơ sở; tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức trong việc bảo vệ sức khỏe của đất, cũng chính là bảo vệ sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp.

Đề cập vấn đề làm sao để cải tạo đất, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung cho rằng, cần nâng cao nhận thức của cả người dân và các cơ quan quản lý về tầm quan trọng của chất lượng, sức khỏe đất đối với hoạt động sản xuất và đời sống, đặc biệt là liên quan đến an ninh lương thực. “Tiếp đến, cần xây dựng các quy trình sản xuất, canh tác phù hợp đối với từng loại đất, từng loại cây trồng và có những biện pháp để cải cải tạo độ phì cũng như bổ sung dinh dưỡng cho đất một cách kịp thời qua mỗi một mùa vụ” - ông Trung nhấn mạnh và cho biết, sắp tới Cục Trồng trọt sẽ xây dựng chiến lược để quản lý sức khỏe đất của quốc gia liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp để trình Chính phủ ban hành. Tạo căn cứ để ngành nông nghiệp và các địa phương quy hoạch tổng thể phương án sử dụng, cải tạo đất nhằm quản lý tốt sức khỏe của đất để phục vụ cho ngành trồng trọt một cách bền vững.

Nguồn
https://daidoanket.vn/

Tin liên quan