Tìm ra giống kháng bệnh khảm lá sắn

Qua đánh giá khảo nghiệm trên tổng số 157 dòng giống sắn nhập nội và hơn 250 dòng giống sắn trong nước đã thu được 8 dòng/giống kháng hoàn toàn với bệnh khảm lá.

Tại tỉnh Tây Ninh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh khảm lá sắn. Theo báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật, bệnh khảm lá sắn được phát hiện gây hại tại Tây Ninh năm 2017.

Dịch lan rộng

Năm 2020, cả nước xuống giống 421.058 ha sắn. Diện tích sắn nhiễm bệnh hiện nay là 52.179 ha (tăng 22.964 ha so với cùng kỳ năm trước), trong đó, nhiễm nặng 7.174,5 ha. Các giống được trồng phổ biến là KM94 (37%), KM 140 (18%), KM 419 (15%), HLS-11 (6%), và các giống địa phương. Bệnh phát sinh và gây hại chủ yếu trên các giống HLS11, KM419, KM98-5, KM 60, SM 937-26…

Tại tỉnh Tây Ninh, tính đến ngày 15/11/2020, tỉnh này đã xuống giống được 56.000 ha sắn. Diện tích nhiễm bệnh là 43.331 ha, đã thu hoạch 23.439 ha và diện tích nhiễm bệnh hiện còn trên đồng là 19.890 ha.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cùng đoàn công tác thăm mô hình chọn tạo giống kháng bệnh khảm lá sắn tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hầu hết các tỉnh, thành đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh để tập trung và huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố, Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh, thành phố đã ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung: tăng cường công tác phòng, chống bệnh khảm lá sắn; tổ chức các hội nghị tuyên truyền phòng, chống, khuyến khích người dân sử dụng giống sạch bệnh, chủ động trong phòng chống bệnh.

Đã tìm ra giống kháng bệnh

Theo Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ NN-PTNT, Viện phối hợp với các tập đoàn giống tích cực nghiên cứu chọn tạo giống kháng bệnh từ tháng 10/2018 đến nay. Theo đó, qua đánh giá khảo nghiệm trên tổng số 157 dòng giống sắn nhập nội và hơn 250 dòng giống sắn trong nước đã thu được 8 dòng/giống kháng hoàn toàn với bệnh khảm lá (HN4, C48, C36, C4, HN3, C9, C74 và HN2), năng suất khá (38-64 tấn/ha), tinh bột cao (26-30%) so với các giống đối chứng tốt nhất hiện trồng tại Tây Ninh: KM419 và KM140 (44-48 tấn/ha). Đặc biệt trong đó có 1 dòng (C97) đạt cao ở cả 3 chỉ tiêu: năng suất (54 tấn/ha), tinh bột (27,5%), kháng bệnh (100%).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cùng đoàn công tác thăm mô hình chọn tạo giống kháng bệnh khảm lá sắn tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung

Nhằm đánh giá kết quả thử nghiệm giống sắn mới, đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh khảm lá sắn do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh làm trưởng đoàn đã thăm mô hình chọn tạo giống kháng bệnh khảm lá sắn tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh do Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh thực hiện.

Theo đó, tại cả ba ruộng thí nghiệm các giống sắn khảo nghiệm đều phát triển rất tốt, chiều cao, tán lá tốt hơn so với giống đối chứng (KM419, HL-S11) và ruộng của nông dân xung quanh (chủ yếu trồng giống KM419). Dựa trên khả năng kháng bệnh khảm lá trên đồng ruộng và kết quả năng suất, tỷ lệ tinh bột từ các thí nghiệm diện hẹp đã thu hoạch, cơ quan chức năng xác định được các giống sau có khả năng chống chịu được bệnh gồm: C4, C9, C36, C48, C97, HN3, HN4, HN5, KM140, KM419. Trong các giống nêu trên, giống HN3 và HN5 có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn tốt. Hơn nữa, hai giống này cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với giống KM140 và KM419. Các giống còn lại có tiềm năng kháng bệnh nhưng cần thí nghiệm trên diện rộng tại Tây Ninh trong năm 2021 để khẳng định khả năng kháng bệnh chính xác hơn.

