Kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2017

1. Kết quả nghiên cứu cơ bản

Trong năm 2017, các đơn vị đã nghiên cứu giải mã hệ gen của 360 dòng/giống lúa thuộc 08 tập đoàn lúa chất lượng, chống chịu sâu bệnh hại và điều kiện bất lợi của Việt Nam; thiết kế được bộ các chỉ thị chức năng, trực tiếp góp phần tạo được 27 dòng đẳng gen mang gen mục tiêu (kháng bạc lá, đạo ôn, rầy nâu hoặc chịu hạn, mặn) làm vật liệu phục vụ nghiên cứu cải tiến, lai tạo giống lúa mới. Ứng dụng phương pháp chọn giống bằng chỉ thị phân tử MABC, chọn tạo thành công giống lúa SHPT3 chịu ngập, giống lúa DT66 kháng bệnh bạc lá (hiện đang triển khai sản xuất thử để xin công nhận là giống cây trồng mới).

Xác định được trình tự và đặc tính gen GmMSRA6 trên đậu tương, chống chịu tốt  điều kiện bất lợi; xây dựng được cấu trúc mang gen chịu hạn thuộc họ gen GmNAC và biến nạp thành công gen này vào giống đậu tương ĐT22, thu được 108 cây chuyển gen; phân lập và biến nạp được các gen chịu mặn AtAVP1, AtNHX1AtSOS1 vào giống đậu tương ĐT26; xây dựng được phương pháp xác định (định tính, định lượng) tính đặc hiệu cho các sự kiện ngô biến đổi gen TC1507, MON810 và T25, đậu tương biến đổi gen MON87705, MON87708.

Xác định hơn 60 loài côn trùng (gây hại và thiên địch) và thành phần sâu bệnh hại trên nhiều loại cây trồng (lúa, cây ăn quả có múi, chanh leo, chè, cà phê) phục vụ giám định, cảnh báo sớm dịch bệnh trong sản xuất.

Tiếp tục thu thập bổ sung và lưu giữ 30.392 mẫu giống của các nguồn gen cây trồng, hơn 2.300 nguồn gen cây bông trong hệ thống mạng lưới Ngân hàng gen cây trồng quốc gia và 1.588 nguồn gen vi sinh vật (gồm 703 nguồn gen VSV trồng trọt và 885 nguồn gen vi sinh vật BVTV) đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp phát nguồn gen phục vụ nghiên cứu và sản xuất.

2. Kết quả nghiên cứu ứng dụng.

Năm 2017, toàn VAAS chọn tạo được 64 giống cây trồng mới, trong đó có 15 giống được công nhận chính thức, gồm: 07 giống lúa (ANS1, ĐTM126, J02, N25, PC26, TBJ3, VAAS16), 03 giống ngô (CS71, HT119, VN5885), 03 giống tằm (TS1-T, TS1-TP, TS1-H), 02 giống cây ăn quả (dứa lai LĐ 14 và dứa Queen GU044); 49 giống được công nhận cho sản xuất thử, gồm: 28 giống lúa, 06 giống ngô, 06 giống cây có củ, 03 giống cây đậu đỗ, 01 giống cây ăn quả và 05 giống cây công nghiệp.

Xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng đất trồng lúa, đất nông nghiệp và đánh giá đất phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho một số tỉnh: Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Nam, huyện Yên Thủy – Hòa Bình, vùng trồng mía của 03 huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Nông Cống – Thanh Hóa, vùng trồng mía trọng điểm tỉnh Tuyên Quang. Hoàn thành dự thảo 04 TCVN về tiêu chuẩn phân tích phân bón VSV và về phân tích đất.

