1. Nguồn gốc
Giống lạc LDH.09 được Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai đơn ICG20 x 9205-H1.
Giống lạc LDH.09 được Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tự công bố lưu hành theo công văn số 121/VNTB-KH ngày 25/3/2021 và Thông báo số 364/TB-TT-CLT ngày 16/4/2021 của Cục Trồng Trọt-Bộ Nông nghiệp và PTNT chấp nhận Hồ sơ tự công bố lưu hành giống lạc LDH.09.
2. Tác giả
Hoàng Minh Tâm1, Hồ Huy Cường1, Phạm Vũ Bảo1, Mạc Khánh Trang1, Trương Thị Thuận1, Bùi Ngọc Thao1, Đường Minh Mạnh1, Đỗ Thị Xuân Thùy1, Nguyễn Thị Như Thoa1, Nguyễn Văn Thắng2, Nguyễn Xuân Thu2.
1 Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ; 2 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.
3. Đặc điểm chính
Giống LDH.09 thuộc kiểu hình bán đứng, hoa phân bố liên tục, lá chét khi trưởng thành có màu xanh đậm, eo quả trung bình, khối lượng 100 hạt từ 68,33 – 69,5 gam, khối lượng 100 quả từ 160,2 – 168,7 gam, tỷ lệ hạt/quả từ 70,23 – 70,90%, nhiễm nhẹ với bệnh đốm đen, đốm nâu và gỉ sắt (điểm 3), nhiễm nhẹ với bệnh héo xanh và bệnh thối đen cổ rễ (điểm 1). Thời gian sinh trưởng của giống lạc LDH.09 thuộc nhóm trung ngày, biến động từ 90 – 100 ngày tùy theo mùa vụ canh tác, tương đương so với giống lạc L14. Năng suất thực thu bình quân ở các điểm khảo nghiệm tác giả, khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất biến động từ 30 – 40 tạ/ha.
Ưu điểm:Giống lạc LDH.09 có quả lớn, năng suất cao, thân gọn, chịu mặn mức trung bình.
4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
4.1. Chuẩn bị giống, đất trồng
- Trước khi gieo trồng tiến hành bóc vỏ lấy nhân, loại bỏ những hạt lép, vỡ và có vết thâm đen, thử tỷ lệ nảy mầm để xác định lượng giống gieo và hạn chế dặm tỉa. Đối với giống lạc tỷ lệ nảy mầm của cấp giống xác nhận cần đạt tối thiểu trên 70%.
- Chọn đất: Đất phù sa cơ giới nhẹ, đất cát xám, đất cát ven biển ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ, chủ động được tưới tiêu.
- Làm đất: Xử lý sạch cỏ dại, tàn dư thực vật trước khi gieo. Tiến hành cày sâu từ 20 – 25 cm, bừa kỹ. Định hình luống rộng 100 cm và rãnh thoát nước 30 cm hoặc lên luống với chiều rộng 1,0 m, cao 20 cm, rãnh thoát nước 30 cm.
4.2. Thời vụ gieo trồng
Thời vụ gieo trồng giống lạc LDH.09 tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ theo lịch thời vụ của địa phương.
4.3. Kỹ thuật trồng
- Gieo trồng với mật độ 40 cây/m2, hàng cách hàng 20 – 25 cm, cây cách cây 10 – 12 cm, gieo 1 hạt/hốc, gieo 4 hàng/luống.
- Độ sâu lấp hạt lạc từ 3 – 4 cm, nếu đất khô thì lấp sâu hơn.
- Sau khi gieo 5 – 6 ngày, tiến hành ngâm nước và ủ một số hạt giống dự phòng để tỉa dặm vào những hốc không mọc hoặc bị chim, chuột ăn.
4.4. Kỹ thuật bón phân
- Lượng phân bón đầu tư cho 1,0 ha:
Chủng loại |
Liều lượng |
Quy đổi |
- Đạm |
30 - 45 kg N |
65 -100 kg Urê |
- Lân |
90 - 110 kg P2O5 |
565 -700 kg Super lân |
- Kali |
90 kg K2O |
150 kg Kaliclorua |
- Phân chuồng hoai |
5 tấn |
5 tấn |
- Vôi bột |
500 kg |
500 kg |
- Phương thức bón phân:
+ Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng, phân lân, ½ phân đạm, ½ phân kali và ½ lượng vôi vào lúc bừa đất lên luống.
+ Bón thúc lần 1 vào thời điểm cây có 2 - 3 lá thật (sau gieo khoảng 10 - 12 ngày) với lượng ½ phân đạm và ½ phân kali.