Đã bắt đầu chọn tạo được giống sắn kháng bệnh khảm lá. Ảnh: Trần Trung

Theo GS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, bên cạnh ưu điểm nổi trội trên, giống sắn HN3 và HN5 cũng có nhược điểm là tính phân cành nên mật độ trồng sẽ không cao, lượng tinh bột thấp. “Tuy nhiên, trong bối cảnh các giống đều bị nhiễm khảm lá thì đây là giải pháp hiệu quả. Viện sẽ tiếp tục phối hợp trong việc nghiên cứu chuyển gen kháng bệnh, tạo ra giống sạch bệnh đưa vào sản xuất”, GS Hàm nhấn mạnh.

 

Giống HN3 và HN5 cho kết quả khả quan về cả 3 tiêu chí năng suất, tinh bột, kháng bệnh. Ảnh: Trần Trung

Chủ động phòng chống bệnh

Tại Hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian bàn luận về nguyên nhân và giải pháp trong công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn. Hầu hết các đại biểu cho rằng, sắn là loại cây trồng chủ lực, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, có nguồn tiêu thụ ổn định nên địa bàn phân bố rất rộng, trong khi đó giống sắn chủ yếu là giống tự để, lấy vụ trước trồng vụ sau nên nếu nhiễm bệnh sẽ lây lan theo cấp số nhân.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển giống sắn không thể kiểm soát do chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và chưa đủ cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp cố ý buôn bán, vận chuyển hom giống từ vùng bệnh sang vùng chưa xuất hiện bệnh khảm lá sắn. Các tỉnh chưa tổ chức nhân giống sạch bệnh được nên tình trạng khan hiếm nguồn giống sạch bệnh cung cấp cho sản xuất đại trà, dẫn đến nông dân phải sử dụng giống nhiễm bệnh để trồng…

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì và phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Trung

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ tổ chức nhân giống sạch bệnh (chỉ ở các vùng áp lực bệnh thấp), nhân giống kháng bệnh và tiếp tục thực hiện chia sẻ giống trong cộng đồng, tìm nguồn giống sạch bệnh từ các vùng, các địa phương không bị nhiễm bệnh khảm lá sắn để cung cấp giống sạch cho nông dân. Tuyên truyền vận động nông dân gieo trồng đồng loạt, tập trung trồng 1-2 vụ/năm. Những địa phương trồng 3 vụ, cần chuyển đổi 1 vụ sắn sang trồng cây khác nhằm cắt nguồn bệnh ngoài đồng ruộng…

Chia sẻ, ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, sắn là cây cực kỳ quan trọng đối với Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung. Sau nhiều nỗ lực khống chế và triển khai các mô hình phòng chống nhưng mới phần nào kiểm soát được sự lây lan của virus khảm lá sắn. Việc tìm ra được các dòng giống kháng bệnh, mà vẫn cho năng suất cao như vừa qua là thông tin rất mừng với bà con Tây Ninh, cũng như nhiều tỉnh thành khác. Mong các Viện, ngành chức năng sớm nhân giống, lai tạo ra giống kháng bệnh phục vụ sản xuất.

 

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: Trần Trung

Để khắc phục tình hình dịch bệnh, các đại biểu cho rằng, cơ quan chức năng và lực lượng công an phối hợp thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán hom giống ở các vùng bị nhiễm bệnh tại các địa phương. Nhà nước cần có chế tài xử lý nghiêm các hành vi trao đổi, mua bán giống sắn bị nhiễm bệnh khảm lá hoặc các giống sắn không rõ nguồn gốc. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh – Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong việc nghiên cứu, lai tạo giống mới đến công tác cắt vụ luân canh trên đồng…

Ông cho rằng, để giải quyết triệt để bệnh khảm lá sắn, giải pháp căn cơ nhất trong thời gian tới vẫn phải tìm ra được giống kháng bệnh. Khảo sát thực tế tại mô hình trồng sắn huyện Tân Châu cho thấy giống HN3 và HN5 cho kết quả khả quan, Cục Trồng trọt phối hợp Viện Di truyền Nông nghiệp khẩn trương xem xét để giống kháng bệnh sớm đưa vào sản xuất. 

Một mặt các cơ quan nghiên cứu tiếp tục lai tạo tìm ra giống sắn kháng bệnh có hiệu quả cao thì các địa phương cũng tuyệt đối không sử dụng giống nhiễm bệnh nặng...

Tin liên quan