Có 08 tiến bộ kĩ thuật (TBKT) của các đơn vị Bộ công nhận, gồm: 04 TBKT về canh tác (Quy trình quản lý cây trồng tổng hợp trên cây mía ở chân đất cao vùng Đông Nam Bộ; Quy trình quản lý cây trồng tổng hợp trên cây mía ở chân đất thấp vùng Đông Nam Bộ; Quy trình  bón phân cho ngô ở Đông Nam Bộ và Quy trình trồng và chăm sóc cây dừa lấy dầu vùng Nam Trung Bộ) và 04 TBKT về bảo vệ thực vật (Quy trình quản lý tính kháng thuốc bảo vệ thực vật của nhện đỏ hại cây ăn quả có múi (Panonychus citri McGregor); Quy trình quản lý tính kháng thuốc bảo vệ thực vật của nhện đỏ hại chè (Oligonychus coffeae Nietner); Quy trình phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn hiệu quả và thân thiện với môi trường tại Tây Nam Bộ và Quy trình phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn hiệu quả và thân thiện với môi trường tại Đông Nam Bộ). Bên cạnh đó, hàng chục quy trình kỹ thuật canh tác cho các loại cây trồng (thâm canh giống nho mới NH01-152 tại Ninh Thuận, thâm canh lạc đen tại Bắc Giang...), bảo vệ thực vật (quản lý bệnh đốm nâu và một số bệnh hại khác trên thanh long, phòng trừ tổng hợp ruồi đục trái trên cây dâu và cây vú sữa...), nhân giống (nhân giống cây sâm Núi Dành, sản xuất cây ăn quả có múi sạch bệnh cho Cao Bằng...), công nghệ sau thu hoạch (sản xuất enzym endolysin tái tổ hợp để bảo quản sữa tươi và sản phẩm từ sữa, bảo quản nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng và nhãn lồng Hưng Yên...) cũng đã được các đơn vị thuộc VAAS nghiên cứu xây dựng. Các quy trình và TBKT trên đã được triển khai trình diễn, nhân rộng trong sản xuất trên cả nước với quy mô hàng trăm ha, điển hình như: Mô hình trình diễn các giống cây ăn quả mới cho vùng Tây Bắc (10 ha), mô hình tái canh cà phê ở Đắk Lắk và Đắk Nông (07 ha); mô hình quản lý bệnh đốm nâu, bệnh thối rễ chết cành thanh long tại Bình Thuận (24 ha); mô hình quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên và Bà Rịa-Vũng Tàu (65 ha); mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hóa sản xuất lạc tại các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh với tổng quy mô là 100ha; mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa với quy mô 360 ha, tại 08 tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hà Nam, Thừa thiên Huế; mô hình áp dụng TBKT chuyển đổi từ đất lúa, đất trồng khoai kém hiệu quả sang trồng lạc với quy mô 52 ha; mô hình sản xuất thâm canh lạc áp dụng cơ giới hóa; mô hình sản xuất ngô trên đất dốc hơn 08 ha; mô hình sản xuất ngô đạt năng suất cao; mô hình trồng mới giống cam CS1, diện tích 10 ha; mô hình thâm canh cam theo hướng VietGAP có áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến.

3. Thương mại hoá các sản phẩm khoa học

Các đơn vị thuộc VAAS đã chuyển nhượng 03 giống lúa thuần (BĐR07, BĐR02 và BĐR27) cho Công ty TNHH Nông Việt Phát; 03 giống ngô (LVN399, LVN885, Đường lai 20); chuyển nhượng quyền phân phối 02 giống ngô (LVN97, LVN152); chuyển nhượng quyền sở hữu “Bằng bảo hộ giống cây trồng” cho giống thanh long ruột đỏ LĐ1 cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit; chuyển giao không độc quyền công nghệ sản xuất phân bón lá Amin cho Công ty Cổ phần 1954. Ngoài ra, toàn VAAS đã tiến hành ký kết hợp đồng nguyên tắc/thỏa thuận ghi nhớ về việc hợp tác khảo nghiệm, sản xuất và khai thác bản quyền nhiều giống cây trồng với trên 40 doanh nghiệp, trung tâm sản xuất giống trên cả nước.

VAAS đã sản xuất và cung ứng cho thị trường trên 2,3 nghìn tấn giống lúa các cấp; hơn 80 tấn giống cây đậu đỗ; gần 520 tấn giống cây có củ; 500 nghìn cây giống rau, hoa, quả; gần 5 triệu bầu giống chè; trên 1,5 triệu cây giống và chồi cà phê TRS1; hơn 23 nghìn bầu cây giống hồ tiêu; khoảng 150 nghìn cây giống và chồi bơ. Bên cạnh đó, các đơn vị đã sản xuất đưa ra thị trường 1,9 tấn chế phẩm Compost maker, 500 kg chế phẩm vi sinh vật chức năng, 500 kg nấm rễ Mycorhiza, 100 kg chế phẩm VSV cải tạo đất và 1.200 lít chế phẩm vi sinh vật phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đã sản xuất và và tiêu thụ hơn 600 tấn giá thể các loại (giá thể TN1, GT05), phân hữu cơ sinh học PB05, phân hữu cơ – khoáng CP2; thương mại hóa sản phẩm đo pH - EFS, chất cải tạo đất EFS05, chế phẩm đạm sinh học 01, chế phẩm đạm sinh học 02, Nano Chitosan Canxi, Nano Chitosan Amin, chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu – EM và sản phẩm Vi sinh 01.

Tin liên quan