+ Bón thúc lần 2 vào thời điểm cây ra hoa rộ với ½ lượng vôi còn lại.
4.5. Kỹ thuật chăm sóc
- Phòng trừ cỏ dại:
+ Sau gieo hạt từ 1 - 3 ngày dùng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: Dual gold 960EC pha 20 - 25 ml thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2 bình/500 m2. Khi phun thuốc đất phải đủ ẩm, nếu đất quá khô cần tiến hành phun một lượt nước lên luống trước khi phun thuốc.
+ Sau gieo 10 - 12 ngày và 25 - 30 ngày, tiến hành làm cỏ bằng tay và kết hợp bón thúc phân.
- Tỉa, dặm ngay sau khi cây lạc mọc.
- Xới xáo làm cỏ kết hợp với bón thúc đợt 1 vào lúc lạc mọc từ 10 - 12 ngày.
- Làm cỏ đợt 2 sau gieo 30-35 ngày kết hợp bón thúc lần 2.
- Làm cỏ đợt 3 sau khi ra hoa rộ 7-10 ngày, xới và vun nhẹ quanh gốc.
- Tưới nước:Tưới nước cho cây lạc theo phương thức tưới rãnh (chỉ cho nước vào vừa ngập rãnh và để cho nước ngấm vào các băng trồng lạc, không được tưới tràn) hoặc tưới phun mưavà duy trì độ ẩm đất trong suốt thời gian sinh trưởng của lạc khoảng 60 - 80% độ ẩm giới hạn đồng ruộng. Đặc biệt, ở thời kỳ ra hoa, hình thành quả phải đảm bảo ẩm độ 80 - 85% và giảm ở thời kỳ chín của hạt.
4.6. Phòng trừ sâu bệnh
- Vệ sinh đồng ruộng trước khi làm đất, thăm đồng thường xuyên để phát hiện cây bệnh và nhổ bỏ chúng kết hợp với các đợt làm cỏ.
- Sử dụng hạt giống khỏe (giống có phẩm cấp xác nhận trở lên), giống kháng bệnh héo xanh vi khuẩn.
- Mật độ gieo hợp lý (như đã nêu ở phần trên).
- Thời vụ gieo trồng hợp lý (như đã nêu ở phần trên).
- Bón phân hợp lý (như đã nêu ở phần trên).
- Dùng thiên địch có ích để điều khiển quần thể sâu hại và chế phẩm sinh học để phòng trừ bệnh nấm gây ra: Chế phẩm Trichoderma nếu sử dụng phân chuồng để hạn chế tối đa các mầm bệnh trong phân chuồng; Sử dụng bẫy chua ngọt để phòng trừ sâu khoang; Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học (Exin 2.0 SC-SAT, Vi-BT 16000WP,…) để trừ các đối tượng: sâu xanh, sâu róm, sâu khoang, bọ trĩ,….
- Phun thuốc trừ sâu, bệnh hại theo các nguyên tắc:
+ Khi mật độ quần thể sâu, bệnh hại đạt đến số lượng nhất định (ngưỡng kinh tế) thì mới sử dụng các loại thuốc phổ tác dụng hẹp để phun diệt trừ.
+ Sử dụng đúng chủng loại thuốc BVTV cho từng đối tượng sâu, bệnh hại.
+ Sử dụng đúng liều lượng và nồng độ hướng dẫn.
+ Phun đúng kỹ thuật theo từng đối tượng sâu, bệnh hại.
- Các đối tượng sâu, bệnh hại chính và phun phòng trừ khi đến ngưỡng kinh tế:
+ Sâu xám (Agrotis ypsilon Rott): Xuất hiện ở giai đoạn cây con từ khi gieo lạc đến khi cây có 3 lá thật. Phòng trừ: dùng thuốc Regent 800 WG (pha gói 16 gram/bình 16 lít/500 m2).
+ Sâu khoang (Spodoptera litura Fabr): Sâu trưởng thành xuất hiện ở giai đoạn cây lạc sau khi gieo được 15-20 ngày và phá hoại nặng nhất ở giai đoạn tạo quả đến vào chắc. Phòng trừ: dùng thuốc Kinalux 25EC pha 20-40 ml/bình 8 lít, phun 5 bình/1.000 m2.
+ Bọ trĩ (Scirtothrips dorsalis Hood): Xuất hiện sau khi cây lạc gieo khoảng 15-20 ngày và đến khi thu hoạch. Phòng trừ: dùng thuốc Confidor 100SL, pha 10 ml/bình 16 lít/500 m2; Dragon 585 EC, pha 10ml/bình 8 lít phun 4 bình/1.000 m2.
