Kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2018

1. Công nhận giống cây trồng mới

Ngoài một số kết quả nghiên cứu cơ bản, định hướng ứng dụng trong lĩnh vực CNSH, đánh giá nguồn gen, năm 2018, toàn VAAS đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận 41 giống cây trồng mới, trong đó có 7 giống được Bộ NNPTNT công nhận chính thức, gồm: 03 giống lúa, 01 giống ngô, 01 giống sắn, 01 giống đậu xanh, 01 giống dứa 34 giống được công nhận cho sản xuất thử, gồm: 07 giống lúa, 05 giống ngô, 05 giống đậu đỗ, 02 giống cây có củ, 06 giống rau, 05 giống cây ăn quả,  03 giống cây công nghiệp và 01 giống cây thức ăn chăn nuôi (chi tiết danh mục giống cây trồng mới được công nhận phụ lục 9 đính kèm).

Ngoài 01 bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng đất phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Nam, Hòa Bình, Thanh Hóa, 01 bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng và tình trạng ô nhiễm đất và nước tưới tại các vùng sản xuất cà rốt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, 04 dự thảo TCVN về phân tích phân bón VSV, phân tích đất. Năm 2018 VAAS đã có 24 quy trình công nghệ được xây dựng, trong đó có 11 quy trình đang làm thủ tục/đã được công nhận là TBKT/đăng ký sở hữu trí tuệ (chi tiết danh mục TBKT mới được công nhận phụ lục 10 đính kèm).

Các quy trình và TBKT trên đã được triển khai trình diễn, nhân rộng trong sản xuất trên cả nước với quy mô hàng trăm ha, điển hình như: mô hình cánh đồng lớn thâm canh lúa áp dụng cơ giới hóa tại Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội, Thừa Thiên Huế (tổng diện tích 385,0 ha); mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ thanh long tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang (tổng diện tích 40,0 ha), mô hình thâm canh xoài và nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP tại An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai (tổng diện tích hơn 360,0 ha), mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (tổng diện tích 95,0 ha), Mô hình thâm canh vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh (tổng diện tích 154,0 ha), mô hình thâm canh giống sắn mới bền vững tại Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai, Kom Tum, Tây Ninh, Nghệ An, Yên Bái và Sơn La (163,0 ha).

2. Hợp tác với doanh nghiệp phát triển sản phẩm KHCN vào sản xuất

Năm 2018 các đơn vị thuộc VAAS đã chuyển giao bản quyền/ký kết hợp đồng thương mại hóa với các doanh nghiệp cho 18 giống cây trồng mới (16 giống lúa, 01 giống ngô và 01 giống nấm); ký kết và thực hiện 55 hợp đồng tư vấn kỹ thuật, hợp tác khảo nghiệm-phát triển  giống cây trồng và thử nghiệm phân bón, chế phẩm sinh học; sản xuất và cung ứng cho thị trường trên 4,3 nghìn tấn giống lúa các cấp; 500 tấn giống ngô; hơn 140 tấn giống cây đậu đỗ; gần 520 tấn giống cây có củ và hàng triệu cây giống ăn quà, cây công nghiệp khác; hơn 2 tấn chế phẩm Compost maker, 500 kg chế phẩm vi sinh vật chức năng, 500 kg nấm rễ Mycorhiza, 100 kg chế phẩm VSV cải tạo đất và 1.200 lít chế phẩm vi sinh vật phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Doanh nghiệp của 04 đơn vị thành viên thuộc VAAS (Viện Nghiên cứu Ngô, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ và Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố) có hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ với tổng doanh thu đạt hơn 94,0 tỷ đồng.

Năm 2018 VAAS và các đơn vị thành viên đã ký kết 9 Biên bản hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm khoa học công nghệ với nhiều doanh nghiệp trong cả nước.

Tin liên quan