+ Rầy xanh (Empoasca motti Pruthi): Xuất hiện sau khi cây lạc gieo khoảng 15-20 ngày và đến khi thu hoạch. Phòng trừ: dùng thuốc Bassa 50EC (pha 20 ml/bình 8 lít, phun 4 bình/500 m2), Admire 200 OD (lượng thuốc 200 ml/ha), Trebon 10 EC (lượng thuốc 700 ml/ha).
+ Rệp hại lạc (Aphis craccivora Koch): Xuất hiện sau khi cây lạc gieo khoảng 15-20 ngày và đến khi thu hoạch. Phòng trừ: dùng thuốc Admire 200 OD (lượng thuốc 200 ml/ha), Applaud 10 WP (lượng thuốc 0,8 – 1,0 kg/ha phun với 400 - 500 lít nước/ha).
+ Bệnh đốm đen (Phaeoisariopsis personata) và gỉ sắt (Puccinia arachidis): Xuất hiện ở giai đoạn cây lạc sau khi ra hoa - tạo quả và đến chín. Phòng trừ: dùng thuốc Daconil 200SC (1,5 lít/ha); Folicur 250EW (0,75 lít/ha); Anvil 5SC (1,0 lít/ha).
+ Bệnh héo rũ nấm hại lạc: Gồm bệnh héo rũ gốc mốc trắng (Sclerotium rolfsii Sacc); Bệnh héo rũ gốc mốc đen (Aspergillus niger); Bệnh héo rũ thối gốc lở cổ rễ do nấm Rhizoctonia spp. và Fusarium spp. Bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lạc. Phòng trừ: dùng thuốc Sumi eight 12,5 WP (0,02 - 0,03%); Topsin M 70WP (0,4 - 0,6 kg/ha); Dithane M45 80WP (1 - 2kg/ha).
+ Bệnh héo xanh vi khuẩn hại lạc (Pseudomonas; Ralstonia solanacearum Smith): Bệnh xuất hiện ở giai đoạn cây lạc bắt đầu ra hoa đến khi thu hoạch. Phòng trừ: hiện nay chưa có thuốc trị bệnh chỉ dùng phòng bệnh như sau: luân canh, giống kháng bệnh, xử lý hạt giống, dùng chế phẩm sinh học đối kháng Pseudomonas cepacia, P. fluorescens….
5. Thu hoạch và bảo quản
Chọn ngày nắng ráo để thu hoạch. Khi lạc chín 80 - 85% tiến hành thu hoạch. Lạc vỏ sau khi thu hoạch phơi trên sân gạch hoặc bê tông có lót bạc nilong từ 4 - 5 nắng hoặc sấy trong điều kiện nhiệt độ không quá 360C khoảng 2-3 ngày sau khi ẩm độ hạt lạc còn 9-12% tiến hành phân loại làm sạch, loại bỏ quả hư hỏng, khác giống, loại bỏ tạp chất… để bảo quản. Lạc vỏ sau phơi khô phải để thật nguội mới đưa vào bao nilon, buộc kín để tránh hút ẩm trở lại.
Bảo quản lạc giống trong kho thoáng mát trên kệ cao, tránh tiếp xúc trực tiếp với mặt đất bằng các dụng cụ như chum vại, lọ thủy tinh (số lượng nhỏ), bao nilong (số lượng lớn). Hạt giống trong điều kiện thường có thể bảo quản trong 3 tháng với tỷ lệ nảy mầm trên 90%.
6. Địa phương đã áp dụng thành công
Các địa phương sử dụng giống LDH.09 như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định. Nhờ khả năng thích ứng trên đất nhiễm mặn, nên giống lạc LDH.09 được sử dụng canh tác trên chân đất nhiễm mặn chuyển đổi từ 1 vụ lúa/năm sang sản xuất 2 vụ lạc/năm hoặc 2 vụ lạc + 1 vụ hành/năm giúp tăng hệ số sử dụng đất lên 2-3 lần và lợi nhuận tăng thêm trên 80 triệu đồng/ha/năm. Hàng năm, diện tích sử dụng giống LDH.09 ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ là 800 ha/năm, tương đương với lợi nhuận tăng thêm khoảng 64 tỷ đồng/năm.
7. Địa chỉ liên hệ giống
Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ,
Địa chỉ: KV8, P. Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định;
Điện thoại liên hệ: 0914123755 (Phạm Vũ Bảo).